(HNM) - Bày ra những màn kịch đói rách, tàn tật, ốm đau, vô gia cư, thậm chí cả những việc vô nhân tính như cho những đứa trẻ ngây thơ uống thuốc ngủ ngặt nghẽo… để đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người nhằm kiếm tiền là những vấn nạn đau lòng.
Những khu vực như "phố Tây" Phạm Ngũ Lão, phố nhậu Nguyễn Trung Trực (quận 1), bờ kè đường Trường Sa (quận Bình Thạnh),… là nơi thu hút đông đảo dân nhậu tập trung lai rai từ chập tối đến khuya. Đây cũng là địa bàn hoạt động rất mạnh của "cái bang" Sài thành với những chiêu trò "than nghèo kể khổ", lay động lòng nhân ái trong mỗi con người để hành nghề ăn xin chuyên nghiệp.
Một "cái bang" hành nghề trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh). |
21h đêm, tôi đi cùng anh bạn vào quán nhậu ở địa chỉ 33 Nguyễn Trung Trực (quận 1). Chưa kịp gọi đồ ăn đã thấy một phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi với chiếc nón vải ngả màu cháo lòng, bộ quần áo xộc xệch, trên tay bế đứa bé đến bàn chúng tôi xin tiền. Đứa bé ngủ li bì dù quán nhậu ầm ĩ náo nhiệt. Nhận tờ 20 nghìn đồng, thấy chúng tôi nói giọng Bắc, người phụ nữ tuôn luôn một tràng tâm sự rớt nước mắt, nào là quê gốc ở Long An, ngày xưa làm ăn cũng không đến nỗi nào nhưng sau đó chồng gặp bạo bệnh phải nằm viện, bao nhiêu tài sản của gia đình đội nón ra đi. Thị như sắp khóc khi nói chuyện chồng mất khả năng lao động, nên phải lên thành phố lang thang xin ăn kiếm chút tiền nuôi chồng...
Sẽ không có gì đáng nói và câu chuyện "thường ngày ở huyện" trên sẽ nhanh chóng biến mất trong đầu chúng tôi cũng như những người khách trong quán khi đã "ngà ngà", nhưng chỉ một lúc sau lại xuất hiện một người ăn xin khác. Thị cũng trạc tuổi 30, bò lê lết trên vỉa hè và cũng như người ăn xin kia, ẵm trên tay đứa bé ngủ li bì. Chúng tôi giật mình khi nhìn đứa trẻ, tuy quần áo đã khác nhưng khuôn mặt thì rõ là một. Đến gần bàn chúng tôi, thị giơ tay xin tiền. Lại rút ra tờ 20 nghìn đồng, lại hỏi vài điều, lại nhận được một tràng "khổ sở" mùi mẫn không kém gì người khi nãy. Chúng tôi tò mò nhìn đứa trẻ, chắc chỉ tầm trên dưới 1 tuổi, khuôn mặt lấm lem, nằm oặt trên tay người phụ nữ. Cháu bé không hề thức dậy bất chấp những tiếng nói oang oang, tiếng còi xe inh ỏi. Thắc mắc với người phụ nữ, thị trả lời ngắn gọn rằng vì đứa bé đói quá nên… ngất xỉu. Nói xong, ngay lập tức thị bò sang bàn khác với chiêu thức xin xỏ y hệt lúc trước. Anh bạn nói: "Thằng bé ngủ thì họ mới làm ăn được".
Chúng tôi lặng lẽ đi theo người phụ nữ bế con đó khi đồng hồ điểm 24h đêm.
Bò đến một góc khuất gần giao điểm Nguyễn Du - Nguyễn Trung Trực, người phụ nữ xin ăn nhìn ngang ngó dọc rồi đột nhiên… đứng bật dậy, đôi chân không hề bị liệt như lúc than thở với chúng tôi. Đứa bé vẫn ngủ li bì, thị thản nhiên đi bộ về phía Nhà thờ Đức bà...
Dân nhậu không chỉ đến những khu vực trong nội thành, mà còn tìm đến bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên cung đường Trường Sa - Hoàng Sa thuộc quận Bình Thạnh vì giá cả êm hơn. Và vì thế, đây cũng là nơi hành nghề của giới "cái bang".
Nửa đêm chạy xe dọc bờ kè, chúng tôi bắt gặp hàng chục quán nhậu với hàng trăm người đang "chén chú, chén anh" say. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là một bà lão đẩy một em bé dáng co quắp trên chiếc xe lăn đi dọc đường với những lời xin xỏ "mùi mẫn", một thanh niên dị tật vào tận bàn nhậu chìa đôi tay lướt qua từng người… Cánh "cái bang" còn lết sang cả khu vực hành lang bờ kè để xin tiền những đôi tình nhân hay những người dân đang ngồi hóng mát tại đó. Cũng có một vài trường hợp xua tay đưa đẩy không cho. Anh Toàn (quận 9), đi nhậu đêm với bạn nói: Ngày nào ngồi ở đây cũng gặp những người ăn xin. Ban đầu thì cho dăm ba nghìn, đôi khi cho cả mấy chục nghìn, nhưng ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy khiến mọi người cảm thấy khó chịu. Đặc biệt sau những thông tin vạch mặt những kẻ ăn xin trá hình, số lượng người móc hầu bao cho tiền ngày càng ít.
Anh Hưng, người trông xe của khách nhậu tại một quán trên đường Trường Sa cho biết, "cái bang" ở đây hoạt động mạnh nhất là vào ban đêm khi số lượng lớn dân nhậu đổ về "chén tạc chén thù". Giới ăn xin cũng chia nhau ra từng khu vực, của ai người ấy làm, không được sang "lãnh địa" của người khác. Những tổ đội "cái bang" đông đảo hơn sẽ chiếm lĩnh được những khu vực "màu mỡ" hơn như các khu vực quán ăn, khu phố Tây để hành nghề. "Thu nhập của họ còn nhiều hơn cả tôi đấy"! - anh Hưng nói.
Vấn nạn "cái bang"
Không chỉ tại các quán nhậu ban đêm, trên đường đi hằng ngày cũng có thể bắt gặp "cái bang" tại hầu khắp các tuyến đường. Những người ăn xin thường tụ tập ở khu vực các ngã tư đèn tín hiệu cả trong nội thành lẫn các tuyến đường cao tốc ngoại thành với muôn hình vạn trạng.
Các quán cafe, nét đặc trưng thưởng ngoạn của người dân Sài thành cũng là điểm đến của "cái bang". Vừa đặt chân vào quán cafe tại đường Rạch Bùng Binh (quận 3), chúng tôi bắt gặp một người đàn ông lưng còng với những bước chân như sắp ngã chìa tay xin tiền. Anh bạn tôi khoát tay bảo không có, ông ta lập tức bật thẳng dậy, tiến nhanh sang quán bên cạnh rồi diễn lại cảnh "còng lưng, sắp ngã" với những người khách quán bên.
Khu vực phố Tây tại phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) cũng là nơi làm ăn lý tưởng của "cái bang". Hầu hết ăn xin ở khu vực này đều là trẻ em, luôn đeo bám khách du lịch cho đến khi nào nhận được những đồng đô la lẻ. Bọn trẻ nói tiếng Anh bồi với những câu ngắn gọn. Và chỉ một đứa xin được tiền, thì sẽ có vài đứa khác vây quanh những người khách ngoại quốc đến khi cho tiền chúng mới chịu lui.
Không chỉ giả dạng ăn xin, "cái bang" cũng có nhiều chiêu trò khác như giả dạng tu sĩ khất thực, người bán tăm bông, người khuyết tật, người bán vé số. Ở trạm xăng trên ngã tư giao đường Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), chúng tôi bắt gặp người phụ nữ ăn mặc rách rưới ngồi dựa vào mốc lộ giới, miệng luôn câu "lạy anh, lạy chị". Trước mặt chị ta là xấp vé số độ một chục chiếc và dường như không ai quan tâm đến những tấm vé số đó mà chỉ thả cho chị ta những tờ tiền, có người còn dừng lại cho hẳn một đĩa trái cây.
Người ăn xin lang thang tại các thành phố lớn đã trở thành vấn nạn xã hội. Những hoàn cảnh thương tâm đã bị lợi dụng. Ăn xin trở thành nghề, thành những kiểu dối trá lừa lọc lợi dụng lòng nhân ái của mọi người. Xã hội luôn lên án, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc, tổ chức thu gom người ăn xin đến những trung tâm bảo trợ xã hội vào những ngày cuối cùng của năm 2014 nhằm giúp đỡ cuộc sống của chính họ và để người hảo tâm không còn cám cảnh bị lừa bịp.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.