Hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) vừa trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Đây không chỉ là niềm vui với người dân ở 2 làng nghề mà còn là dấu mốc quan trọng để 2 địa phương này nói riêng và hệ thống làng nghề truyền thống của mảnh đất nghìn năm tuổi Thăng Long - Hà Nội nói chung tiếp tục có cơ hội phát triển mạnh mẽ, để nghề thủ công truyền thống Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn.
Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội vốn nổi tiếng là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, trung tâm văn hóa lớn của cả nước không chỉ nhờ sự hiện diện của lớp lớp di tích lịch sử, di sản văn hóa mà còn là bởi có những làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi. Hiện, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương; có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản... Với bề dày lịch sử cùng những câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề bền bỉ phát triển theo thời gian đã khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người con Thủ đô.
Riêng hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc từ lâu đã là biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi; là điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Để phát huy những giá trị riêng có cũng như thương hiệu sản phẩm của làng nghề Thủ đô, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống. Cùng với đó là xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề, từ đó hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các làng nghề trên địa bàn thành phố cũng như với các địa phương trên cả nước, gắn với câu chuyện, quá trình ra đời và hình thành của các làng nghề.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các địa phương cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực và nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về làng nghề, đặc biệt là cán bộ cơ sở; hỗ trợ đưa công nghệ số, hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề. Đồng thời, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đưa công nghệ phục vụ công tác bảo tồn ngành nghề, làng nghề truyền thống; quan tâm cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần rà soát, đánh giá, phân loại các dịch vụ hỗ trợ tại các làng nghề; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ các khâu trên toàn bộ chuỗi liên kết, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với việc này, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề. Ngoài ra, các địa phương cần hỗ trợ nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm làng nghề một cách bài bản, khoa học; cung cấp thông tin về xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới... để định hướng cho việc phát triển sản phẩm các làng nghề.
Trong bối cảnh mới, làng nghề vươn mình phát triển sẽ góp phần quan trọng trong bảo tồn các nét văn hóa của Thủ đô cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân làng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.