Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn nạn ăn xin đường phố lại hoành hành

Tiến Thành| 02/03/2016 07:03

(HNM) - Vấn nạn ăn xin tại TP Hồ Chí Minh đang tái diễn với những biến tướng khác nhau. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chưa có các biện pháp giải quyết triệt để thực trạng này.

Người ăn xin núp bóng bán vé số


Người ăn xin "tái xuất"

Gần nhất là cuối năm 2014, thành phố đã mở đợt ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, sau một năm đã chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở khoảng 1.300 trường hợp, giải quyết hồi gia cho gần 800 trường hợp. Tuy nhiên, theo khảo sát, chỉ riêng ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh, chỉ 2 tháng 1 và 2-2016, trong 42 người ăn xin được chuyển giao về các địa phương, có đến 30% quay trở lại thành phố hành nghề cũ.

Những ngày này, rất dễ bắt gặp cảnh người lớn lẫn trẻ em ngồi xin ăn tại các ngã tư, khu chợ, quán nhậu, cà phê vỉa hè... Họ thường không chìa tay xin tiền ngay mà lại có những chiêu trò như bán vé số, bán tăm, nhà sư khất thực… dưới bộ dạng rách rưới, bẩn thỉu, tật nguyền, mang theo con nhỏ… Khi không bán được hàng những người "bán vé số, tăm bông" mới xin tiền. Những chiêu trò này đánh trúng lòng thương người của người dân, lại có thể dễ dàng chối cãi khi bị cơ quan chức năng bắt gặp.

Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) cho biết, hơn 80% người ăn xin trên địa bàn đến từ những địa phương khác. Do sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, hoàn cảnh kinh tế khó khăn khiến họ phải đi xin ăn tại các thành phố lớn. Sau khi được thu gom đưa về địa phương nhưng địa phương không có những chính sách an sinh xã hội cho những đối tượng này, nên một bộ phận người ăn xin lại quay lại thành phố.

Mới giải quyết "phần ngọn"

Để giải quyết triệt để vấn nạn người ăn xin trên địa bàn thành phố, ông Lê Chu Giang cho biết sẽ phối kết hợp những biện pháp như vận động người dân không cho tiền người ăn xin. Đồng thời, hệ thống camera đồng bộ tại các phường, quận, vừa hỗ trợ lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự, cũng là giải pháp quản lý người ăn xin ở các quận trung tâm.

Thực chất, các giải pháp trên đã được áp dụng bấy lâu và không hiệu quả. Theo phân tích của chuyên gia tâm lý Đặng Lê Anh (Trường IVS - cơ sở tại TP Hồ Chí Minh), việc thành phố vận động người dân không nên cho tiền người ăn xin chưa hẳn là một giải pháp hay. Bởi trong mỗi con người đều có lòng trắc ẩn và tình thương đối với đồng loại. Hơn nữa, nhiều người cũng có tâm lý cho người để làm phúc. Do đó, việc vận động không cho tiền người ăn xin chưa hẳn đã đạt hiệu quả.

Ông Lê Văn Long, cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội Quận 3 cho biết, nhiều trường hợp người ăn xin sau thời gian được đưa vào các trung tâm xã hội, chuyển trả về địa phương tiếp tục trở lại con đường cũ. Do người thân của các đối tượng ăn xin đến các trung tâm xã hội bảo lãnh về nuôi dưỡng nhưng do không thể kiểm soát được họ làm gì tiếp theo nên có những trường hợp quay trở lại đi ăn xin tiếp. Do đó, nếu áp dụng biện pháp trả về địa phương thì phải phối kết hợp quản lý từ gốc và có chế tài mới mong đạt hiệu quả.

Về giải pháp gắn camera giám sát, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Quận 3 Lê Xuân Thành cho rằng, camera do lực lượng công an quản lý, nhiệm vụ chính là bảo đảm vấn đề an ninh trật tự. Nếu như phát hiện người ăn xin có những biểu hiện vi phạm pháp luật thì mới khai thác nguồn dữ liệu từ camera để giải quyết.

Như vậy, với những giải pháp không mới và không ai dám khẳng định hiệu quả, "vấn nạn" ăn xin đường phố ở TP Hồ Chí Minh sẽ vẫn còn đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn ăn xin đường phố lại hoành hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.