(HNMO)- Theo tính toán của các chuyên gia, để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1.500.000 m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đã đến lúc cần phải thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung (VLXKN).
(HNMO)- Theo tính toán của các chuyên gia, để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1.500.000 m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đã đến lúc cần phải thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung (VLXKN).
Sản xuất gạch đất sét nung tiêu tốn tài nguyên, ô nhiễm môi trường |
“Ngốn” hàng nghìn ha đất nông nghiệp
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây vào các năm 2010; 2015; 2020 tương ứng khoảng 25; 32; 42 tỉ viên quy tiêu chuẩn. Năm 2020 nhu cầu vật liệu xây khoảng 42 tỉ viên quy tiêu chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57- 60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800 - 3.000 ha đất nông nghiệp; sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn 5,3 - 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2, tác động xấu đến cảnh quan môi trường. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây tăng khoảng 10-12%/năm sẽ tiêu tốn hàng nghìn ha đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm.
Việc thay thế gạch đất sét nung bằng VLXKN là rất cần thiết... |
Ngoài ra, sử dụng gạch đất sét nung còn khó có điều kiện công nghiệp hóa ngành xây dựng. Vì vậy, việc thay thế gạch đất sét nung bằng VLXKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải; giảm tải trọng công trình xây dựng, tiết kiệm năng lượng...
Sản xuất VLXKN còn quá khiêm tốn
Nhìn thấy những hạn chế do sử dụng gạch đất sét nung mang lại, thời gian qua việc phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN bước đầu đã được Nhà nước khuyến khích, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân là do quy cách viên gạch xây ở một số dây chuyền sản xuất cũ chưa hợp lý, kích thước và khối lượng quá lớn, gây khó khăn cho thi công; chưa có kinh nghiệm sử dụng VLXKN (thiếu các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quy phạm thi công- nghiệm thu, định mức tiêu hao cho một khối xây VLXKN...); nhận thức trong xã hội về sử dụng VLXKN còn hạn chế. Một số ưu điểm, nhất là tính chất nhẹ, cách nhiệt của một số VLXKN chưa được các nhà thiết kế, chủ đầu tư…khai thác; giá thành cao chưa cạnh tranh được với gạch đất sét nung...
Chính vì lẽ đó, mặc dù cả nước hiện nay có khoảng 800 cơ sở sản xuất VLXKN, nhưng tổng công suất mới đạt 1,6 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, chiếm 8% tổng số vật liệu xây. Trong đó có 31 dây chuyền công suất vừa và lớn với tổng công suất 552 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm (chiếm 33% tổng công suất VLXKN). Số còn lại (67%) là các dây chuyền có công suất nhỏ, quy mô hộ gia đình.
Phát triển về số lượng, xong do thiếu qui hoạch và manh mún, nên đến nay hiệu quả kinh tế của lĩnh vực sản xuất VLXKN còn nhỏ bé, chưa phát huy được thế mạnh mà xu thế chung thế giới đang sử dụng.
Cần lắm chính sách và vốn đầu tư!
Để thực hiện mục tiêu thay thế gạch đất sét nung bằng VLXKN thời gian tới cần một nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Riêng vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất (chỉ tính riêng nhà xưởng và thiết bị) nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất VLXKN của cả nước khoảng 5.200 đến 6.500 tỉ đồng. Trong đó dự kiến nguồn vốn vay ưu đãi là 70%, tức khoảng 3.650 - 4.500 tỉ đồng. Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề về nghiên cứu, hướng dẫn sản xuất và sử dụng, xây dựng tiêu chuẩn, thông tin tuyên truyền, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo... cần tổng số vốn ngân sách Nhà nước khoảng 120 tỉ đồng, trong đó: 2010 là 15 tỉ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 60 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 45 tỉ đồng. Nếu tính chung cho cả chương trình từ 2010 đến 2020 dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 19 triệu tấn xi măng, tiêu hao gần 200 triệu tấn nguyên liệu khác mà chủ yếu là phế thải.
... nhưng bao giờ VLXKN sản xuất trong nước mới thay thế được? |
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng một chính sách cụ thể về sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng. Theo đó, đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, từ năm 2011 trở về sau, các công trình xây dựng tại các đô thị loại 2 trở lên (đô thị loại 2, loại 1 và đặc biệt) bắt buộc phải sử dụng ít nhất 50% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây; từ năm 2015 trở về sau, các công trình xây dựng tại các đô thị bắt buộc phải sử dụng ít nhất 50% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây. Đối với các công trình sử dụng nguồn vốnkhác, từ năm 2012 trở về sau, các công trình xây dựng tại các đô thị loại 2 trở lên (đô thị loại 2, loại 1 và đặc biệt) bắt buộc phải sử dụng ít nhất 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây; từ năm 2016 trở về sau, các công trình xây dựng tại các đô thị bắt buộc phải sử dụng ít nhất 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây. Các công trình xây dựng khác ưu tiên sử dụng VLXKN có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ.
Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung sẽ góp phần bảo vệ đất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá ngành Xây dựng và đem lại hiệu quả kinh tế chung cho doanh nghiệp, xã hội. Hiệu quả và lợi ích là nhìn thấy, nhưng chương trình có thành hiện thực và đạt được như mong muồn hay không thì ngoài một chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng thì việc ban hành các quy định về chất lượng cũng như tuyên truyền để người dân tin dùng là không thể thiếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.