(HNM) - Nằm bên dòng Nhuệ Giang hiền hòa, phường Vạn Phúc (Hà Đông) không những nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền mà còn là địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam.
Nhân dân Vạn Phúc vốn giàu truyền thống yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Chính vì vậy, trong thời kỳ 1936-1945, nơi đây đã được chọn là An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Nhân dân Vạn Phúc đã nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh... Đồng thời, trong những ngày cách mạng, Vạn Phúc được Xứ ủy chỉ đạo tiến hành khởi nghĩa sớm, trước khi phát lệnh Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc năm 1945.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc mới được tu sửa khang trang sạch đẹp. |
Theo lịch sử Đảng bộ phường Vạn Phúc, 12 giờ đêm 16-8-1945, chi ủy đã họp khẩn cấp và phân công cụ thể kế hoạch khởi nghĩa. Trong đó bố trí một đơn vị canh gác và sẵn sàng chiến đấu từ Cầu Am đến đầu Xóm Ngoài, một đơn vị làm nhiệm vụ ở khu cửa chùa và bờ sông, một đơn vị chính gồm 3 tổ đi bắt bọn đầu sỏ phản động, một tổ đi gặp những người làm việc cho địch nhưng đã ngả theo ta, để báo cho họ mang sổ sách ra nộp. Cuộc khởi nghĩa được tiến hành rất khẩn trương, đến sáng sớm 17-8, nhân dân Vạn Phúc đã giành được chính quyền, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay đến từng xóm ngõ, báo hiệu thắng lợi đầu tiên của cách mạng. Sẵn khí thế cách mạng đang lên cao, ngày 19-8 nhân dân Vạn Phúc giương cao cờ đỏ sao vàng tiến vào Hà Nội tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Vạn Phúc vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc chuẩn bị cho cuộc trường chinh chống Pháp. Chị Cao Thị Hồng, cán bộ Nhà lưu niệm xúc động giới thiệu: Hôm đó, vào khoảng 18h ngày 3-12-1946, Bác Hồ đã bí mật về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc. Do nhà cụ Dương có xưởng dệt lụa lớn, thường xuyên có khách đến giao thương nên che mắt được bọn mật thám. Bản thân cụ Dương cũng thường xuyên tham gia rất nhiều công việc để phục vụ cách mạng. Vì thế, đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng ban Công tác đội trung ương đã về gặp đồng chí Phúc Khánh, Ủy viên Tỉnh ủy Hà Đông bàn bạc và thống nhất chọn nhà cụ Nguyễn Văn Dương làm nơi ở, làm việc của Bác Hồ. Còn bà Nguyễn Thị Hà (76 tuổi), con gái của cụ Dương xúc động kể: "Trong suốt thời gian Bác đến làm việc, anh em tôi không hay biết Người là ai. Chỉ biết rằng, những người trong đoàn đề nghị gia đình tuyệt đối giữ bí mật và tạo mọi điều kiện để Bác làm việc. Tối 19-12-1945, trước khi rời đi, Bác Hồ đã cho mời bố tôi lên gặp, Bác cảm ơn gia đình đã giúp đỡ nơi ăn ở và bảo đảm tuyệt đối bí mật cho Người. Lúc này chúng tôi mới được tiết lộ đó là Bác Hồ. Khi Người đi ra đến cổng thì mọi người mới chạy theo gọi với: Bác ơi! Bác ơi!".
Trong những ngày ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Tại căn nhà của cụ Dương, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng để thông qua văn kiện "Toàn dân kháng chiến", đồng thời để mọi người góp ý cho "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" do Bác viết. Kết thúc hội nghị, tối 19-12, "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" đã được phát đi như một bài "hịch" hiệu triệu toàn dân đoàn kết, nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.
Hiện nay, căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hà vẫn được bảo tồn nguyên trạng, những vật dụng Bác dùng năm xưa như chiếc giường, bàn làm việc, bàn tiếp khách, đôi tạ tay... đã trở thành những kỷ vật được lưu giữ cẩn thận. Đặc biệt, năm 1975 ngôi nhà đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Chị Nguyễn Thị Na, cán bộ văn hóa phường Vạn Phúc, cho biết hằng năm vào ngày 20-11, các trường học trên địa bàn quận Hà Đông đều tổ chức đưa học sinh đến Nhà lưu niệm để báo công dâng Bác; ngày 26-3, Quận đoàn tổ chức kết nạp cho đoàn viên ưu tú... Ngoài ra, trong những ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, Nhà lưu niệm Bác Hồ còn đón hàng trăm đoàn khách là sinh viên các trường đại học, cựu chiến binh và nhân dân từ khắp nơi trong cả nước đến tham quan, ôn lại những giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.