(HNM) - Trong tiếng hò reo ầm ĩ của hàng ngàn người đang xem đua bò Bảy Núi ở TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), anh Chao Văn To vừa quệt mồ hôi vừa nói như hét: “Để chiến thắng, nài bò phải có cặp mắt tinh tường và đôi tay thật khỏe để cầm dàm (cương) cho cứng.
Lễ hội "độc nhất vô nhị"
Hai mươi năm nay, anh Chao Văn To, người Khmer ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn luôn có mặt trong lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp lễ Dolta (tháng Tám âm lịch) hằng năm. Đam mê đua bò, nơi nào tổ chức đua là anh đưa bò đến tham gia. Năm nay, dù chưa đến dịp lễ Dolta, nhưng khi nghe tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tỉnh An Giang và TP Châu Đốc phối hợp làm show (buổi trình diễn) đua bò cho các công ty lữ hành cả nước khảo sát, anh liền đưa bò đến.
Du khách sẽ được xem đua bò tại TP Châu Đốc vào mỗi dịp cuối tuần. |
Để có bò đua, anh To phải mua giống ở chính vùng Bảy Núi về để chăm bẵm và tập luyện. Bò vùng Bảy Núi có vóc dáng cao lớn, lông trắng, con trưởng thành nặng chừng nửa tấn. Bò đua tốt nhất là vào quãng tám hay chín năm tuổi. Sau khoảng một tháng chăm sóc, anh nhìn ra ngay con nào chạy được để nuôi dưỡng tiếp, con nào không đua được thì bán. Mỗi con bò đua có giá trên dưới 50 triệu đồng. Khoảng một tháng trước khi đua, bò sẽ không phải đi cày, bừa và được chăm sóc với chế độ đặc biệt. "Buổi sáng, tôi cho bò ăn 3 quả trứng vịt lộn, 4 quả trứng vịt thường, 2 chai bia và 200g đường cát, trưa cho ăn cỏ, tối cho ăn rơm để cơ bụng của bò được săn chắc", anh Chao Văn To chia sẻ. Riêng tháng này, anh chi hết khoảng 2 triệu tiền thức ăn cho cặp bò đua.
Đua bò từ khi ba mươi tuổi, sau hai mươi năm, anh thừa kinh nghiệm để điều khiển cặp bò đua của mình. Dáng người nhỏ thó và nhanh nhẹn, anh To vừa mô phỏng lại động tác vừa giải thích: “Ăn thua là cặp mắt và đôi tay. Nài bò phải quan sát thật nhanh và cầm dây dàm cho cứng. Nếu bò chạy nhanh quá, nài bò yếu thì sẽ thua. Nếu bò mình yếu mà nài bò cứng, bên kia bò khỏe, nài bò yếu thì cũng thua mình”. Khi trọng tài ra lệnh xuất phát, anh chích mạnh cây xà-lul (khúc gỗ tròn vừa tay, đầu có tra cây đinh nhọn) vào sườn con bò để bò lao nhanh về phía trước. Trong khi đó, cặp mắt tập trung hết sức để quan sát đôi bò của mình cũng như đôi bò của đối thủ để nhanh chóng xử lý các tình huống nhanh nhất có thể.
Những lần đoạt giải cao, trong đó có phần thưởng là cả chiếc xe Wave Alpha và hàng chục triệu đồng, không chỉ anh To vui vẻ, kiêu hãnh mà cả phum, sóc cũng vui lây. Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, phum nào, sóc nào có bò đoạt giải sẽ gặp nhiều may mắn, có một mùa vụ bội thu, dân làng no ấm.
Sản phẩm du lịch hấp dẫn
Lễ hội đua bò Bảy Núi xuất phát từ việc hằng năm vào mùa cấy, những người nông dân Khmer từ các phum, sóc đến cày ruộng giúp cho nhà chùa và nhân dịp này tổ chức tranh tài kéo bừa. Dần dần thành thông lệ, sư cả các chùa đứng ra tổ chức thưởng cho các đôi thắng cuộc và từ đó việc đua bò trở thành lễ hội đua bò truyền thống hằng năm của người Khmer, đặc biệt ở hai huyện miền núi là Tri Tôn và Tịnh Biên. Trong khi đua, đôi bò nào chạy ra khỏi đường đua sẽ bị loại, đôi bò nào cán đích trước hoặc đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước sẽ thắng cuộc. Nài bò bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa thì coi như thua cuộc.
Mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, lễ hội đua bò kéo bừa truyền thống trở thành môn thể thao độc đáo chỉ có ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Sắp tới, lễ hội này sẽ được tổ chức thành show đua bò phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết: TP Châu Đốc đã thực hiện dự án “Xây dựng sân đua bò dân gian phục vụ phát triển du lịch”. Mục tiêu của dự án là phát triển loại hình du lịch gắn với thể thao truyền thống nhằm thu hút, giữ chân khách du lịch ở lại lâu hơn và tạo thêm thu nhập cho người dân trong khu vực.
Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh An Giang cho biết, qua quá trình đi quảng bá, xúc tiến tại Hà Nội, miền Trung, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - những thị trường trọng điểm của An Giang, ông nhận thấy khách du lịch rất thích xem đua bò nhưng lễ hội đua bò Bảy Núi hằng năm chỉ diễn ra từ 1 đến 2 ngày nên các công ty lữ hành không thể tổ chức tour này cho khách một cách thường xuyên được.
"Từ thực tế đó, Sở VH, TT&DL tỉnh An Giang và TP Châu Đốc đã phối hợp làm sân đua bò và sẽ tổ chức show đua bò vào những ngày cố định để các doanh nghiệp du lịch đưa khách đến xem. Nếu số lượng khách đông, show đua bò sẽ được tổ chức hằng tuần vào sáng thứ bảy hoặc chủ nhật. Nếu lượng khách không đông lắm, thì làm nửa tháng một lần hoặc một tháng một lần”, ông Phạm Thế Triều cho biết. Dự kiến, sớm thì khoảng 2 tháng nữa sẽ tổ chức show đua bò đầu tiên, muộn thì trước ngày 2-9-2017. Chương trình phục vụ khách du lịch sẽ có 2 phần, phần một là biểu diễn văn nghệ gồm 3 tiết mục dài khoảng 15 phút và phần hai là đua bò với khoảng 8 - 12 trận đua, kéo dài khoảng 1 tiếng. Giá vé dự kiến khoảng 50.000 đồng, áp dụng cho tất cả đối tượng khách.
Nói về tiềm năng của sản phẩm du lịch này, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc APT Travel cho biết, ông đã từng xem đua bò, đua chó, đua lợn... và nhận thấy show đua bò vùng Bảy Núi rất độc đáo, sẽ thu hút mạnh mẽ khách nội địa. Bởi lẽ đây không chỉ là hình thức giải trí đơn thuần mà còn là hoạt động góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Khách du lịch Châu Âu rất thích vì họ chưa bao giờ được xem show đua bò như vậy. "Ở các nước Châu Âu, người ta thường xem đua ngựa. Đua ngựa là một kỵ sĩ, một ngựa điều khiển, dễ hơn, còn đua bò là hai con bò, chạy song song và chạy trên đường đua có nước, điều khiển khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Ban tổ chức chỉ cần cho 6 - 8 cặp bò thi đấu và quan trọng là phải tổ chức định kỳ hằng tuần để tạo điều kiện cho các công ty lữ hành đưa khách đến", ông Nguyễn Hồng Đài nói.
Tuy nhiên, đó là cách nhìn của các công ty lữ hành, những nhà quản lý du lịch. Còn những người đam mê đua bò như anh Chao Văn To lại có một chút băn khoăn. Đó là phần thưởng cho người về nhất ở những cuộc đua này liệu có đủ để bù lại chi phí mà những nài bò như anh phải bỏ ra để chăm nuôi một cặp bò đua?
Chỉ còn ít thời gian nữa, show đua bò Bảy Núi phục vụ khách du lịch sẽ khai trương. Sở VH, TT&DL tỉnh An Giang và TP Châu Đốc đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá cũng như lấy ý kiến của các công ty lữ hành trên toàn quốc để show đua bò được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp nhất. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng đến từng chi tiết, sản phẩm du lịch và văn hóa này sẽ thành công và đáp ứng tốt nhu cầu thưởng lãm của du khách trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.