Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn loay hoay xử lý “hiện vật lạ”

Minh Ngọc| 09/12/2014 07:03

(HNM) - Trong khi Bộ VH-TT&DL chưa tìm được mẫu linh vật phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt thì các tỉnh, thành phố khá khẩn trương tiến hành di dời


Tiên phong nhưng vẫn chậm

Đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước quyết tâm dọn dẹp sạch hiện vật không phù hợp trong di tích, cơ quan, công sở. Tuy nhiên, kết quả thanh, kiểm tra thực tế của Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội tại 7 quận, huyện tồn tại nhiều "hiện vật lạ" cho thấy, mục tiêu này rất khó có thể "về đích".

Đôi nghê đá nhe nanh dữ tợn trước đình Thiết Úng, xã Vân Hà (Đông Anh).



Tại huyện Đông Anh, đôi sư tử đá, rồng đá còn rất mới, rõ tên người công đức vẫn sừng sững trước sân đình Nguyên Khê (xã Nguyên Khê) nhìn rất phản cảm. Cạnh đình Nguyên Khê, tượng Quan Âm Bạch Y nằm trong khuôn viên chùa Nguyên Khê cũng chưa được di dời. Phản cảm hơn, đôi nghê đá (nhìn giống sư tử) nhe nanh dữ tợn trước cửa đình Thiết Úng (xã Vân Hà) khiến ai nhìn vào cũng phải giật mình… Theo thống kê mới nhất của Phòng VH-TT huyện Đông Anh, toàn huyện có 127 hiện vật (sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá, tượng Quan Âm Bạch Y…) đang tồn tại trong các di tích nhưng hầu hết chưa được di dời. Tương tự, huyện Thanh Trì cũng mới xây dựng quy chế hướng dẫn di dời, xử lý, vì thế không ít "hiện vật lạ" vẫn "án binh bất động" tại các di tích, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Cá biệt, chùa Long Khánh, thôn Tranh Khúc (xã Duyên Hà) còn 2 tượng Quan Âm Bạch Y, một tượng sừng sững trước tòa tam bảo, một tượng ở sân chùa. Nhà tổ của ngôi chùa vùng đất bãi này cũng mới xuất hiện pho tượng bằng giấy bồi và hơn chục bức tượng sứ kích thước nhỏ…

Tiến bộ hơn hai địa phương trên, quận Bắc Từ Liêm và Long Biên đã hoàn thành việc di dời sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi di tích. Ngoài ra, quận Đống Đa đã di dời sư tử đá trước chùa Bộc (phường Quang Trung), chùa Mỹ Quang (phường Trung Phụng)… Sư tử đá tại chùa và đình Mộ Lao (phường Mộ Lao), chùa Mai Hoa (phường Phú Lương)… của quận Hà Đông cũng đã được xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn còn tồn tại không ít "hiện vật lạ" khác chưa được di dời.

Sự nỗ lực, quyết tâm của ngành văn hóa Hà Nội trong việc dọn dẹp văn hóa ngoại lai được Bộ VH-TT&DL đánh giá cao. Tuy nhiên, so với con số gần 1.400 "hiện vật lạ" đang tồn tại ở hơn 500 di tích trên địa bàn Hà Nội thì số hiện vật đã được xử lý chưa đáng là bao.

Bài toán chưa có lời giải

Mặc dù rất quyết tâm nhưng các quận, huyện, thị xã vẫn không thể hoàn thành việc di dời "hiện vật lạ" đúng thời hạn vì rất nhiều lý do. Như bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Anh bày tỏ: "Trong các cuộc họp, huyện Đông Anh luôn coi đây là một trong những vấn đề nóng, yêu cầu các xã, thị trấn phải ráo riết vào cuộc, thậm chí quy trách nhiệm cho ban quản lý di tích nếu để "hiện vật lạ" phát sinh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: Di dời hiện vật bằng cách nào, đưa đi đâu, xử lý thế nào? Nếu các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, chắc chắn việc di dời "hiện vật lạ" sẽ thực hiện được".

Chia sẻ kinh nghiệm di dời xong toàn bộ sư tử đá trong các di tích trước ngày 20-10, ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng VH-TT quận Long Biên cho hay: Trước hết, có thể khẳng định chủ trương này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và sự chỉ đạo quyết liệt của Quận ủy, UBND quận và các ngành chức năng trên địa bàn quận Long Biên. Trên tinh thần đó, quận thành lập các tổ kiểm tra, hướng dẫn các tiểu ban quản lý di tích, sư trụ trì, thủ từ, thủ nhang nhận diện các hiện vật không phù hợp; tuyên truyền, hướng dẫn, thuyết phục, rồi ký cam kết yêu cầu các di tích có hiện vật lạ phải tiến hành di dời. Trong quá trình triển khai, quận khuyến khích sự sáng tạo, linh hoạt của ban quản lý các di tích trong việc xử lý hiện vật, vì thế toàn bộ sư tử đá (30 con) đã được xử lý bằng cách đập bỏ tại chỗ, chôn ở góc vườn hoặc cho ra nghĩa trang canh mộ. Còn quận Đống Đa định hướng cho các di tích làm kho đưa "hiện vật lạ" vào hoặc đem trả cho người cung tiến…

Như vậy, một số địa phương đã có hướng xử lý đối với sư tử đá, còn các "hiện vật lạ" khác vẫn chưa tìm ra được cách nào phù hợp. Nguyên nhân được các địa phương chỉ rõ là ngành văn hóa các cấp chưa có hướng dẫn cụ thể để người dân có thể nhận biết thế nào là hiện vật thuần Việt, thế nào là hiện vật ngoại lai. "Lượng đèn đá được thống kê là hiện vật lạ trên địa bàn quận Long Biên hiện nay không giống nhau, ngay cả cán bộ văn hóa cũng không thể nhận biết chính xác. Để xử lý loại hiện vật này, nhất thiết các cơ quan chức năng phải đưa ra mẫu chuẩn về đèn đá", ông Nguyễn Trọng Duy phản ánh.

Cùng với đèn đá, việc di dời tượng Quan Âm Bạch Y ra khỏi di tích như thế nào cũng chưa có "đáp số". Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng VH-TT huyện Thanh Trì cho rằng: Sư tử đá được cung tiến vào di tích theo phong trào nên khi nhận ra hiện vật này không phù hợp thì người dân dễ dàng chấp nhận đưa ra khỏi di tích. Còn tượng Quan Âm Bạch Y khi được đưa vào di tích thường đi kèm với lễ "hô thần nhập tượng" nên rất khó vận động ban quản lý di tích và nhân dân chấp nhận việc di dời. Từ thực tế đó, ông Thủy kiến nghị ngành văn hóa nên phối hợp với Hội Phật giáo các cấp tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ vị trí, ý nghĩa của tượng bạch y, khi người dân hiểu rõ, việc di dời sẽ thuận lợi hơn.

Thực tế cho thấy, việc di dời dứt điểm "hiện vật lạ" ra khỏi di tích, cơ quan, công sở của Hà Nội chậm hơn so với mục tiêu đề ra (30-11). Song cách làm của một số địa phương trên địa bàn Hà Nội ít nhiều gợi mở cho ngành văn hóa một hướng nhìn mới, một cách tiếp cận mới về "hiện vật lạ" và xử lý "hiện vật lạ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn loay hoay xử lý “hiện vật lạ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.