Ca khúc cách mạng được sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ không đơn thuần là nghệ thuật, mà còn là vũ khí tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quật cường và niềm tin vào ngày toàn thắng.
Cho đến ngày nay, những ca khúc này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, vẫn luôn ngân vang khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam.
Lời hiệu triệu từ trái tim
Năm 1966, trong bối cảnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam có kế hoạch tiến về Sài Gòn chờ thời cơ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác ca khúc “Tiến về Sài Gòn”. Ca khúc có giai điệu hào hùng, dồn dập, đặc biệt có câu hát như một lời hiệu triệu, cũng như một mệnh lệnh của dân tộc, của quân đội và của chính trái tim mỗi người lính: “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù...”, tất cả như gợi lên tiếng bước chân thần tốc của đoàn quân Giải phóng. “Tiến về Sài Gòn” còn mang trong mình niềm tin mãnh liệt rằng Sài Gòn sẽ được giải phóng, đất nước sẽ thống nhất.
Đáng chú ý, tròn 5 năm trước thời điểm “Tiến về Sài Gòn” ra đời, ca khúc “Giải phóng miền Nam” cũng đã rất phổ biến và lan tỏa trong quân dân cả nước, đồng thời được chọn là bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1961 - 1976). “Giải phóng miền Nam” ra đời năm 1961 của tác giả Huỳnh Minh Siêng, là bút danh chung của ba nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng. Câu hát “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước” trở thành khẩu hiệu chiến đấu, vang lên trên khắp các nẻo đường Trường Sơn, nơi từng bước chân bộ đội hành quân. Bài ca như chảy trong huyết quản của cả dân tộc, cổ vũ cho ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của lớp lớp thanh niên.
Một ca khúc nổi tiếng khác trong thời kỳ chống Mỹ là “Cô gái vót chông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Song, rất ít người biết tác giả phần lời là nhà thơ người Ê đê Mô Lô Y Choi. Năm 1965 nhạc sĩ Hoàng Hiệp tình cờ đọc được bài thơ của nhà thơ Mô Lô Y Choi trên báo Văn nghệ và sau đó ca khúc “Cô gái vót chông” đã ra đời. Hình ảnh người con gái nơi núi rừng Tây Nguyên trong ca khúc thể hiện sự đóng góp thầm lặng mà oanh liệt của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến. Đồng thời, thể hiện sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân cả nước vì một ngày mai hòa bình, độc lập của dân tộc.
Từ chiến hào đến ngày thống nhất
Một điểm nổi bật của ca khúc cách mạng giai đoạn 1954 - 1975 là tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi. Sự kiên định và lạc quan ấy được khắc họa rõ nét trong những ca khúc được viết ở thời kỳ này. Chẳng hạn như “Bài ca Trường Sơn” (nhạc: Trần Chung, thơ: Gia Dũng) gợi lên hình ảnh thật đẹp khi giữa chiến trường khốc liệt, giữa núi rừng hiểm trở và tiếng bom đạn vẫn ngân vang lời ca thật đẹp và tràn đầy tinh thần lạc quan: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi...”.
Những ca khúc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ quả thực đã chạm đến trái tim người nghe bởi vẻ đẹp thi vị giữa chiến tranh. Tình yêu Tổ quốc, tình đồng đội, tình yêu đôi lứa hòa quyện trong tiếng hát, tạo nên một bức tranh đầy nhân văn giữa khói lửa... có thể tìm thấy trong rất nhiều ca khúc. “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác năm 1957. “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” - thơ Phạm Tiến Duật được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc năm 1971. Cuối năm 1974 nhà thơ Nguyễn Đình Thi sáng tác bài thơ “Lá đỏ”, sau đó nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và được thu âm ở Đài Tiếng nói Việt Nam để rồi nhanh chóng lan tỏa đến khán giả cả nước... Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều ca khúc có giá trị và được yêu thích ra đời trong thời kỳ này.
Trong niềm vui khải hoàn của ngày 30-4-1975, trên các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ở thời điểm này có ba ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác chỉ ít ngày trước khi sự kiện lịch sử đặc biệt diễn ra. Ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ngày 28-4-1975 và thu âm ngay chiều 30-4 để phát sóng kịp thời trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Bài “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác trong đêm 26-4 và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng lần đầu vào sáng 1-5-1975 với sự thể hiện của NSND Trung Kiên. Một ca khúc nổi tiếng nữa là "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" được nhạc sĩ Cao Việt Bách nung nấu ý tưởng từ trước đó khá lâu và hoàn thành trong tháng 3-1975, đến ngày 30-4-1975 ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như một cách đánh dấu chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Đáng nói là không chỉ dự cảm sớm về ngày toàn thắng trước cả tháng, mà nhạc sĩ Cao Việt Bách còn "gọi tên" thành phố mang tên Bác trước cả hơn 1 năm khi Sài Gòn - Gia Định chính thức được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh (tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, ngày 2-7-1976). Trong ca khúc có 2 lần nhắc đến tên thành phố Hồ Chí Minh: “Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai/ Trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ/ Trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác/ Lời Bác thiết tha dìu dắt chúng ta/ Sáng mãi tên Người, Thành phố Hồ Chí Minh”...
Sự xuất hiện kịp thời, đúng thời điểm lịch sử của 3 ca khúc trên khiến niềm vui, niềm hạnh phúc được nhân lên, đồng thời, nó cũng là tiếng reo vui của hàng triệu con tim thống nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.