Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn loay hoay tìm cơ chế

Quốc Bình| 19/04/2012 07:14

(HNM) - Bộ Nội vụ dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo nghị định về thu hút người tài trong tháng 4 này để trình Chính phủ ký ban hành. Văn bản này được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương khắc phục được tình trạng thu hút người tài vào làm cho các cơ quan nhà nước còn nặng về hình thức như hiện nay.


Còn nặng về hình thức

Nghị định về thu hút người tài là văn bản cuối cùng trong số những nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức chưa được hoàn thành. Không biết có phải do đây là vấn đề khó hay không mà dù Luật Cán bộ công chức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 đến nay đã gần hai năm rưỡi, nghị định hướng dẫn thi hành nói trên vẫn chưa xong. Chưa kể, trước đó, từ tháng 7-2007, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo nghị định về chính sách khuyến khích người có tài vào làm việc trong khu vực công, nhằm tìm cơ chế giữ chân công chức giỏi.

Trong khi đó, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và thực hiện chính sách thu hút người tài riêng về làm việc tại địa phương mình như Đà Nẵng, Hà Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long… Hà Nội cũng có chính sách thu hút người tài, điển hình nhất là tuyển thẳng các thủ khoa vào làm việc trong các cơ quan nhà nước của TP. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các chính sách mang tính đặc thù ở mỗi địa phương chưa đem lại nhiều hiệu quả tích cực, càng không đồng nghĩa giữa việc tuyển được người tài với nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị sử dụng.

Trong cuộc làm việc với Bộ Nội vụ mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: "Hà Nội không lo chuyện thu hút người tài, vì công tác cho Thủ đô vốn dĩ đã có sự hấp dẫn. Chúng tôi chỉ lo là chưa có cách thức cụ thể để tuyển được đúng người có năng lực, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn phục vụ công tác. Nếu chỉ có mỗi việc tuyển thẳng các thủ khoa thì chưa thỏa mãn yêu cầu này". Quả đúng như vậy, Hà Nội từng tuyển thẳng 8 thủ khoa vào làm việc trong các cơ quan TP, nhưng sau đó có đến 7 người đã "dứt áo ra đi". Thu hút người tài là một nhẽ, việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, giữ chân người tài mới là điều quan trọng, nhưng vẫn còn quá xa lạ, thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng.

Chính vì vậy, một văn bản hướng dẫn về chính sách đối với người tài mang tính quốc gia sẽ là kim chỉ nam cho các địa phương xây dựng các chính sách riêng cho mình. Thế nhưng, văn bản này liệu có giúp các địa phương giải bài toán khó này trong bối cảnh hiện nay hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Chờ đợi bước đột phá

Điều còn băn khoăn hiện nay là cần làm rõ đối với cơ quan hành chính nhà nước, ai là người tài cần thu hút, trọng dụng. Có phải thủ khoa là người tài và được tuyển thẳng vào bất kỳ cơ quan hành chính nào để làm việc ở bất kỳ vị trí nào hay không? Liệu những cán bộ, công chức hiện đang làm việc trong các cơ quan có cơ hội phấn đấu để được đối xử như người tài không? Đây cũng là những câu hỏi còn bỏ ngỏ bấy lâu nay. Do vậy, cần có định nghĩa chính xác nhất về người tài theo hai hướng này. Định nghĩa chính xác sẽ khiến các giải pháp dễ đi vào thực tiễn hơn.

Cơ chế về tiền lương, thu nhập là mấu chốt của vấn đề thu hút, trọng dụng người tài trong các cơ quan nhà nước. Trên thực tế, chúng ta vẫn chờ đợi những bước đột phá về vấn đề tiền lương cán bộ, công chức nói chung, chưa nói gì đến bảo đảm thu nhập cho người tài. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình mới đây cũng đã nói rõ những khó khăn của việc này. Cũng từ nguồn tin của Bộ Nội vụ, dự kiến lương cơ bản đến năm 2018 là 3 triệu đồng. Có thể hiểu rằng, cơ chế về lương cơ bản vẫn được duy trì, nên các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục bị bó cứng và rất khó có thể tạo bước đột phá về lương nhằm thu hút người tài. Tuy nhiên, lâu nay, nhiều địa phương đã thí điểm thành công những cơ chế riêng, mang tính đặc thù để đãi ngộ người tài như tặng nhà, cấp đất, thưởng lớn… Điều cần thiết là nghị định về thu hút người tài cần có những quy định theo hướng mở, cho phép các địa phương được vận dụng cơ chế, chính sách riêng phù hợp với điều kiện để trọng dụng được người tài.

Mặt khác, theo nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, một vấn đề cực kỳ quan trọng trong thu hút, trọng dụng người tài là phải đổi mới cơ bản cơ chế chọn lựa, đề bạt cán bộ, mở rộng dân chủ, thoát khỏi cách đánh giá cán bộ theo cảm tính và cảm tình, sắp xếp cán bộ theo phe cánh hoặc dàn xếp giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Có thể nói môi trường làm việc cũng là yếu tố quyết định đối với chính sách trọng dụng người tài. Vì vậy, đòi hỏi cấp thiết hiện nay là làm sao để Luật Cán bộ công chức góp phần khai thác được tiềm năng, nâng cao được trách nhiệm, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ công chức. Điều này có lẽ nên bắt đầu từ việc khắc phục tình trạng chậm ban hành những nghị định hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn loay hoay tìm cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.