Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vất vả để... tận dụng lợi thế

Quỳnh Phạm| 15/08/2015 06:54

(HNM) - Ngày 14-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giao lưu trực tuyến về


Thí sinh không buộc phải "quay cuồng"

Chất chứa nhiều nhất trong số câu hỏi dành cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là nỗi lòng của rất nhiều thí sinh và phụ huynh đang trong cuộc đua xét tuyển năm nay: Việc học sinh nộp hồ sơ sau khi biết điểm, lo lắng từng ngày để theo dõi thứ tự của mình, rồi cuộc đua nộp - rút hồ sơ... đang gây ra cuộc cạnh tranh mang tính ăn thua, giống như chơi chứng khoán. Từ đó, nhiều người đặt vấn đề, liệu có nên trở lại cách xét tuyển như cũ, thí sinh lựa chọn nguyện vọng từ khi chưa thi để tránh cảnh "quay cuồng chọn trường".

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Học viện Ngân hàng năm 2015. Ảnh: Phạm Hùng



Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho thí sinh các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển, nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt ĐH nhưng người có điểm thấp lại có chỗ trên giảng đường như những năm trước đây. Bộ GD-ĐT khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình, và "để tận dụng lợi thế đó, các em sẽ phải vất vả hơn". Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh, thí sinh không bắt buộc phải tham gia vào sự "quay cuồng" đó: "Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ GD-ĐT tạo điều kiện tối đa cho các cháu, đồng thời để rộng cửa cho các cháu có quyền quyết định sử dụng cơ hội đó hay không".

Đến thời điểm gần kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn khá mơ hồ về các quy định, các mốc thời gian xét tuyển: Liệu có phải trường nào cũng có nguyện vọng 2 hay không, thí sinh có điểm cao nhưng trượt nguyện vọng 1 thì phải giải quyết thế nào? Trong đợt xét tuyển lần đầu, các trường tuyển hết chỉ tiêu hay chỉ tuyển 70% chỉ tiêu? Bộ trưởng và các chuyên gia của Bộ GD-ĐT giải thích: Các trường chỉ xét tuyển các đợt bổ sung (đợt 2, 3) khi chưa tuyển đủ chỉ tiêu sau khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên. Nếu thí sinh chưa đỗ ở đợt xét tuyển đầu tiên, có thể đăng ký vào các đợt bổ sung của trường với lưu ý: Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt đầu tiên đối với ngành/nhóm ngành đó. Cũng không có quy định nào bắt buộc đợt xét tuyển đầu tiên các trường chỉ được tuyển 70% chỉ tiêu. Tùy thuộc vào tình hình đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành của trường, Hội đồng tuyển sinh của trường quyết định điểm trúng tuyển vừa đáp ứng chỉ tiêu đào tạo, vừa bảo đảm chất lượng đầu vào. Nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường có thể tuyển bổ sung ở đợt tiếp theo.

Bất cập trong ứng dụng công nghệ thông tin

Trong khi việc gộp 2 kỳ thi nhận được sự ủng hộ của đông đảo thí sinh và các bậc phụ huynh thì quá trình xét tuyển sau đó, nhiều người than là "quá dở", mà một trong các lý do là việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) không được như mong đợi. Hậu quả của sự bất cập này là nghẽn mạng khi tra cứu điểm thi, tra danh sách xét tuyển, rút và đăng ký hồ sơ; danh sách cập nhật của mỗi trường một kiểu, gây khó hiểu, rối rắm cho thí sinh, thí sinh không xác định được thứ hạng của mình trong danh sách.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trần tình: ICT cũng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các kỳ thi kiểm tra, đặc biệt là trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao, ngoài yếu tố con người thì hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định. Thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH, CĐ Việt Nam không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế nên chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống...

Về việc mỗi trường ĐH lập một kiểu danh sách, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh nhấn mạnh vào tính tự chịu trách nhiệm của các trường, thay vì đưa ra một quy định thống nhất. "Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH, CĐ ít nhất 3 ngày một lần công bố thông tin đăng ký xét tuyển, trong đó cần đưa ra các thông tin căn bản như thông tin về mức điểm, điểm ưu tiên, tổ hợp đăng ký của thí sinh vào ngành đào tạo… Theo tinh thần tự chủ tuyển sinh và điều kiện cụ thể cũng như đặc thù của mình, các trường sẽ lựa chọn phương thức tốt nhất trong việc hỗ trợ thí sinh. Việc làm này cũng sẽ thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với những sinh viên tương lai của mình" - ông Mai Văn Trinh khẳng định. Qua đây có thể lường trước rằng tình trạng thống kê của nhiều trường sẽ khó được cải thiện trong những ngày cuối của đợt xét tuyển này.

Trước những phản hồi của dư luận về chế độ cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển vào ĐH, CĐ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: "Việc cộng điểm ưu tiên, đối tượng và khu vực trong tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay là cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng ưu đãi xã hội và các vùng khó khăn. Về mức điểm ưu tiên hiện nay, chúng tôi tiếp nhận các ý kiến góp ý và sẽ xem xét tổng hợp để hoàn thiện chính sách ngày càng phù hợp hơn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vất vả để... tận dụng lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.