(HNM) - Nửa thời gian của học kỳ I năm học 2012-2013 đã trôi qua mà đề tài về các khoản thu - chi đầu năm học ở một số nơi vẫn chưa hết nóng. Nhiều nguyên nhân từ phía các nhà trường đã được điểm mặt, chỉ tên, song vẫn còn những điều ít được đề cập. Sự chậm trễ, thiếu rõ ràng trong hướng dẫn thực hiện các khoản thu của các cấp quản lý cũng khiến cơ sở gặp khó, vận dụng sai quy định.
Gần hết học kỳ I năm học 2012 - 2013 mà đề tài về các khoản thu - chi đầu năm của học sinh vẫn chưa hết nóng. Ảnh: Bảo Lâm |
Khó khăn với một số khoản thu
Theo Thông tư liên tịch số 09/2009-BYT-BTC ngày 14-8-2009 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) thì một trong những đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT là sinh viên, học sinh (HS) đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định mọi HS có trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHYT cũng được các nhà trường phổ biến tới HS, phụ huynh ngay đầu mỗi năm học, song việc triển khai chưa hiệu quả, nhất là khi mức đóng trong năm học 2012-2013 này là 264 nghìn đồng/HS, tăng gần 60 nghìn đồng/HS. Phản ánh của ban giám hiệu nhiều trường cho biết, đây là khoản các nhà trường thu hộ, song lại nhận được không ít lời phàn nàn của phụ huynh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy) Nguyễn Thị Phong Lan cho biết, trong tổng số 510 nghìn đồng thu của HS đầu năm học này, riêng tiền BHYT và bảo hiểm thân thể đã chiếm 325 nghìn đồng. Nhà trường đã tuyên truyền vận động mọi HS tham gia BHYT, nhưng không có chế tài bắt buộc nên khó đạt tỷ lệ 100%. Kết quả khảo sát của Đoàn giám sát Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP vừa qua tại Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm) cũng phản ánh tình trạng tương tự. Tại thời điểm khảo sát, mới có khoảng 90% HS tham gia BHYT. Còn đại diện Ban giám hiệu Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm) cho biết khoản thu BHYT thực sự là một áp lực với nhà trường, chưa năm nào nhà trường hoàn thành chỉ tiêu này. Theo phản ánh từ phía phụ huynh, một trong những lý do khiến họ không mặn mà với khoản đóng góp này là vì chất lượng dịch vụ BHYT chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh; HS khi mua BHYT chỉ có thể lựa chọn một vài địa điểm khám chữa bệnh, chủ yếu là các trung tâm y tế địa phương, muốn lên tuyến trên phải làm nhiều thủ tục.
Ngoài BHYT, trong danh sách các khoản thu hộ còn có bảo hiểm thân thể, quỹ đoàn, quỹ đội… Để tránh những điều tiếng nhất định cho các thầy, cô giáo, năm học trước, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường không đứng ra thu hộ bất kỳ khoản gì. Song năm nay, khi áp dụng cơ chế thu, sử dụng học phí mới và các khoản thu khác theo Quyết định 22/2012/QĐ-UB ngày 28-8-2012 của UBND TP Hà Nội, trong hướng dẫn của Sở lại không có quy định này. Theo phản ánh của nhiều giáo viên, quy định ấy ít nhiều cũng khiến họ đỡ vất vả khi không phải chịu áp lực từ "phía trên" để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ… thu tiền. Khi trực tiếp đứng ra thu tiền, nhất là những khoản thu hộ, thì dù muốn hay không, họ vẫn thấy không thoải mái, tự tin trước ánh mắt của phụ huynh.
Loay hoay với nhiều khoản chi
Thực tế triển khai tại các nhà trường từ đầu năm học đến nay cho thấy, việc sử dụng kinh phí thu được ra sao cho hiệu quả và đúng mục đích cũng là vấn đề khiến ban giám hiệu nhiều trường trăn trở, đặc biệt là đối với các khoản ngoài học phí. Lãnh đạo nhiều trường cho biết, mặc dù được giao quyền tự chủ về tài chính, song so với năm học trước, họ vẫn không khỏi băn khoăn.
Cần có hướng dẫn cụ thể về các khoản thu chi của học sinh để nhà trường sử dụng kinh phí thu được đạt hiệu quả. Ảnh: Thanh Phương |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.