(HNNN) - Những năm gần đây, trên địa bàn Thành phố xuất hiện những mô hình “liên gia” ở các khu dân cư, tổ dân phố, như “Liên gia văn hóa”, “Liên gia tự quản”, “Liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”... Những mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả nhất định trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng văn minh đô thị, bảo vệ môi trường...
Gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Dù mới thành lập được một tháng nhưng đến nay, mô hình “Liên gia văn hóa” tổ dân phố số 12 Khu đô thị Mỹ Đình 2 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả trong việc gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Theo đó, mô hình này gắn với những quy tắc cụ thể, chú trọng văn hóa ứng xử, giao tiếp nơi công cộng và trong gia đình; xây dựng văn minh đô thị; xây dựng gia đình văn hóa... Từ khi mô hình ra đời, nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao trên địa bàn được tổ chức, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư. Mô hình Câu lạc bộ những người yêu điện ảnh, văn chương, văn nghệ, dân vũ, dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cầu lông... hoạt động hiệu quả, tạo ra sự gắn kết của cá nhân với cộng đồng.
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng là chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, sau khi nghỉ hưu sinh hoạt tại địa phương và được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 12, đồng thời là Trưởng liên gia văn hóa.
Khi nhận nhiệm vụ, bà Lê Thị Bích Hồng đau đáu với việc xây dựng mô hình văn hóa xuất phát từ đặc điểm của chung cư hiện đại. Bà cho rằng, Liên gia văn hóa là mô hình cần thiết trong các khu chung cư hiện đại hiện nay, bởi Thủ đô là nơi hội tụ của cư dân từ nhiều địa phương về Thủ đô làm việc, sinh sống, học tập.
“Là người nghiên cứu văn hóa, tôi không khỏi day dứt về những biến đổi trong văn hóa ứng xử của cá nhân với cộng đồng. Xuất hiện một bộ phận dân cư sống khép kín, ít giao tiếp, khái niệm “tình làng, nghĩa xóm” có phần phai nhạt. Không hiếm cư dân ở cùng một chung cư nhưng không biết tên nhau, gặp nhau trong thang máy cũng “tiết kiệm” câu chào, nụ cười... Chính vì thế, tôi muốn thông qua mô hình Liên gia văn hóa để gắn kết mọi người với nhau thông qua các hoạt động cụ thể, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa của khu dân cư” - bà Lê Thị Bích Hồng chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, mô hình Liên gia văn hóa quan tâm đến việc khuyến học và nâng cao đời sống tinh thần của thiếu niên, nhi đồng. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em, Liên gia văn hóa đã tổ chức lễ gặp mặt, tặng quà cho hơn 100 học sinh giỏi, xuất sắc; 20 học sinh đoạt các giải thưởng từ các cuộc thi cấp quận trở lên, đặc biệt là 2 em đoạt giải thưởng quốc tế.
Là thành viên của tổ dân phố 12, PGS.TS Trần Đức Ngôn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - cố vấn mô hình này, cho rằng: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình liên gia, nhưng Liên gia văn hóa thì chưa thấy nhiều. Tôi hy vọng, mô hình Liên gia văn hóa của tổ dân phố số 12 sẽ lan tỏa, được nhân rộng trên địa bàn thành phố” - ông Trần Đức Ngôn bộc bạch.
Vì một không gian sống xanh - sạch - đẹp - an toàn
Thành lập được khoảng 10 năm nay, mô hình Liên gia tự quản của phường Việt Hưng (quận Long Biên) đã phát triển mạnh mẽ và lan tỏa sang các phường khác trên địa bàn quận.
Theo bà Lê Thị Chương, Chi hội trưởng Phụ nữ tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng, đồng thời là Trưởng Liên gia số 8 cho biết, “đến hẹn lại lên”, cứ mỗi sáng thứ bảy hằng tuần là mọi người trong khu dân cư lại tập trung quét ngõ phố, thu gom rác thải, bóc dỡ quảng cáo rao vặt, khơi thông cống rãnh. Tổ dân phố số 2 còn có nhiều việc làm có ý nghĩa khác như trồng cây xóa chân rác, treo giỏ hoa mừng Tết Nguyên đán, sử dụng vật liệu tái chế làm đồ chơi cho trẻ em, góp phế liệu gây quỹ...
“Để tạo sự công bằng, công tâm, công khai và minh bạch, các gia đình trong mỗi liên gia đều được tham gia bình xét, chấm điểm gia đình văn hóa và qua nhiều cấp bình xét để phường xem xét công nhận. Như vậy, có thể nói liên gia là nơi “chấm điểm” đầu tiên trước khi xét ở cấp cao hơn” - bà Lê Thị Chương thông tin.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên Đào Thu Hải, mô hình “Liên gia tự quản” phát triển với nòng cốt là chị em phụ nữ đã và đang có tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân.
“Với trung bình từ 200 đến 600 hộ dân mỗi tổ dân phố, các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố khó có thể triển khai hiệu quả công việc nếu không có sự hỗ trợ của mô hình “Liên gia tự quản”. Các mô hình “Liên gia tự quản” tạo hiệu quả là nhờ phát huy tinh thần trách nhiệm của các trưởng liên gia, những “hạt nhân” văn hóa ở cơ sở. Các liên gia văn hóa là “cánh tay nối dài” của chính quyền ở cơ sở để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất” - bà Đào Thu Hải khẳng định.
Trước tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp, hiện nay, hầu hết các quận, huyện đã thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy”. Như trên địa bàn phường Phú La (quận Hà Đông), mô hình này đã phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phú La Lê Trung Dũng, UBND phường đã thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình, thường xuyên chỉ đạo Công an phường phối hợp với chi bộ, tổ dân phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh và nhân dân chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đến nay, phường đã có 30 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và 73 “điểm chữa cháy công cộng”.
“Sự ra đời của Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy đã khơi dậy tinh thần vì cuộc sống an toàn của cộng đồng. Từ mô hình này, người dân đã có ý thức, trách nhiệm và kiến thức để sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy nổ xảy ra” - ông Lê Trung Dũng nhấn mạnh.
Có thể nói, sự ra đời của các mô hình liên gia đã làm chính quyền và nhân dân xích lại gần nhau hơn, giúp chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phụng sự nhân dân và làm cho đời sống người dân được văn minh, an toàn hơn. Thiết nghĩ, những mô hình đó cần được lan tỏa, chọn lọc để nhân rộng trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.