Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa non sông về một mối. Hành trình làm nên chiến thắng lịch sử đó có sự góp sức của biết bao anh hùng, liệt sĩ, những người lính năm xưa - cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong hôm nay.
50 năm đã qua nhưng ký ức về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" vẫn mãi in đậm trong tâm trí họ. Đó là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên để họ không ngừng cống hiến xây dựng đất nước.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước:
Vẹn nguyên cảm xúc "Ngày vui đại thắng"
Trong một lần trò chuyện, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: “Cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn liền với các chiến dịch. Một trong những chiến dịch mà tôi không bao giờ quên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Ngày 26-4-1975, năm cánh quân của ta tiến về Sài Gòn, bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân đoàn 3 là một trong các mũi tấn công ấy với nhiệm vụ chiếm lĩnh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu - nơi tập trung sức mạnh quân sự hiện đại và đầu não chỉ huy của địch. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi đó là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, trực tiếp dẫn đầu một mũi tấn công vào Sài Gòn. Ông nhớ lại: Hướng tấn công của Quân đoàn 3 từ Tây Ninh, Củ Chi đánh vào Sài Gòn. Quân đoàn quyết định mở “cánh cửa thép” phía tây bắc Sài Gòn, tiêu diệt căn cứ Đồng Dù và giữ hai cây cầu huyết mạch là cầu Bông và cầu Sáng trên đường số 1 và đường 15 nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn.
Rạng sáng 29-4-1975, Sư đoàn 320 là mũi chủ lực của Quân đoàn 3 được lệnh đánh vào căn cứ trọng điểm Đồng Dù - Củ Chi, nơi đặt Sở chỉ huy Sư đoàn 25 của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô sư đoàn, tiến công địch trong một căn cứ kiên cố, có diện tích rộng tới 8km2. Trưa cùng ngày, ta chiếm được Đồng Dù, mở toang "cánh cửa thép" phía tây bắc Sài Gòn để Sư đoàn 10 dùng bộ binh cơ giới thọc sâu vào Hóc Môn, trung tâm huấn luyện Quang Trung và sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu.
Đêm 29, rạng sáng 30-4-1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt. Quân đoàn 3 đưa toàn bộ lực lượng cơ giới với hơn 3 vạn quân, hơn 1.500 xe ô tô, hàng nghìn pháo và xe tăng tràn vào sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch. Đúng 11h30 ngày 30-4-1975, hai mục tiêu này được giải phóng hoàn toàn.
Giờ phút chiến thắng lịch sử trọng đại đã đi qua nửa thế kỷ nhưng mỗi khi nhớ lại, ánh mắt vị tướng già vẫn rưng rưng cảm xúc tự hào. Ông nói: “Hình ảnh người dân ùa ra đường tay cầm hoa vừa hoan hô vừa tiếp thức ăn cho bộ đội; trên cao loa truyền thanh phát bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong giờ phút chiến thắng khiến tôi dâng lên niềm xúc động khó tả, đến tận bây giờ vẫn không thể nào quên...”.
Thiếu tướng, GS.TS, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tụ:
Tác dụng của “thuốc bổ chiến trường”
Chia sẻ về những năm tháng in sâu kỷ niệm hào hùng, Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết, năm 1947, vừa tốt nghiệp khóa y sĩ, ông nhận nhiệm vụ về Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Đại đoàn 316, phụ trách công tác Y chính - Kế hoạch tổng hợp, đảm nhiệm việc tổ chức cứu chữa thương binh, bệnh binh rồi trực tiếp đi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để nhanh chóng đưa thương binh về các cơ sở điều trị, ông và đồng đội đã tích cực phân loại thương binh ngay khi tiếp nhận. Nhờ đó, kịp thời đưa 30% số thương binh nhẹ về lại chiến trường sau 5 - 7 ngày, kịp thời bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến dịch.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tướng Nguyễn Tụ có hơn 10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, Quân khu 5, với cương vị là Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Quân y Mặt trận B3. Thời gian này, chứng kiến bộ đội ta bị suy dinh dưỡng và sốt rét, ông và đồng đội đã nghiên cứu và chế ra một số dược phẩm phục vụ điều trị bệnh nhân. Trong đó có loại thuốc bổ “cây nhà lá vườn” từ giun đất để phục vụ cho số bệnh binh bị suy nhược cơ thể. "Chúng tôi đặt tên cho loại “thuốc bổ chiến trường” ấy là B3min. Cũng nhờ đó mà số ca sốt rét và suy dinh dưỡng của bộ đội Tây Nguyên giảm đáng kể, góp phần quan trọng cùng Mặt trận B3 đánh thắng trận mở màn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" - ông kể.
Sau ngày đất nước thống nhất, tướng Nguyễn Tụ về công tác tại Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm bộ môn Tổ chức Chỉ huy quân y, rồi làm Phó Giám đốc Học viện Quân y, góp phần đào tạo các bác sĩ chuyên ngành tổ chức chỉ huy quân y cho quân đội.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Tụ muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ rằng, để giành được độc lập, tự do, lớp lớp cha ông đã chiến đấu anh dũng hy sinh, vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm hiểu biết lịch sử, kiên quyết bảo vệ, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.
Cựu thanh niên xung phong Đồng Thị Mai:
Nhớ mãi những ngày "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm"
Không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, hậu phương chiến lược trực tiếp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, công việc của thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh của Đoàn 559 không kém phần vất vả, hiểm nguy.
“Năm 1971, tôi có mặt trong đội hình 500 nữ thanh niên tỉnh Hà Tây xung phong nhập ngũ - với tên gọi Tiểu đoàn Trưng Trắc. Chúng tôi là những nữ thanh niên đầu tiên của miền Bắc chi viện cho tuyến vận tải huyết mạch đường Trường Sơn để phục vụ cho tiền tuyến lớn miền Nam” - cựu thanh niên xung phong Đồng Thị Mai nhớ lại.
Ngày ấy, bà Đồng Thị Mai là dân quân của địa phương, trong gia đình đã có anh trai đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Thế nhưng, với ý chí “chia lửa” với chiến trường miền Nam, bà đã thuyết phục được lãnh đạo địa phương và gia đình để được lên đường chiến đấu. Sau 3 tháng huấn luyện, Tiểu đoàn Trưng Trắc được bổ sung cho Sư đoàn 472, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Mỗi người có nhiệm vụ khác nhau, như hậu cần, văn thư, bảo mật thông tin, quân bưu, tăng gia, giữ kho, đào đất, lấp hố bom, phá đá mở đường...
Với phương châm "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm", Tiểu đoàn Trưng Trắc đã hòa cùng những đội quân “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” trên tuyến đường Trường Sơn thành "binh chủng hợp thành" với hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 10.000 thanh niên xung phong, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hơn 500 nữ chiến sĩ của Tiểu đoàn Trưng Trắc vừa tròn 18 - 20 tuổi cùng 1 vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn đã kiên cường vượt qua "mưa bom bão đạn", bước qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết với niềm tin toàn thắng ắt về ta. Họ đã xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn kilômét dây thông tin các loại, bảo đảm sự chỉ huy thông suốt toàn chiến trường Trường Sơn và từ Tổng hành dinh tại Hà Nội qua Trường Sơn tới thẳng các hướng chiến trường…
Cựu thanh niên xung phong Đồng Thị Mai nhớ lại: “Lúc đó, chiến tranh rất ác liệt, tất cả các nơi bộ đội đóng quân bị địch ngày đêm rình rập đánh phá... Nhiều lần chúng tôi đi xuyên đêm để bảo đảm đường dây thông tin thông suốt. Sự gian khổ, thiếu thốn và nguy hiểm của chiến tranh khiến nhiều đồng đội của tôi vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.