Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về Đại dịch cúm A/H1N1: Mối ngờ vực chấn động thế giới

Vân Khanh| 13/01/2010 07:01

(HNM) - Trong khi những lo ngại về dịch cúm A/H1N1 vẫn còn đó với những biện pháp phòng ngừa cao độ của các quốc gia, thế giới vừa bị chấn động bởi thông tin về mức báo động dịch bệnh này - ở mức 6, mức cao nhất trong thang báo động - được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra hồi tháng 6-2009 đã bị thổi phồng thành một đại dịch thế kỷ cực kỳ nguy hiểm khiến các hãng dược phẩm hốt bạc tỷ.

Tiêm vắc xin vẫn là biện pháp được WHO khuyến nghị để chống sự lây lan của dịch cúm A/H1N1.


Chủ tịch Ủy ban Y tế Hội đồng châu Âu (EC) Wolfgang Wodarg gọi đây là một "chiến dịch đầu độc dư luận quy mô lớn" và đã thành lập một ủy ban điều tra về vai trò của các công ty dược phẩm trong việc vận động hành lang, không loại trừ khả năng "đút lót" cho các chuyên gia của WHO, những tổ chức liên quan và các nhân vật chịu trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Qua đó, họ đã khiến WHO thay đổi định nghĩa về đại dịch và đưa ra tuyên bố đại dịch đã bùng phát trên thế giới vào tháng 6 năm ngoái đẩy toàn thế giới vào cơn lo sợ nhất về dịch bệnh trong vòng 40 năm qua.

Theo bác sĩ dịch tễ học người Đức này, các số liệu làm cơ sở cho tuyên bố trên nhìn chung ở mức rất thấp, với chưa đến 1.000 ca nhiễm vào thời điểm tháng 4 năm ngoái, trong khi báo động lại ở mức rất cao. Lý do giải thích cho quyết định này là quan điểm cho rằng đây là loại virút mới; song trên thực tế, nó không có nhiều khác biệt so với đặc điểm của bệnh cúm hằng năm. Ngoài ra, theo quy định, việc tuyên bố đại dịch chỉ được thực hiện khi dịch bùng nổ ở hàng loạt quốc gia và gây số ca tử vong vượt mức bình quân. Tiêu chí này dường như bị xóa bỏ trong định nghĩa mới mà chỉ còn giữ lại khía cạnh tốc độ lây lan của dịch.

Như một phản ứng dây chuyền, tâm lý lo sợ đã buộc chính phủ các nước phải hành động, lao vào ký nhiều đơn hàng với các hãng bào chế để mua thuốc kháng virút Tamiflu và hàng triệu liều vắcxin phòng bệnh với hy vọng ai nhanh chân sẽ được nhận thuốc trước. Một sự thật khiến các chuyên gia không thể không đặt câu hỏi là khuyến cáo tiêm phòng hai liều vắcxin được đưa ra trong khi chẳng hề có cơ sở khoa học nào giải thích cho việc làm này.
Kết quả mà ông Wodarg đặt tên là "một trong những vụ bê bối y tế lớn nhất của thế kỷ" đã và đang mang lại "cơ hội vàng" cho các công ty dược phẩm khi họ bất ngờ thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán thuốc mà không phải chịu bất kỳ một rủi ro nào về tài chính. Theo ước tính, riêng Hãng GlaxoSmithKlin đã có doanh số bán vắcxin chống cúm trong hai năm 2009 và 2010 tại hơn 70 nước lên tới gần 4 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn ngân sách y tế của các quốc gia khắp thế giới đã được chi dùng một cách không do dự để hàng triệu người được tiêm phòng nhằm chống lại một loại cúm nhẹ, một "đại dịch" mà nhiều nhà y học châu Âu cho là không có thật và chỉ gây ra một phần mười số ca tử vong so với cúm theo mùa.

Phản ứng trước những thông tin trên, WHO tại Việt Nam ngày 11-1 đã ra thông cáo nêu rõ tổ chức này không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt quá trình dịch cúm A/H1N1 bùng phát. Một đại dịch được công bố khi có các vụ bùng phát ở cấp độ cộng đồng được xác nhận do một loại virút cúm mới gây ra, lây truyền từ người sang người, tại ít nhất là hai quốc gia trên hơn một vùng. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, khi không biết liệu đó là một căn bệnh nặng hay nhẹ, WHO phải có hành động khuyến nghị.

Ngay sau khi có thông tin trái ngược về một đại dịch từ Ủy ban Y tế EC, cổ phiếu của các hãng sản xuất vắcxin chống cúm A/H1N1 như GlaxoSmithKline, Sanofi-Aventis, CLS, AstraZeneca, Novartis, GKS, Baxter... đã suy giảm khá mạnh trên thị trường chứng khoán. Mối nghi hoặc dường như càng được củng cố khi tới thời điểm này, ảnh hưởng của virút H1N1 đã không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu. Tuy nhiên, mùa đông được xem là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh và nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục chiến dịch tiêm chủng cho một số nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm phụ nữ mang thai, nhân viên y tế, những người mắc bệnh béo phì, người khuyết tật và những người mắc các bệnh mạn tính từ 6 đến 64 tuổi.

Cảnh giác với dịch bệnh là cần thiết vì nếu cúm A/H1N1 bùng phát, ngoài những tổn thất về người, nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới vừa gượng dậy sau cơn bão tài chính có thể sẽ trở lại giai đoạn "hôn mê" do bị tác động nặng nề. Song, bên cạnh đó, dư luận thế giới cũng như đang "ngồi trên lửa", chờ câu trả lời chính xác của các nhà y học thế giới về sự thật những gì vừa diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Đại dịch cúm A/H1N1: Mối ngờ vực chấn động thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.