Nông thôn mới

Về Đan Phượng, miền quê 5 lần đón Bác Hồ tới thăm

Nguyễn Mai 02/09/2024 - 07:18

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và dành thời gian đi cơ sở thăm nhân dân, động viên mọi người, mọi nhà, mọi địa phương thực hành các phong trào thi đua yêu nước.

Huyện Đan Phượng của thành phố Hà Nội là địa phương đã vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm. Mỗi địa danh nơi Bác tới, những lời căn dặn ân cần của Người vẫn được bao thế hệ người dân, cán bộ của huyện ghi nhớ, học tập và noi theo.

dan-phuong.jpg
Huyện Đan Phượng phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

Nhớ mãi lời Bác dặn

Lật mở từng trang tư liệu lịch sử, ông Đỗ Văn Tiến (67 tuổi) ở thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) xúc động kể: “Ngày 25-11-1961, Bác Hồ về xã Song Phượng. Người ra tận xứ đồng Cây Sung, thôn Tháp Thượng thăm lúa và nói chuyện với bà con xã viên. Người động viên nhân dân khẩn trương thu hoạch, không để thất thoát lúa và căn dặn, phải phân chia cho xã viên công bằng, hợp lý. Người nhắc nhở bà con đào giếng lấy nước sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh và đặc biệt là phải đoàn kết… Những lời căn dặn của Người là chỉ dẫn, là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân xã Song Phượng vững bước trên con đường xây dựng quê hương”.

Còn Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Học cho biết, kỷ niệm về Bác đã được ghi lại trong cuốn Lịch sử Đảng bộ địa phương. “Khoảng 7h ngày 22-5-1962, nhân dân xã Tân Lập đang làm trên xứ đồng Hạnh Đàn thì Bác tới. Cụ Nguyễn Văn Nhiếp nhìn thấy Bác reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ! Bác hỏi chuyện cụ Nhiếp, cụ Lễ và nhiều nông dân về tình hình sản xuất nông nghiệp, đời sống... Bác dặn dò cán bộ và nhân dân địa phương phải cố gắng sản xuất tốt, chia nhau cho công bằng. Cán bộ phải quan tâm đến đời sống của nhân dân”.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ủy xã Tân Lập khi đó đã họp bàn chủ trương phát động phong trào thi đua: Các chi bộ quyết tâm lãnh đạo giành thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra; các đoàn thể quần chúng bàn chương trình hành động, hợp tác xã bàn kế hoạch sản xuất, quyết tâm giành lá cờ đầu…

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền tự hào cho biết, huyện Đan Phượng đã 5 lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Đó là ngày 21-8-1959, Bác về thăm đê Liên Trì, xã Liên Trung; ngày 25-11-1961 Bác thăm nhân dân xã Song Phượng; ngày 22-5-1962, Bác thăm nhân dân xã Tân Lập; ngày 17-7-1962, Bác về thăm, làm việc tại đập Đáy và Trạm bơm Đan Hoài.

Lần cuối Bác về Đan Phượng là ngày 26-8-1965. Bác đến thăm Tiểu đoàn tên lửa 61 thuộc Trung đoàn 236 đóng tại xã Song Phượng. Bác đã khen ngợi và động viên các chiến sĩ phải học tập để làm chủ khoa học, kỹ thuật, bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ.

Dấu chân của Bác có ở mọi nơi, trên cánh đồng, mặt đê nước lũ, trên công trường… Mỗi lần về thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong lòng cán bộ, nhân dân huyện Đan Phượng rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đặc biệt, những lời dạy của Bác là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn, kịp thời để nhân dân Đan Phượng quyết tâm lao động, chiến đấu vì độc lập dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Đan Phượng là nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”. Từ huyện Đan Phượng, phong trào trở thành một cao trào rộng lớn trong cả nước, khích lệ hàng triệu phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào những chiến công của quân và dân cả đất nước.

Khi đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, với 10 trận địa súng máy cao xạ, huyện Đan Phượng đã tổ chức nhiều trận đánh trả máy bay Mỹ. Tiêu biểu là trận chiến bảo vệ đập Phùng vào ngày 28-4-1967. Trong trận chiến đấu quả cảm này, 9 dũng sĩ dân quân Đan Phượng đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đập Phùng được an toàn…

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Mỗi vùng đất, mỗi miền quê, mỗi cơ quan, đơn vị năm xưa được Bác Hồ về thăm, đến hôm nay đều đạt được rất nhiều thành tựu trong xây dựng, phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: “Xã Song Phượng là địa phương dẫn đầu thành phố trong thực hiện các phong trào thi đua, là xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Đan Phượng”.

Bà Nguyễn Thị Thỏa, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng phấn khởi nói: “Không chỉ có cuộc sống sung túc, quê tôi hôm nay đẹp hơn rất nhiều nhờ những con đường bích họa, nhiều cây xanh và hoa... Hệ thống ao, hồ trên địa bàn xã được cải tạo sạch đẹp, được đầu tư hệ thống khuôn viên cây xanh, điện chiếu sáng, ghế đá phục vụ người dân dạo bộ, thư giãn...”.

Còn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, từ một vùng quê thuần nông, đến nay đã có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Đến Tân Lập hôm nay, dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà cao tầng kề nhau san sát, giao thông phát triển, người dân phát triển mạnh kinh doanh, dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 90 triệu đồng/người/năm.

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, vinh dự 5 lần được đón Bác Hồ về thăm, ghi nhớ những lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng luôn ra sức thi đua, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ và những thành tựu đáng ghi nhận, Đảng bộ và nhân dân huyện Đan Phượng vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2000; Anh hùng Lao động năm 2013, huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Hiện tại, 100% số xã của huyện được thành phố công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với lợi thế là huyện ven đô, giàu tiềm năng phát triển, huyện Đan Phượng đã, đang và tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, phát triển huyện thành quận vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV.

Tết Độc lập, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, nhớ về những lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đan Phượng hôm nay tiếp tục ra sức phấn đấu để xứng đáng với niềm tin yêu của Người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Đan Phượng, miền quê 5 lần đón Bác Hồ tới thăm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.