Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẻ đẹp của tình yêu thương

Minh Ngọc| 11/08/2019 06:51

(HNM) - Phong trào hiến máu tình nguyện kết hợp vận động hiến mô, tạng nhân đạo sau khi chết, chết não đang phát triển rộng khắp trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Sự lan tỏa của nghĩa cử cao đẹp này đã mang lại sự sống, nối dài cuộc đời cho rất nhiều người đứng bên lằn ranh mong manh sinh - tử. Nói một cách giản dị, đó chính là vẻ đẹp của tình yêu thương giữa con người với con người.

Phong trào hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia. Ảnh: Hà Hiền

Phong trào phát triển rộng khắp

Anh Phan Anh Tuấn, phố Hàng Thiếc, phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) là một trong nhiều người dân Thủ đô đã đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo sau khi qua đời, chia sẻ: “Nếu có sẵn nguồn mô, tạng, tôi tin nhiều bệnh nhân sẽ được cứu sống, không ít gia đình vơi bớt khó khăn. Cùng với việc tự mình đăng ký, tôi đã vận động được nhiều người thân, bạn bè tham gia”.

Ngày 4-8 vừa qua, tại Ngày hội “Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo” năm 2019 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức đã thu hút nhiều người tham gia hiến máu, hiến mô tạng, trong đó có gần 200 người là giảng sư, tăng ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tăng ni sinh Thích Khai Bảo bộc bạch: “Tôi đăng ký hiến mô, tạng với mong muốn bản thân có thể góp phần cứu những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần phát huy tinh thần tương thân, tương ái”.

Phong trào hiến máu tình nguyện kết hợp vận động hiến mô, tạng nhân đạo sau khi chết, chết não trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang thu hút đông đảo người dân. Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, từ đầu năm đến nay, người đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo trên địa bàn thành phố lên tới gần 1.000 người, gấp khoảng 3 lần so với kế hoạch. Ngoài ra, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 180.000 đơn vị máu từ những người hiến máu tình nguyện, đạt khoảng 80% kế hoạch cả năm, vượt xa so với cùng kỳ những năm trước. Với kết quả này, Hà Nội là điểm sáng về phong trào hiến máu tình nguyện, với khoảng 2,6% dân số tham gia và cũng là địa phương thu hút nhiều người đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo.

Từ kinh nghiệm thực tế địa phương, bà Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy nhấn mạnh: “Phát huy trách nhiệm xã hội của lực lượng cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ là giải pháp hiệu quả đưa các phong trào mang ý nghĩa nhân đạo đi vào đời sống. Theo hướng này, từ đầu năm đến nay, mạng lưới chữ thập đỏ trên địa bàn quận đã vận động hàng nghìn lượt người hiến máu, thu về hơn 4.000 đơn vị máu, đạt 182% kế hoạch cả năm; thu hút gần 100 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não”.

Một cách làm hiệu quả khác là ngành Y tế Thủ đô đã khai trương điểm hiến máu cố định đầu tiên tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (số 26, Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm). Hoạt động liên tục từ cuối tháng 6-2019 đến nay, điểm hiến máu cố định này dần trở thành địa chỉ nhân ái của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự kiến, ngành Y tế sẽ mở thêm một số điểm hiến máu cố định tại quận Đống Đa và quận Thanh Xuân trong thời gian tới.

Xét trên phạm vi cả nước, trung bình mỗi năm, các tỉnh, thành phố vận động và tiếp nhận hơn 1,6 triệu đơn vị máu, trong đó lượng máu thu được từ người tình nguyện hiến máu chiếm hơn 98%. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 7-2019, cả nước có gần 25.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng và bộ phận cơ thể sau khi chết, chết não; đã ghép tạng cho 3.000 trường hợp, chủ yếu là ghép thận.

Tiếp tục nhân lên những giá trị tốt đẹp

Nhiều người dân tại Hà Nội tham gia hiến máu tình nguyện và đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo.

Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước thường xuyên có hơn 1.000 người cần ghép gan; khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc; hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi… Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn máu dự trữ vẫn xảy ra, nhất là vào những kỳ nghỉ kéo dài.

Hiến máu tình nguyện, hiến mô, tạng nhân đạo là nhân lên tình yêu thương, là chia sẻ sự sống giữa con người với con người. Đánh giá về nghĩa cử cao đẹp này, ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết: Hiến máu đúng liều lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe và giúp cho cuộc sống của mỗi người thêm ý nghĩa. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn máu dự trữ, rất cần sự tham gia của người dân khắp mọi miền đất nước.

Đối với phong trào hiến mô, tạng nhân đạo, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế) khẳng định: "Hiến mô, tạng sau khi chết, chết não giúp nhiều người được nối dài sự sống. Vì một cuộc sống tốt hơn, mọi người dân hãy chung tay làm việc nghĩa, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cho biết: Các ngành, địa phương, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố đang tập trung phát triển lực lượng tuyên truyền viên, tình nguyện viên có kiến thức, kỹ năng vận động hiến máu tình nguyện kết hợp hiến mô, tạng nhân đạo; tiếp tục nhân rộng mô hình “Mỗi xã, phường, thị trấn là một địa chỉ hiến máu”, “Tuyến phố hiến máu”, “Gia đình hiến máu”… Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ luôn tiên phong, gương mẫu làm việc thiện.

Ở cấp vĩ mô, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị chức năng cũng tổ chức nhiều hoạt động, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm vận động các tầng lớp nhân dân hành động vì việc nghĩa, làm việc thiện, góp phần bồi đắp những giá trị cao cả, tốt đẹp trong cộng đồng.

Nói một cách giản dị, đó chính là vẻ đẹp của tình yêu thương giữa con người với con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẻ đẹp của tình yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.