Vẫn nóng chuyện thu - chi
Giáo dục - Ngày đăng : 07:44, 25/10/2012
Gần hết học kỳ I năm học 2012 - 2013 mà đề tài về các khoản thu - chi đầu năm của học sinh vẫn chưa hết nóng. Ảnh: Bảo Lâm |
Khó khăn với một số khoản thu
Theo Thông tư liên tịch số 09/2009-BYT-BTC ngày 14-8-2009 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) thì một trong những đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT là sinh viên, học sinh (HS) đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định mọi HS có trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHYT cũng được các nhà trường phổ biến tới HS, phụ huynh ngay đầu mỗi năm học, song việc triển khai chưa hiệu quả, nhất là khi mức đóng trong năm học 2012-2013 này là 264 nghìn đồng/HS, tăng gần 60 nghìn đồng/HS. Phản ánh của ban giám hiệu nhiều trường cho biết, đây là khoản các nhà trường thu hộ, song lại nhận được không ít lời phàn nàn của phụ huynh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy) Nguyễn Thị Phong Lan cho biết, trong tổng số 510 nghìn đồng thu của HS đầu năm học này, riêng tiền BHYT và bảo hiểm thân thể đã chiếm 325 nghìn đồng. Nhà trường đã tuyên truyền vận động mọi HS tham gia BHYT, nhưng không có chế tài bắt buộc nên khó đạt tỷ lệ 100%. Kết quả khảo sát của Đoàn giám sát Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP vừa qua tại Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm) cũng phản ánh tình trạng tương tự. Tại thời điểm khảo sát, mới có khoảng 90% HS tham gia BHYT. Còn đại diện Ban giám hiệu Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm) cho biết khoản thu BHYT thực sự là một áp lực với nhà trường, chưa năm nào nhà trường hoàn thành chỉ tiêu này. Theo phản ánh từ phía phụ huynh, một trong những lý do khiến họ không mặn mà với khoản đóng góp này là vì chất lượng dịch vụ BHYT chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh; HS khi mua BHYT chỉ có thể lựa chọn một vài địa điểm khám chữa bệnh, chủ yếu là các trung tâm y tế địa phương, muốn lên tuyến trên phải làm nhiều thủ tục.
Ngoài BHYT, trong danh sách các khoản thu hộ còn có bảo hiểm thân thể, quỹ đoàn, quỹ đội… Để tránh những điều tiếng nhất định cho các thầy, cô giáo, năm học trước, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường không đứng ra thu hộ bất kỳ khoản gì. Song năm nay, khi áp dụng cơ chế thu, sử dụng học phí mới và các khoản thu khác theo Quyết định 22/2012/QĐ-UB ngày 28-8-2012 của UBND TP Hà Nội, trong hướng dẫn của Sở lại không có quy định này. Theo phản ánh của nhiều giáo viên, quy định ấy ít nhiều cũng khiến họ đỡ vất vả khi không phải chịu áp lực từ "phía trên" để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ… thu tiền. Khi trực tiếp đứng ra thu tiền, nhất là những khoản thu hộ, thì dù muốn hay không, họ vẫn thấy không thoải mái, tự tin trước ánh mắt của phụ huynh.
Loay hoay với nhiều khoản chi
Thực tế triển khai tại các nhà trường từ đầu năm học đến nay cho thấy, việc sử dụng kinh phí thu được ra sao cho hiệu quả và đúng mục đích cũng là vấn đề khiến ban giám hiệu nhiều trường trăn trở, đặc biệt là đối với các khoản ngoài học phí. Lãnh đạo nhiều trường cho biết, mặc dù được giao quyền tự chủ về tài chính, song so với năm học trước, họ vẫn không khỏi băn khoăn.
Cần có hướng dẫn cụ thể về các khoản thu chi của học sinh để nhà trường sử dụng kinh phí thu được đạt hiệu quả. Ảnh: Thanh Phương |
Quyết định 73/2000/QĐ-UB ngày 16-8-2000 của UBND TP quy định rất rõ về mức chi từ các khoản thu khác. Ví dụ như chi lương giáo viên mầm non đi làm ngày thứ bảy là không quá 40 nghìn đồng/người/ngày; trong tổng kinh phí của việc học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, có 60% dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, 20% cho quản lý, phục vụ và phúc lợi, 17% mua sắm vật dụng, 3% cho công tác thanh tra... Cũng là nội dung học 2 buổi/ngày, song tỷ lệ chi các mục ở cấp THCS lại khác so với tiểu học. Ví dụ như tiền mua sắm vật dụng là 20%, mức chi cho quản lý, phục vụ và phúc lợi chỉ 15%; chi công tác thanh tra lại chiếm 5%... Từ năm học này, khi triển khai Quyết định 22/2012/QĐ-UB, các nhà trường cho biết chưa có hướng dẫn cụ thể nào về các khoản chi, không quy định tỷ lệ chi như trước. Điều này khiến các trường loay hoay, không biết căn cứ vào đâu để chi cho hợp lý. Thế nên có nơi như quận Hoàng Mai chỉ đạo các trường thu theo văn bản mới, nhưng khi chi lại áp dụng quy định cũ. Đại diện lãnh đạo quận này cho biết, việc không quy định tỷ lệ chi cụ thể khiến công tác hướng dẫn, triển khai tới cơ sở rất khó khăn. Việc quy định rõ ràng về nội dung chi thế nào, mức chi ra sao không chỉ bảo đảm cho việc thực hiện thống nhất, công khai trên toàn địa bàn, mà còn là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, giám sát.
Khoản chi từ quỹ phụ huynh cũng là vấn đề được quan tâm. Ý kiến của ban đại diện cha mẹ HS Trường Tiểu học Tân Mai (Hoàng Mai) đề xuất nên có hướng dẫn cụ thể về mức chi từ quỹ phụ huynh, tránh trường hợp mỗi nơi một kiểu, dẫn đến những sai phạm hoặc điều tiếng không hay. Tỷ lệ này của trường trước đây là 20% cho hoạt động của phụ huynh, 40% cho giáo viên, phần còn lại phục vụ cho việc học tập của HS. Tuy nhiên, Điều lệ mới về ban đại diện cha mẹ HS của Bộ GD-ĐT (có hiệu lực từ ngày 7-1-2012) không cho phép sử dụng quỹ phụ huynh để khen thưởng giáo viên; mua sắm máy móc, thiết bị cho trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường… Trong đó, việc không được dùng quỹ phụ huynh chi cho tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục là quy định khiến nhiều người cho rằng không hợp lý, khó áp dụng và thậm chí là cứng nhắc. Mục tiêu chính trong mối quan hệ đồng hành giữa phụ huynh và nhà trường là tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục HS. Việc gò bó cơ sở quá mức cần thiết có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của HS.