Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn nạn ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp: Đã có giải pháp căn cơ

Thanh Hải| 23/07/2016 06:41

(HNM) - Không phủ nhận đóng góp của các cụm công nghiệp (CCN) đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định một thực tế, do hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, một số CCN, thậm chí nằm đan xen với khu dân cư nên ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nan giải.

Trạm trộn bê tông tại cụm công nghiệp Yên Nghĩa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại các tòa nhà HH2, CT7, CT8 Khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông).Ảnh: Phương Nhi


Mới đây, Sở Công Thương đã đề xuất quy hoạch các CCN một cách đồng bộ, bài bản nhằm giải quyết triệt để những bất cập liên quan. Đây có thể xem là giải pháp căn cơ đối với vấn nạn đang gây nhiều bức xúc?

Sống chung với... ô nhiễm

Nhiều năm qua, người dân xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức phải sống cùng ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Như Hải (Văn phòng UBND xã Sơn Đồng), ô nhiễm bắt nguồn từ nước thải tại CCN Dương Liễu xả thẳng ra kênh T2, chạy dọc địa phận xã. Thường thì từ tháng Chín âm lịch trở đi, CCN đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường Tết và lúc đó người dân Sơn Đồng thật sự khốn khổ vì ô nhiễm.

Nhà nào cũng phải đóng kín cửa vì mùi khó chịu bốc lên từ con kênh đen ngòm, nổi váng. Còn ngày mưa thì nước tràn vào đồng ruộng bức tử cây trồng… Tương tự, Chủ tịch UBND thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) Lê Đình Khánh cho biết, các cơ sở sản xuất trong CCN Sông Cùng, xã Đồng Tháp và CCN Cầu Gáo, xã Đan Phượng xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường khu vực canh tác của các hộ sản xuất nông nghiệp.

Tại quận Hà Đông, từ giữa năm 2014, cư dân sinh sống tại các tòa nhà HH2, CT7, CT8 - Khu đô thị mới Dương Nội phải chịu đựng thứ mùi nồng nặc (do đốt nhựa hoặc hóa chất) phát tán từ CCN Yên Nghĩa cách đó không xa. Bà Nguyễn Thị Oanh, sống tại tòa HH2 cho biết: "Từ 18h đến 23h hằng ngày, không khí có mùi khét rất khó chịu, nếu ngửi lâu cảm thấy choáng váng, tức ngực nên không ai dám mở cửa sổ". Và cứ mỗi lần người dân phản ánh đến chính quyền và Ban Quản lý CCN Yên Nghĩa thì các cơ sở sản xuất lại dừng xả khí thải, nhưng chỉ một thời gian ngắn, đâu lại vào đấy.

Sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp.


Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Đoàn Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết, quận đã tổ chức kiểm tra, bước đầu xác định được 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sơn Thành (sản xuất các sản phẩm từ cao su), Công ty TNHH Sông Công Hà Đông (sản xuất cơ khí, phụ tùng), Công ty TNHH Sơn U.R. URAI (sản xuất sơn) và Công ty Vật liệu nhiệt Phát Lộc (sản xuất vật liệu cách nhiệt) có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương đang đề xuất phương án xử lý theo trình tự...

Không chỉ riêng CCN Yên Nghĩa, Dương Liễu hay Cầu Gáo, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các CCN đang diễn ra ở nhiều nơi. Những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng nhiều, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Quy hoạch, đầu tư đồng bộ

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đàm Tiến Thắng, phần lớn các CCN được hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN có hiệu lực (theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ) nên hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư đồng bộ. Các CCN mới được UBND thành phố quyết định thành lập, mở rộng trong giai đoạn 2010-2016 lại gặp khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng dẫn đến chậm triển khai đầu tư xây dựng phần cơ sở thiết yếu này.

Ở khía cạnh khác, Thượng tá Lê Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết, các CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vì UBND huyện làm chủ đầu tư, ngân sách có hạn, trong khi chi phí xây dựng lại rất lớn. Ngoài ra, một số CCN đã sử dụng toàn bộ đất cho doanh nghiệp thứ phát thuê, hiện không còn đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải...

Thêm nữa, việc xây dựng hệ thống nước thải tập trung đang áp dụng nhiều cơ chế tài chính khác nhau, dẫn tới rất khó thực hiện (có CCN thì do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng chịu trách nhiệm, sau đó tính vào suất đầu tư; có CCN lại do ngân sách hỗ trợ một phần, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng chịu trách nhiệm một phần). 

Theo thống kê, trong 43 CCN, cụm tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, 5 CCN chưa phải đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, 10 CCN đã đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, 10 CCN đang đầu tư, 6 CCN chuẩn bị đầu tư, còn lại 12 CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.


Để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên, mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất, giai đoạn đến năm 2020, toàn thành phố quy hoạch 119 CCN; giai đoạn 2021 đến 2030, đầu tư đồng bộ hạ tầng, phấn đấu thu hút đầu tư lấp đầy 119 CCN đã được thành lập giai đoạn 2016-2020, đồng thời mở rộng 4 CCN đang xây dựng, thành lập mới 18 CCN. Như vậy, đến năm 2030 ngoài các CCN đang hoạt động sẽ được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch được duyệt, thì Hà Nội sẽ có 137 CCN với tổng diện tích hơn 2.000ha. Giải pháp về chính sách cũng được đề xuất theo hướng miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian đầu cho các doanh nghiệp đầu tư vào CCN; ngân sách thành phố hỗ trợ 100% cho đầu tư xử lý môi trường tại các khu công nghiệp, CCN...

Theo ông Đàm Tiến Thắng, Sở Công Thương đề nghị UBND thành phố kiến nghị với Bộ Công Thương, Chính phủ sớm ban hành văn bản thay thế Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Ngoài ra, việc xác định chủ đầu tư hạ tầng CCN cũng cần phân định rõ, cụ thể là với các CCN tập trung thì giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lựa chọn và báo cáo UBND thành phố phê duyệt. Với CCN làng nghề (để giải quyết mặt bằng, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề) giao UBND quận, huyện, thị xã chủ trì lựa chọn và trình UBND thành phố phê duyệt.

Được biết, thành phố đã đồng tình về việc cần thiết ban hành quy hoạch phát triển khu công nghiệp, CCN thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây có thể xem là một giải pháp căn cơ, tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu "không đánh đổi môi trường" thì phía trước vẫn là một chặng đường gian nan…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp: Đã có giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.