(HNM) - Mặc dù UBND xã Yên Viên tuyên bố sau ngày 12-8 nếu doanh nghiệp (DN) vi phạm không tự giác tháo dỡ, chính quyền sẽ cưỡng chế, nhưng đến ngày 22-8, PV Báo Hànộimới nhận thấy, các trạm trộn bê tông vi phạm Luật Đê điều tại khu vực cầu Đuống vẫn ngang nhiên tồn tại.
Theo Hạt Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (QLĐĐ&PCLB) số 6, ba trạm trộn bê tông và bãi tập kết vật liệu xây dựng tại khu vực cầu Đuống đã hoạt động từ hơn một năm trở lại đây. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và lập biên bản về các hành vi vi phạm; báo cáo Chi cục QLĐĐ&PCLB Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm, khẩn trương dừng hoạt động và giải tỏa các bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều này. Ngoài ra, Hạt cũng kiến nghị với cơ quan chức năng và UBND huyện Gia Lâm cấm xe quá tải chạy trên đường đê tại khu vực này. Từ tháng 6-2011, Chi cục QLĐĐ&PCLB cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Gia Lâm, nêu rõ việc sử dụng bờ sông, hành lang bảo vệ đê, kè tập kết vật liệu xây dựng tạo ra nguy cơ gây sạt trượt bờ sông, mái kè... Hạt đề nghị UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo xã Yên Viên xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; khẩn trương giải tỏa các bãi vật liệu không phép, sai phép, trái phép ra khỏi hành lang bảo vệ đê, kè... Nhưng, đến nay đã hơn hai tháng, công trình vi phạm vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm xử lý dứt điểm. Đường đê cấm xe tải trọng trên 10 tấn nhưng hằng ngày xe vẫn ra vào lấy hàng.
Trao đổi với PV qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Yên Viên Đào Văn Hồng cho biết, hết hạn để các đơn vị vi phạm tự tháo dỡ công trình không phép, xã có mời DN đến làm việc. Tuy nhiên, thay cho "quyết tâm" cưỡng chế như đã công bố trước đó, chính quyền xã Yên Viên lại "ưu ái" cho DN thời gian để đi xin cấp phép tạm. "Họ có xin cho thêm thời gian để làm thủ tục cấp phép. Họ đã nói vậy thì mình cũng để cho họ có thời gian..." - ông Đào Văn Hồng nói.
Về nguyên tắc, các công trình nằm trong hành lang thoát lũ phải được giải tỏa. Trường hợp bãi tập kết vật liệu được địa phương cấp phép tạm, mỗi năm phải xin phép một lần. Nhưng, vào mùa mưa bão sẽ phải ngừng hoạt động. Đặc biệt, khi chính quyền yêu cầu, đơn vị kinh doanh phải dỡ bỏ ngay các công trình để ưu tiên cho việc tiêu thoát lũ. Hạt QLĐĐ&PCLB số 6 cũng khẳng định, không ai có thể cấp phép cho các trạm này hoạt động ngoài đê tả Đuống. Hạt cũng không có thỏa thuận nào với chính quyền địa phương về các trạm này.
Như vậy, không thể không đặt vấn đề về trách nhiệm của UBND huyện Gia Lâm và đặc biệt là UBND xã Yên Viên trong việc xử lý các vi phạm Luật Đê điều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.