(HNM) -
Năm chục năm trước, tôi hay theo mẹ đến nhà ông Văn Tân ở 21 Hòa Mã. Chưa có điện thoại để hẹn, nhưng bao giờ ông cũng có nhà. Thân trên lực lưỡng, cánh tay to đầy lông thâm lại vì tỳ mãi vào bàn, ông đu người kéo đôi chân teo tóp, đứng dậy khó khăn. "Cái việc của chị…", mở đầu thường như vậy, hầu như không có xã giao. Tôi chán nghe chuyện người lớn, cứ ngắm cái bàn làm việc. Bộn bề không tưởng, sách che hết người. Sau này, hiểu biết nhiều hơn, tôi biết sự bộn bề ấy có trật tự của nó, và con người thì tham công tiếc việc. Cái ông già dữ tướng ấy cứ "mài" người trong đó, để rồi sản sinh ra bao nhiêu tác phẩm thuộc những lĩnh vực nghiên cứu rất khác nhau.
Văn Tân sinh năm 1913, thuộc thế hệ mà ý thức đầu tiên là ghét đế quốc. 16 tuổi vào Nông hội, ông đi treo cờ đỏ, rải truyền đơn ở vùng quê Hoài Đức, lĩnh liên tiếp những án tù. Tự do và tung hoành trên trường báo chí thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), ông lại bị đày đi Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ. Cuộc di chuyển đằng đẵng qua các nhà lao chấm dứt cùng thành công của cách mạng. Từ năm 1945 đến năm 1950, ông là chủ bút Báo Cứu quốc Trung ương. Sang Trung Quốc chữa bệnh và dạy học năm 1952, ông tập hợp các tên tuổi Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tấn Gi Trọng… làm từ điển "tư", những người trong nhóm tự chịu trách nhiệm. Nghĩa là dần dần xích lại địa hạt nghiên cứu, điều số phận giao cho ông và ông ưa thích hơn cả.
Kháng chiến kết thúc, Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn từ chiến khu dời về Thủ đô. Trong dòng học giả "chảy" về đây có Văn Tân. Là Trưởng ban Văn học từ năm 1955 đến năm 1959, ông chung tay hoàn thành bộ "Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam" 5 tập, "Từ điển tiếng Việt" hơn 1.000 trang khổ lớn, "Từ điển Trung Việt", soạn riêng "Văn học trào phúng Việt Nam", "Nguyễn Khuyến nhà thơ kiệt xuất"… Phải thấy rằng trong ít năm đầu của thời kỳ khai phá khoa học mới, vai trò của những bộ từ điển Văn Tân tham gia lớn thế nào.
Ban Nghiên cứu "Sử - Địa - Văn" trở thành "Văn - Sử - Địa", rồi các Viện Sử, Văn… tách riêng ra, từ cơ quan Đảng chuyển sang của Nhà nước, tính chất khoa học ngày càng rõ, với những yêu cầu học thuật cao và độc lập. Văn Tân phụ trách tổ Cổ sử, hằng ngày làm việc với các nhà Hán học uyên thâm như Phạm Trọng Điềm, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Cao Huy Giu, những tên tuổi Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi, Trần Văn Giáp nổi cồn đã lâu… Một nhà báo, người cách mạng bàn bạc trước thuật với các "trí thức thuần túy", đâu có dễ. Tạp chí "Nghiên cứu lịch sử" ra hằng tháng do Văn Tân làm Thư ký tòa soạn (đến khi về hưu - 1977) thành diễn đàn chung cho giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Những cuộc tranh luận triền miên, ý tưởng khác nhau "của làng" va chạm. Với kiến thức bách khoa (chữ của nhà báo Thế Văn), Văn Tân điềm nhiên đứng giữa "dòng chảy xiết" đó, phân phó bài vở, tham góp ý kiến. Không có một uy tín khoa học, một cá tính vừa cứng cỏi vừa mềm mại thật khó trụ được. Bản thân ông cũng có sự quan tâm thật phong phú, thể hiện qua "hệ thống đề tài". Giai đoạn sơ sử ông viết về nguồn gốc dân tộc, chế độ nô lệ, nước Văn Lang, nước Âu Lạc… Chế độ phong kiến được ông "đánh dấu" với sự khác biệt giữa hai xã hội Trần - Lê, phong kiến tập quyền, các phong trào Lam Sơn, Tây Sơn… Thời cận đại lại làm ông mê luyến với các nhân vật Nguyễn Trường Tộ, Lưu Vĩnh Phúc. Tức là Văn Tân đã "quản" một "trường" học thuật rất rộng. Một trong những dấu ấn đậm nhất ông để lại là cuộc tranh luận năm 1963 về Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, nhân vật nào thống nhất Việt Nam.
Nói như nhà sử học Lê Văn Lan, với cương vị và sản phẩm của mình trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Văn Tân dễ gây ấn tượng về một "học giả quyền uy". Không quá "phô". Nhưng khoa học thời đó "kiêm nhiệm" nhiều chức năng, rất cần người như ông, nếu không vai trò "tập hợp" người trong giới sẽ kém đi. Vả, con người ấy lại có những ứng xử khi mềm mại khi rắn rỏi giữ được tiết tháo nhà Nho, để lại những bài học về đạo đức làm nghề, văn hóa tranh luận cho thế hệ nghiên cứu sau này. Ông không ngại sự người khác nghĩ khác mình. Một thời gian dài, sau cái chết của Trần Huy Liệu, người sáng lập Viện Sử, vai trò "Quốc Sử quán" cùng tạp chí của nó vẫn "đứng" lại được, phần công sức của Văn Tân không hề nhỏ.
Những đóng góp ấy, trước mắt, xứng đáng với một tên đường Văn Tân, ở chính quê hương Vân Canh là hợp hơn cả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.