(HNM) - Nằm phía tả ngạn Sông Đuống, xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) nổi danh là một trong những an toàn khu trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp.
70 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, truyền thống hào hùng ấy vẫn vang vọng trên vùng đất cách mạng và là điểm tựa vững chắc để Trung Mầu chuyển mình bắt kịp sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhà truyền thống của xã Trung Mầu trở nên tấp nập hơn. Các cụ cao niên đến đây để gặp mặt nhau, để ôn lại một thời sôi nổi đấu tranh cách mạng. Các cháu học sinh đến để tìm hiểu thêm truyền thống của quê hương. Ông Nguyễn Văn Liên, thôn Thịnh Liệt dẫn cháu nhỏ đi tham quan nhà truyền thống vừa chăm chú lắng nghe từng lời thuyết minh của cô cán bộ văn hóa xã giới thiệu về lịch sử quê hương.
Ông Liên cho biết: "Hôm nay tôi dẫn cháu nội đi thăm nhà truyền thống của xã để giới thiệu về quê hương mình - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, kiên cường và anh dũng. Hình ảnh, tài liệu về những năm tháng nhân dân tham gia cách mạng còn được lưu giữ tại đây là bằng chứng sinh động để cháu tôi hiểu quê hương, cũng như yêu thích môn học lịch sử hơn".
Tham quan phòng truyền thống của xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm).Ảnh: Nguyệt Ánh |
Cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Trung Mầu" ghi rõ: Cuối năm 1939, ánh sáng cách mạng của Đảng đã được gây dựng tại Trung Mầu. Từ sự chỉ đạo chặt chẽ của các đồng chí cán bộ Trung ương, phong trào cách mạng đã được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trung Mầu được chọn làm An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ che chở, nuôi dưỡng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Nguyễn Văn Trân, Xuân Thủy...
Từ Trung Mầu, truyền đơn, áp phích, Báo Cờ giải phóng, Báo Cứu quốc và các tài liệu của Đảng được giữ gìn và chuyển tới các cơ sở của Đảng ở khắp nơi để thông báo kịp thời chủ trương lãnh đạo của Trung ương. Đặc biệt, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 10-3-1945, nhân dân trong xã đã nhất tề nổi dậy, đấu tranh xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng và trở thành một trong những địa phương đầu tiên giành được chính quyền trong cả nước. Trung Mầu đã được Đảng, Nhà nước tặng Bằng "Làng có công với nước" trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, năm 2000, được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Pháp cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng, Trung Mầu hôm nay đã và đang chuyển mình để vươn lên làm giàu. Theo Bí thư Đảng ủy xã Trung Mầu Tạ Đình Cương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng quê hương. Người dân đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nên bức tranh nông thôn Trung Mầu đã có diện mạo mới.
Các công trình điện - đường - trường - trạm được đầu tư theo tiêu chí chuẩn quốc gia. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, hằng năm, số hộ giàu, khá tăng nhanh, số hộ nghèo giảm. Bình quân thu nhập đầu người tính đến năm 2014 là 18,2 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất ngành trồng trọt - thủy sản trên 1ha đất nông nghiệp đạt 76,83 triệu đồng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Trung Mầu đạt 12/19 tiêu chí. Hiện tại, xã đang tích cực triển khai công tác dồn điền, đổi thửa…
Thăm và làm việc với xã Trung Mầu trong những ngày tháng Tám lịch sử, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng vui mừng chứng kiến sự đổi thay toàn diện của xã Trung Mầu trong thời kỳ đổi mới và mong muốn trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục phát huy truyền thống của An toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ năm xưa, huy động mọi kinh nghiệm, nguồn lực cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, cần tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, thực hiện tốt dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, hoàn thành 7 tiêu chí còn lại trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và bước đầu đạt được những thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng Trung Mầu vẫn là một trong những xã có nhiều khó khăn của huyện Gia Lâm. Song, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, Trung Mầu sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.