Văn nghệ

Ca khúc cách mạng: Chờ đợi những thành công hơn nữa

Mai Đình 03/05/2024 12:25

Lịch sử đã để lại cho chúng ta một kho tàng ca khúc cách mạng đầy tự hào, gắn với những tên tuổi nhạc sĩ đã đồng hành cùng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ xã hội chủ nghĩa.

Viết tiếp thành quả của cha ông, các thế hệ nhạc sĩ sau này cũng có nhiều sáng tác mới, đa dạng về thể loại và phong cách thể hiện. Tuy vậy, vẫn còn những băn khoăn.

ca-si-dang-duong.jpg
Ca sĩ Đăng Dương - người thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng.

Cần thời gian để đánh giá

Nhạc đỏ hay nhạc cách mạng đều là những cái tên rất gần gũi, trìu mến để nói về những sáng tác có sức mạnh cổ vũ tinh thần lạc quan cách mạng, nêu cao ý chí chiến đấu, lẽ sống cao đẹp, động viên tinh thần yêu lao động, vì Tổ quốc, vì nhân dân… Nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam, trong thời kỳ chống Pháp chúng ta có những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ tiêu biểu như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đinh Nhu, Xuân Oanh, Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Nhuận...

Từ năm 1954 đến năm 1975, dường như có một sự vượt trội về mặt số lượng ca khúc cách mạng được sáng tác. Đây là thành quả của một thế hệ nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu như Huy Du, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Xuân Giao, Trần Chung, Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Hà, Phạm Tuyên...

Bước vào giai đoạn đổi mới và hội nhập, số lượng nhạc sĩ và ca sĩ ngày càng nhiều, việc sáng tác và phát hành ca khúc nhanh chóng, dễ dàng hơn, việc thu thanh, in tuyển tập bài hát, thậm chí tự phát hành trên mạng vô cùng thuận lợi… Tuy vậy, nhiều sáng tác nghiêng về phản ánh nỗi niềm, tình cảm cá nhân, trong khi những bài hát về quê hương, đất nước - “chủ đề lớn mang tính vĩnh cửu mà bất cứ một nền văn học nghệ thuật nào cũng không thể xao nhãng” lại ít xuất hiện.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San, người có nhiều năm gắn bó với công việc phê bình âm nhạc thẳng thắn nhận định: Có một số bài thuộc nhóm "hit" nghe được nhưng không bài nào có giá trị xuất sắc, chỉ "hit" trong một thời gian rồi rơi vào quên lãng, khó xếp vào hàng ngũ “những bài ca đi cùng năm tháng”. Về nghệ thuật, cũng xa dần những chất liệu dân gian, dân tộc mà có khuynh hướng lai căng, bắt chước, "Tây chẳng ra Tây, Tàu không ra Tàu".

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn cho rằng: Chúng ta thường nghe những câu phàn nàn: Bây giờ thiếu những ca khúc để đời. Thế nào là ca khúc để đời? Ca khúc để đời là ca khúc đi vào đời sống. Muốn đánh giá được những tác phẩm được viết trong khoảng 10 - 20 năm gần đây thì chúng ta phải đợi 10 - 20 năm sau, tức là phải có một quá trình thẩm thấu và sàng lọc. Kho tàng âm nhạc Việt đã có những tác phẩm để đời của giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ. Giai đoạn 1986-2016 cũng đã có một thế hệ nhạc sĩ thành công với dòng nhạc trữ tình quê hương, nhạc cách mạng như An Thuyên, Đức Trịnh, Phú Quang, Phó Đức Phương… Thế hệ nhạc sĩ hiện nay đang sáng tác rất sung sức và muốn đánh giá họ thì có lẽ cần đợi thêm một thời gian nữa mới chính xác. Có những bài hát sẽ rơi vào quên lãng, cũng có những tác phẩm sẽ sống mãi cùng thời gian và khán giả luôn là “ban giám khảo” công bằng, sáng suốt để thẩm định các tác phẩm.

Làm mới như thế nào?

Trên sân khấu biểu diễn, việc thể hiện các ca khúc cách mạng luôn yêu cầu sự chỉn chu, sang trọng, cách xử lý tinh tế, dễ hiểu với người nghe, công nghệ tổ chức sân khấu, âm thanh, ánh sáng chỉ mang tính phụ trợ. Ca sĩ Đăng Dương, một nghệ sĩ thành công khi theo đuổi dòng nhạc cách mạng cho biết: Với các ca sĩ hát nhạc cách mạng - những bài ca đi cùng năm tháng, nằm lòng với biết bao thế hệ người Việt Nam, bên cạnh chất giọng tốt thì phải thể hiện tròn vành, rõ chữ. Việc thay đổi với mỗi ca sĩ là khó khi cách hát, kiểu hát đã trở thành nét đặc trưng cho từng dòng nhạc, nếu như quá khác biệt có thể gây ra sự phản cảm cho người nghe. Chính vì vậy, anh không chọn làm mới trong cách hát, có chăng chỉ là sự thay đổi trong phối khí.

Ca sĩ Đăng Dương cho rằng: Thay vì loay hoay tìm kiếm cái gì mới, anh tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và thể hiện ca khúc một cách hào hùng hơn, sâu lắng hơn, truyền cảm hơn… “Điều quan trọng là người ca sĩ phải hát cho ra tác phẩm. Hát tiếng Việt sẽ khác so với hát nhạc nước ngoài, vì tiếng Việt có dấu. Nhiều ca sĩ trong nước hát không rõ lời vì chúng ta chịu ảnh hưởng trong cách hát của âm nhạc phương Tây, bị mất dấu khi hát. Những năm đầu tiên trên con đường âm nhạc, Đăng Dương cũng bị như vậy. May mắn trong quá trình thu âm các ca khúc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có nhiều cơ hội được nghe lại, chỉnh sửa để hát mềm mại hơn, rõ lời hơn như các cô, các chú ngày xưa đã hát. Muốn hát tốt các ca khúc cách mạng, ca khúc Việt Nam, chúng ta phải hát rõ lời. Phải nghe được lời hát thì khán thính giả mới rung động được” - ca sĩ Đăng Dương nói.

Bên cạnh đó, với những ca sĩ sinh ra trong thời bình, khi đến với dòng nhạc cách mạng thì ngoài đam mê cũng cần vốn sống, sự trải nghiệm. Điều đó không dễ gì có được nếu người nghệ sĩ không đọc nhiều, nghe nhiều, tìm hiểu kỹ tác phẩm, hoàn cảnh lịch sử… bởi nếu không tìm hiểu sẽ hát không ra tác phẩm đó.

Đến được trái tim khán giả là thực tài của người nghệ sĩ, cả người sáng tác lẫn người thể hiện chứ không phải bởi danh hiệu hay giải thưởng, cũng không phải bởi những chiêu trò và sự PR rầm rộ. Khuyến khích việc sáng tác những ca khúc có giá trị đích thực, cộng với gu thẩm mỹ và sự khắt khe của khán giả mới có thể tạo điều kiện cho ra đời những sáng tác có chất lượng, tiếp nối những thành quả của cha ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca khúc cách mạng: Chờ đợi những thành công hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.