(HNM) - Mới đầu hè mà đã nắng nóng hơn 40 độ. Nắng nung những con đường hướng về Quảng Trị. Gió Lào thổi rát mặt. Bất chấp nắng nóng cùng gió Lào, đoàn cựu chiến binh (CCB) Báo Hànộimới vẫn hành quân hướng về chiến trường xưa, nơi còn đó những người đồng đội nằm lại trên mảnh đất một thời thấm đẫm lửa và máu.
Họ hướng về Quảng Trị như là những người con xa quê lâu ngày giờ mới có dịp quay lại, như là mới tìm lại được mộ phần của đồng đội, như là có hẹn với người bạn lâu ngày không gặp, như là có tiếng gọi từ miền xa thẳm của ký ức…
Triệu Trạch đón những người con
Từ quốc lộ 1 rẽ vào tỉnh lộ 64 hướng ra Triệu Trạch, màu xanh của những cánh đồng lúa hai bên đường, vườn cây quanh những ngôi nhà hiền hòa đã làm dịu mắt mọi người trong đoàn công tác của Báo Hànộimới. Từ trên xe nhìn ra, không ai có thể mường tượng rằng cách nay tròn 40 năm nơi đây đã một thời là chiến trường ác liệt. Hẳn là sau chiến tranh, người dân đất này đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, tốn không biết bao nhiêu công của và thậm chí cả máu để có được màu xanh của ruộng vườn ngày hôm nay trên một mảnh đất vốn đã khô cằn vì cát trắng, gió Lào và cũng vì vô số bom đạn đã trút xuống.
Xe ô tô chở đoàn từ từ tiến vào sân của UBND xã Triệu Trạch, các đồng chí lãnh đạo xã, vốn là những CCB, cựu dân quân du kích, nhiều người từng chung một chiến hào với CCB Báo Hànộimới ra tận xe, tay bắt mặt mừng. Mặc cho trời nắng, cuộc gặp mặt giản dị, nồng ấm tình đồng đội đã bắt đầu ngay tại hội trường của UBND xã. Ông Lê Quốc Thạnh, Bí thư Đảng ủy xã cùng mọi người ôn lại một thuở hào hùng, kiên cường, bất khuất, không thể phai mờ trong tâm trí của quân và dân Triệu Trạch.
Các cựu chiến binh của Báo Hànộimới và xã Triệu Trạch ôn lại những năm tháng cùng nhau chiến đấu. Ảnh: Yên Trường |
Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong là điểm chốt trọng yếu của Mặt trận cánh Đông trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Từ tháng 7-1972 đến tháng 3-1975, nêu cao tinh thần quyết tử bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, các đơn vị bộ đội chủ lực của Sư 320B, Sư 325, các đơn vị xe tăng Lữ đoàn 203, pháo binh cùng dân quân, du kích xã Triệu Trạch đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, bẻ gãy và đẩy lùi nhiều đợt phản kích mang các biệt danh như Sóng Thần 36, 45, 47, Tăng gô xi ti... của Mỹ - ngụy. Bí thư Lê Quốc Thạnh khẳng định, Chốt thép Long Quang chính là dấu tích lịch sử của một thời chiến tranh ác liệt, là biểu tượng anh hùng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, mảnh đất này đã in dấu chân hàng nghìn con em của mọi miền Tổ quốc. Vì lý tưởng độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trên một nghìn chiến sĩ đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại với Triệu Trạch. Trên đường dẫn đoàn CCB đi thăm lại "chốt thép" ngày xưa, ông Phan Tư Kỳ, nguyên xã đội trưởng thời kỳ 1972 kể lại, đầu chiến dịch xuân hè 1972 cả Triệu Trạch chỉ chết có 15 người nhưng những cuộc phản kích sau đó mới thực sự ác liệt. Hàng trăm lượt B52 thả bom đi, thả bom lại, pháo từ Hạm đội 7 bắn vào gây thương vong vô số. "Anh em chết chủ yếu vì bom và pháo, ngán nhất là pháo khoan từ biển bắn vô", ông Phan Tư Kỳ nhớ lại.
Triệu Trạch có 6 thôn giáp biển, kéo dài khoảng 8 cây số. Nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt chính là bãi cát Triệu Vân (bãi cát giáp ranh giữa xã Triệu Trạch và xã Triệu Vân, Triệu Phong). Ta và địch chỉ cách nhau một dải cát tự nhiên nhô cao ngăn giữa khu dân cư với bãi cát, đánh cài răng lược nên giới tuyến không phân chia rõ ràng. Ông Phan Tư Kỳ vừa đi vừa kể, những năm sau chiến tranh có người đi làm đồng vẫn tìm thấy xác bộ đội, có xác vẫn mang theo mình một gói ruốc bông. Mấy năm trước ngoài bãi cát Triệu Vân vẫn còn mấy chiếc tăng nằm chềnh ềnh.
Đang đi, nhà báo Đào Duy Mười, Trưởng ban Bạn đọc Báo Hànộimới, hỏi lớn: "Anh Kỳ ơi, thế cái cây ba chạc ở chỗ nào nhỉ?". Ông Kỳ đáp liền: "Chờ chút! Sắp đến rồi đó". Dẫn đoàn rẽ lên dải cát tự nhiên ngăn giữa bãi cát Triệu Vân và khu dân cư, đi một lúc cả ông Phan Tư Kỳ, ông Lê Quốc Thạnh và ông Nguyễn Duy Chiến, trước là Trung đội trưởng du kích xã đều reo lên rồi chỉ vào một bụi cây lớn có 3 thân vững mọc giữa um tùm cây xanh: "Đây, cây ba chạc của mấy anh chủ lực đây". Nhà báo Đào Duy Mười kể lại: "Ngày đánh nhau ở đây, cây cối bị bom, đạn pháo của cả hai bên quét trọc nên xung quanh toàn cát với cát. Còn mỗi một cây có 3 cành trơ trọi giữa đồi cát trắng nên anh em gọi luôn là "cây ba chạc" để còn tiện báo về cho pháo binh lấy làm mốc mà nã pháo". Có lẽ cái "cây ba chạc" mà mấy anh bộ đội chủ lực đặt tên là một trong những "cư dân" đầu tiên của vùng cát trắng này từ ngày xửa ngày xưa nên rễ của nó mới bắt sâu xuống mạch ngầm của lòng đất để có sức sống dẻo dai và mãnh liệt đến vậy. Người dân ở Triệu Trạch gọi "cây ba chạc" là sim rú, loại cây mọc khá phổ biến ở vùng này. Sau những loạt bom đạn tàn khốc có lẽ chỉ có 2 "cư dân" còn tồn tại ở chốt thép này là: cây sim rú và con người.
Luôn luôn nhớ ơn đồng đội!
Những người đồng đội một thời lại dẫn nhau đi thăm căn hầm chữ A ngày nào nằm cách không xa cây sim rú ba chạc là bao. Ngày xưa căn hầm được dựng bằng bao cát và cột gỗ đỡ mái tôn. Giờ nó đã được làm lại bằng gạch cùng một đoạn hào bê tông vừa để giáo dục thế hệ trẻ về công lao, sự hy sinh của cha anh vừa là để chính những CCB còn chỗ nhớ về một thuở đạn bom, hào hùng, gian lao mà sâu nặng tình nghĩa đồng đội.
Trên đường quay ra nghĩa trang xã Triệu Trạch, ông Nguyễn Duy Chiến chỉ vào vụng nước có đàn vịt đang bơi lội tung tăng hỏi nhà báo Đào Duy Mười: "Anh có nhớ cái vụng này không? Có lần tôi và anh phải kéo nhau xuống nấp để tránh đạn đấy". "Thế à! Anh chỉ thì tôi nhớ lại chứ giờ cây cối nhiều quá, khác xưa quá nên khó nhận ra lắm", nhà báo Đào Duy Mười thành thật, "tôi nhớ nhất là đồng đội và những anh chị em du kích đã từng gắn bó, phối thuộc với đơn vị của chúng tôi". Những CCB như nhà báo Đào Duy Mười về vùng đất này như là về lại quê hương, gặp lại những người đồng chí, đồng đội, những người anh em nồng hậu, trong sáng, chân thành và giản dị. Theo lời những đồng đội ở Triệu Trạch, nhà báo Đào Duy Mười là một trong những người đã một thời "lăn chai đổ đèn" (nghĩa là lăn qua lộn lại) ở vùng này vào đúng những ngày chiến tranh ác liệt nhất...
Đoàn chúng tôi bước trên cát mà không dám bước mạnh. Dù không ác liệt bằng Thành cổ Quảng Trị, nhưng ở vùng cát trắng này mỗi một mét vuông đều có dấu tích của máu, xương, bom đạn trong chiến tranh và thấm đẫm mồ hôi, công sức của người dân khi xây dựng lại quê hương. Ông Phan Tư Kỳ, người xã đội trưởng ngày nào, giờ là người quản trang của Nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Trạch. Ông Kỳ cho biết, chỉ riêng trên địa bàn xã đã có trên một nghìn chiến sỹ hy sinh. Một số đã được gia đình đưa về, một số không tìm thấy xác, còn lại trong nghĩa trang liệt sỹ của xã là 608 ngôi mộ, đến hơn một nửa là chưa biết tên. Dòng chữ màu đỏ "CHƯA BIẾT TÊN" tạc trên bia mộ như là lời nhắc nhở của những người đã ngã xuống tới những người đang còn sống, lời nhắn nhủ của quá khứ tới hiện tại. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân sâu thẳm thôi thúc những CCB về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén nhang để nhớ về những người đã ngã xuống. Đó cũng chính là nguyên nhân thôi thúc ông Phan Tư Kỳ trở thành người quản trang, sớm tối, ngày ngày chăm lo cho nơi yên nghỉ của đồng đội. "Quý là ở chỗ các đồng đội cũ, trong đó có anh Đinh Thế Huynh, đã cùng nhau gom góp, kêu gọi để xã có khoảng 3 tỷ đồng để sửa sang lại nghĩa trang liệt sỹ", ông Kỳ tâm sự "Giờ thì xã cố gắng giữ gìn nơi yên nghỉ của các anh luôn sạch đẹp".
"Xưa là chiến trường đánh nhau ạ!". Đó là câu trả lời của em Lê Thị Thu Huyền, học lớp 8, đang vui đùa cùng các bạn ngay trước cổng Trường THCS Triệu Trạch khi tôi hỏi: "Các em có biết mảnh đất trước khi trường của em được xây là gì không?". Trên bãi chiến trường 40 năm trước, trên đống tro tàn, đổ nát, đầy rẫy bom mìn, hố bom, hố pháo, giờ đây ruộng vườn đã xanh màu của cây trái, trường lớp rộn ràng tiếng học sinh. Bí thư Đảng ủy xã Lê Quốc Thạnh khẳng định: "Đảng bộ và nhân dân Triệu Trạch không một chút thỏa mãn với những thành tích đã đạt được, luôn chung lưng đấu cật, xây dựng lại quê hương để không hổ thẹn với quá khứ ông cha, không phụ lòng với bao liệt sỹ và cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đã từng chiến đấu, ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng quê hương Triệu Trạch". Lời khẳng định này như là một lời hứa trước anh linh của những người đã ngã xuống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.