Á quân Olympic Bắc Kinh chắc chắn vẫn được nhắc tới như một niềm hy vọng số 1 của cử tạ VN tại Asian Games lần này. Đơn giản bởi ngoài Tuấn ra, chưa ai có thành tích tiệm cận với mức tranh chấp huy chương.
Hoàng Anh Tuấn quyết tâm giành huy chương tại Asian Games 2010 để xua tan nỗi thất vọng ở SEA Games 2009. |
Quyết tâm làm lại
Sau kỳ SEA Games 25 với lời tuyên bố gây “sốc” chia tay sự nghiệp, lực sĩ quê Bắc Ninh đã bình tâm trở lại và quyết giành thành tích tốt tại giải VĐTG và Asian Games năm nay. Cùng với quyết tâm đó, bộ môn Cử tạ tiếp tục có những đầu tư đặc biệt cho nhà á quân Olympic bằng việc cử đi tập huấn dài hạn tại Trung Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc huấn luyện cho Tuấn, thời gian qua thể lực của Anh Tuấn rất tốt, các chỉ số tập luyện cử giật và cử đẩy ổn định, đặc biệt là sở trường cử giật ngày càng được Tuấn hoàn thiện. Hiện tại, mức tổng cử của Tuấn luôn ở mức trên 280kg (mức tạ cao nhất của Tuấn là 290kg tại Olympic Bắc Kinh).
Đây là mức tạ rất khả quan, bởi nếu tính điểm rơi chính xác thì thông số này còn có khả năng cao hơn nữa. Bên cạnh việc luyện tập nâng cao thành tích, theo phản ảnh từ các chuyên gia người Trung Quốc cho biết, Tuấn đã biết cách phối hợp rất tốt với HLV về các giáo án tập luyện, chứ không hay phàn nàn hay tự đưa ra bài tập riêng cho mình như trước kia. “Thái độ của Tuấn cho thấy anh rất nghiêm túc và quyết tâm”, ông Kháng nhận xét.
Thước đo tại giải VĐTG
Sau gần nửa năm tập huấn tại Trung Quốc, lực sĩ số 1 VN Hoàng Anh Tuấn sẽ trở về VN để cùng với ĐTQG lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 14/9 tới đây. Tại giải này, VN chỉ cử 2 lực sĩ tham dự là Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Thị Phương Loan (hạng 69kg). Cũng tại giải này năm ngoái, vì một số lý do mà Anh Tuấn không tham gia.
Tuy nhiên, năm nay do có Asian Games nên bộ môn Cử tạ quyết tâm dành kinh phí để Tuấn tham dự, nhằm “thăm dò” các đối thủ cũng như thử xem sức mình tới đâu để có sự điều chỉnh trong thời gian sắp tới.
Trưởng bộ môn Cử tạ-Thể hình Đỗ Đình Kháng cho biết: “Giải VĐTG cũng tương đương với giải VĐ châu Á hoặc Asian Games ở hạng cân nhỏ. Chính vì vậy, nếu giành được thành tích khả quan tại giải đấu này thì cơ hội có huy chương tại Asian Games là rất cao”.
Tại giải VĐTG tới đây, gần như các anh tài trên thế giới đều tham dự. Theo đánh giá của BHL, đối thủ lớn nhất của Tuấn sẽ là các VĐV của Trung Quốc. Hiện nay, những đối thủ này vẫn đang được Trung Quốc “ém” để tung ra tại Asian Games, nhưng rất có thể cũng sẽ được thử sức lần này.
Theo ông Kháng, Trung Quốc không bao giờ thiếu nhân tài thể thao và họ thường trình làng những VĐV gây bất ngờ cho đối thủ. Ngoài ra, phải kể đến lực sĩ Cha Kum Chol (CHDCND Triều Tiên) cùng với 2 VĐV mới nổi của Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng trường hợp của Eko Yuli Irawan (Indonesia), đối thủ này gần như sẽ vẫn thi đấu ở hạng 62 sau khi đã đẩy lên mức cân này tại SEA Games 25 để tránh Anh Tuấn.
Theo ông Kháng, Eko nhiều khả năng sẽ không ép xuống 56kg bởi bài học cay đắng tại Olympic 2008 (khi đó Eko ép cân từ 62kg xuống 56kg nhưng bị Anh Tuấn vượt qua và chỉ giành HCĐ).
“Xác định đối thủ là thế nhưng cũng chẳng biết trước được điều gì, bởi Anh Tuấn vốn chưa tìm được sự ổn định phong độ”, ông Kháng cho biết. Chính vì thế, tại giải VĐTG lần này và Asian Games sắp tới, bộ môn Cử tạ rất khó xác định chỉ tiêu cụ thể mà chỉ đặt ra là phấn đấu có huy chương với Anh Tuấn.
Trong khi đó, với những niềm hy vọng khác như Trần Lê Đình Toàn,Nguyễn Thị Phương Loan, Nguyễn Thị Thiết…cũng chỉ dừng lại ở mức hy vọng. Thông tin mới nhất từ bộ môn Cử tạ cho biết, lực sĩ người Hải Dương Nguyễn Thị Thiết đã chính thức xin chia tay ĐTQG vì lý do chấn thương. Thiết chính là lực sĩ được cử đi tham dự giải VĐTG lần này nhưng chị đã xin từ chối và nhường lại cho Nguyễn Thị Phương Loan vì thấy mình không còn phong độ cao. Tuy nhiên, thành tích của Phương Loan cũng không khả quan, và nếu cô không tổng cử được ở mức 235-240 trở lên thì không có hy vọng tranh chấp huy chương (tại SEA Games 25 Loan chỉ tổng cử được 226kg).
Danh sách tham dự Asian Games vẫn chưa được chốt lại, nhưng chắc chắn Thiết sẽ không tham dự. Ngoài ra, theo ông Kháng, những VĐV trẻ, đặc biệt là nhà vô địch Olympíc trẻ Thạch Kim Tuấn, cũng khó có cơ hội góp mặt, bởi khoảng cách về thành tích vẫn còn quá xa so với nhóm tranh chấp huy chương.
Chuẩn bị thành lập LĐ Cử tạ - Thể hình Trong tình hình thực tiễn hiện nay, nhu cầu thành lập LĐ riêng cho Cử tạ-Thể hình đã trở nên bức thiết, bởi chỉ làm như vậy mới có thể tiến hành xã hội hoá sâu rộng, nhằm thúc đẩy việc phát triển bộ môn, nhờ thế, đời sống VĐV và những người làm chuyên môn cũng có tương lai tươi sáng hơn. Tại cuộc họp Ban chấp hành LĐ Thể dục VN nhiệm kỳ 3 vào ngày 28/8 tại Đồng Nai, Nghị quyết tách Cử tạ-Thể hình để thành lập LĐ riêng đã được các thành viên thống nhất. Trước mắt sẽ thành lập Ban vận động thành lập LĐ, tiến tới thành lập LĐ trong thời gian sớm nhất (dự kiến là năm sau). “Nggân sách Nhà nước có lớn tới đâu cũng không thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của quá trình xây dựng thể thao. Có xã hội hóa thể thao và có cơ chế chuyên nghiệp hoá thì thể thao VN mới có cơ hội vươn lên”, ông Kháng cho biết. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.