(HNM) - Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu, góp phần phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường. Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác này và đã xuất hiện tình trạng chủ đầu tư phó mặc cho tư vấn môi trường thực hiện ĐTM.
Nội dung báo cáo mang tính hình thức, đối phó, Hội đồng thẩm định thiếu năng lực dẫn đến chất lượng thẩm định ĐTM hạn chế… Hàng loạt bất cập đã được đề cập tại hội nghị quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 4-11, tại Hà Nội.
Nhiều dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Báo cáo ĐTM: Chủ đầu tư "khoán trắng" cho tư vấn
Phải có báo cáo ĐTM trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt là quy định bắt buộc với mỗi dự án, công trình đầu tư xây dựng mới. Điều này đã được ghi rõ trong các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN đã không thực hiện đầy đủ cam kết như trong báo cáo ĐTM. TS Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và ĐTM (Tổng cục Môi trường) cho biết, hằng năm Bộ TN&MT nhận được khoảng 100-200 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM. Còn ở các địa phương thì số lượng rất khác nhau, có nơi ít, nhưng cũng có nơi thẩm định tới 100-200 hồ sơ/năm. Thực tế thẩm định báo cáo ĐTM thời gian qua cho thấy không ít bất cập. Chưa có sự phối hợp giữa chủ dự án và đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện ĐTM. Thậm chí, nhiều trường hợp chủ đầu tư đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn thực hiện ĐTM trong khi trách nhiệm pháp lý với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc chủ dự án. Điều này dẫn đến nội dung tư vấn đôi khi không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường chỉ mang tính đối phó, trong khi thành phần hội đồng thẩm định ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến chất lượng thẩm định còn hạn chế… Chỉ tính trong 5 năm qua, đã có khoảng 50 dự án không được Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT thông qua do nội dung báo cáo ĐTM đưa ra được những biện pháp thích đáng để phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Thông qua công tác thẩm định báo cáo ĐTM, một số dự án đầu tư đã phải thay đổi địa điểm, điều chỉnh công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Hàng loạt dự án khác bị từ chối vì không đáp ứng được các yêu cầu về BVMT.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, chất lượng báo cáo ĐTM của nhiều dự án còn thấp, nhiều biện pháp BVMT thiếu tính khả thi. Không ít đơn vị có tâm lý cố gắng nêu ra nhiều biện pháp BVMT trong báo cáo ĐTM để thuận lợi trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM nhưng trong quá trình triển khai lại thực hiện không nghiêm túc. Trong khi đó, công tác hậu thẩm định báo cáo ĐTM chưa được các DN và cơ quan quản lý quan tâm đúng mức. Rất nhiều DN đã hoạt động mà chưa có xác nhận hoàn thành các hạng mục BVMT của cơ quan phê duyệt ĐTM…
Tăng cường hậu kiểm
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển KT-XH. Tuy nhiên, đi đôi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là chất lượng môi trường tại nhiều địa phương xuống cấp nghiêm trọng. Thay đổi tư duy và cách làm là vấn đề cấp bách nhằm BVMT, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu. TS Mai Thanh Dung đề xuất cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ĐTM ở các bộ, ngành, địa phương để kịp thời chấn chỉnh sai phạm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế; tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị và tài chính để thực hiện hậu thẩm định báo cáo ĐTM…
Về phía các địa phương, ông Lương Y Dược, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần có quy định của pháp luật là phải có báo cáo ĐTM được phê duyệt thì mới đủ điều kiện để được giao đất hoặc cho thuê đất, cho phép khởi công xây dựng công trình. Chỉ khi có quy định này, các chủ dự án mới chấp hành nghiêm túc các cam kết BVMT. Bên cạnh đó, quy trình thẩm định báo cáo ĐTM phải được chuẩn hóa và công khai trong bộ thủ tục cải cách hành chính để các thành viên hội đồng thẩm định và các đối tượng có liên quan biết được những việc phải làm, trách nhiệm cần có và có sự giám sát chung.
Một số dự án không đáp ứng được các yêu cầu về BVMT đã bị từ chối, gồm: Nâng công suất nhà máy bia của Công ty CP Bia Nghệ An; Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 (Cần Thơ); sản xuất axit sulfuric tại cảng Hải Phòng; mở rộng và nâng công suất của Công ty Vedan tại Đồng Nai; sản xuất phân đạm của Công ty Hồng Hải tại Hải Phòng; nhà máy sản xuất thép của Công ty Posco tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); khu đô thị Golf Mê Linh; xử lý dầu thải của Công ty Lizhing tại Bắc Ninh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.