Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vang vọng tiếng cha ông

Minh Ngọc| 11/10/2010 06:37

(HNM) - Từ ngày 1-10, lần đầu tiên Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) và Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu mở cửa đón khách tham quan. Hàng vạn người dân tới khu di sản văn hóa thế giới chiêm ngưỡng các hiện vật từ lòng đất có chung tâm trạng xúc động và tự hào trước bề dày lịch sử và tầng sâu văn hóa hơn một thiên niên kỷ của khu Thành cổ Hà Nội nói riêng, đất Thăng Long - Hà Nội nói chung.


Lịch sử nghìn năm từ lòng đất


Trên diện tích hàng nghìn mét vuông trong khu trung tâm HTTL, 1.000 hiện vật tiêu biểu về niên đại, hình dáng, mỹ thuật, đặc trưng văn hóa trong số hàng triệu hiện vật tìm thấy tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu từ năm 2002 đến nay thuộc các triều đại: Tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn đã được giới thiệu tới công chúng. Đáng chú ý là chuyên đề "Lịch sử nghìn năm từ lòng đất". Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng các hiện vật thời Đại La (618-907) như vò vai 4 quai, 6 quai, đĩa đèn dầu lạc; chiêm ngưỡng hiện vật thời Đinh - Tiền Lê (968-1009) như: ngói úp nóc gắn tượng uyên ương, ấm thân hình cầu, vai có 5 quai. Thời Lý (1009-1025) nổi bật với các hiện vật: Ngói úp nóc gắn tượng uyên ương, đầu máng nước tạo hình đầu sư tử, bàn chân sấu thần, gạch lát ghi niên hiệu "Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo"... Các hiện vật khảo cổ thời Trần (1225-1400) như: gạch hình chữ nhật, đĩa đèn dầu, thạp trang trí hoa sen dây... cho thấy ở thời kỳ đầu, nhà Trần tiếp tục sử dụng một số kiến trúc của cung điện thời Lý, sau đó đã có sự thay đổi. Thời kỳ Lê Sơ - Mạc và Lê Trung Hưng (1428-1788) được biết đến qua những hiện vật đầu tượng linh thú, bát lớn vẽ chim phượng, hoa cúc, tượng người phụ nữ, đầu tượng quan viên, ngói ống tạo hình con rồng... Hiện vật đặc trưng cho thời Nguyễn (1802-1945) là bát nhỏ, đĩa nhỏ vẽ cành hoa cúc và chữ thọ, súng thần công khắc chữ "Tứ đại súng nhất hiệu".

Xem những báu vật này, cụ Phan Lan, 81 tuổi, trú ở khu tập thể C3, 34A, Trần Phú (Hà Nội) nói: "Lần đầu tiên tôi có dịp hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của khu trung tâm HTTL nói riêng, Thăng Long - Hà Nội nói chung qua các triều đại một cách toàn vẹn và xuyên suốt. Tôi nhận thấy rằng, các triều đại đóng đô ở Thăng Long dù là Lý hay Trần, Lê luôn kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa, kiến trúc của các triều đại trước để xây dựng quốc gia Đại Việt ngày càng phồn thịnh và phát triển".

Nhà N31 và N33 là nơi giới thiệu "Vật liệu kiến trúc cung điện trong hoàng cung" và "Đời sống hoàng cung". 750 hiện vật trưng bày trong hai chuyên đề này là sự bổ sung cho chuyên đề khái quát "Lịch sử nghìn năm từ lòng đất" giúp du khách hiểu hơn lịch sử, kiến trúc của khu HTTL trong hơn một thiên niên kỷ. Đó là các vật liệu gạch, ngói, phù điêu... dùng để xây dựng các công trình kiến trúc trong khu Cấm thành từ thời Đại La đến thời Lê Trung Hưng, kỹ thuật lát nền bằng việc xây sử dụng các viên gạch vuông có trang trí hoa văn, bó nền bằng gạch bìa, xây dựng đường ống nước bằng loại gạch chuyên dụng (thời Lý), xây dựng giếng nước bằng gạch vồ (thời Trần)... Ngoài ra, các đồ dùng sinh hoạt trong Hoàng cung bằng chất liệu gốm, sứ, sành như bát men trắng, men ngọc, vò hoa, bát đĩa dành cho nhà vua... thể hiện sự đa dạng của cuộc sống hoàng cung với lối sinh hoạt truyền thống cũng đã được giới thiệu…

Mở cửa "thí điểm" di tích khảo cổ

Cùng với việc chiêm ngưỡng các hiện vật, đây cũng là dịp đầu tiên, hàng vạn người dân Thủ đô và du khách được tham quan khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Trong khu vực này, người dân được tận mắt nhìn thấy nhiều lớp kiến trúc tiêu biểu từ thời Bắc thuộc, tới Lý, Trần, Lê, Nguyễn chồng xếp lên nhau với hệ thống cửa và cống thoát nước (thời Lý - Trần), dấu vết nền cung điện, các đoạn thành, các giếng cổ (thời Đại La, thời Lê), các con đường cổ, các chân cột trụ... Để bảo đảm an toàn cho di sản, trên mặt đất, BQL di tích đã lắp đặt hệ thống cầu dẫn làm bằng thép, khách tham quan đi trên cây cầu đó ngắm nhìn di sản. Dưới lòng đất, hệ thống kỹ thuật có thể đánh giá chính xác sự tác động về địa chất đã được lắp đặt với sự giúp đỡ của các chuyên gia Bỉ.

Ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Thiết bị kỹ thuật đặt dưới lòng đất tương tự như hộp đen trên máy bay, khi mở ra sẽ cho chúng ta biết chính xác các thông số về mức độ tác động địa chất. Kết quả này được các chuyên gia "cập nhật" thường xuyên, trên cơ sở đó sẽ phân tích, bàn bạc để xem xét mở cửa di tích đón khách như thế nào cho hợp lý. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội nhấn mạnh: Khu khảo cổ chỉ mở cửa "thí điểm" đón khách trong tháng 10 chứ chưa thể mở cửa lâu dài bởi di sản thế giới là phải giữ được mãi mãi cho nhân loại nên cần phải tìm ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách tối ưu trước khi mở cửa liên tục.

Trước lượng khách đến tham quan di tích vượt ngoài dự kiến của các nhà quản lý, ông Tống Trung Tín nói: Đó là điều đáng mừng bởi người dân đã quan tâm và có ý thức tìm hiểu di sản, song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Chẳng hạn làm thế nào để di tích có thể mở cửa đón khách tham quan thường xuyên, liên tục hay cần có một bảo tàng để trưng bày tất cả các hiện vật đã khai quật được trong khu di tích Thành cổ Hà Nội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vang vọng tiếng cha ông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.