(HNM) - Những năm gần đây, Hà Nội đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lên gần 20.000ha, nhưng năng suất vẫn chỉ đạt 4-5 tấn/ha. Tiềm năng NTTS của Hà Nội là rất lớn nhưng do người dân chưa định hình nuôi con gì là mũi nhọn, cộng thêm nhiều vấn đề chưa giải quyết được như: vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, chất lượng con giống kém, kiến thức hạn chế… nên hiệu quả chưa cao
Chưa biết nuôi con gì
Hà Nội có 30.000ha mặt nước nuôi thủy sản nhưng mới sử dụng gần 20.000ha; tổng sản lượng hằng năm 60.000-70.000 tấn nhưng năng suất thấp, chỉ đạt 4-5 tấn/ha. Do đó, nghề nuôi thủy sản của Hà Nội được đánh giá là không bền vững, nông dân ở các huyện vẫn đang loay hoay tự bươn chải để phát triển. Bất cập lớn nhất trong NTTS ở Hà Nội là các địa phương chưa định hình được nuôi con gì là chủ lực, nông dân vẫn nuôi các loại cá truyền thống, dẫn tới năng suất và chất lượng thấp. Anh Lê Văn Trắng ở xã Liên Châu (Thanh Oai) cho biết, với 7 năm nuôi thủy sản nhưng từ trước đến nay anh cũng chưa định hình được nuôi con gì là chủ lực để có lãi cao nhất. Thực ra, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho các hộ ở đây nên nuôi một loại con chủ lực như cá rô phi nhưng nông dân e ngại bởi chưa tạo được sự liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp và các siêu thị thì sau khi thu hoạch sẽ bán cho ai?
Ông Nguyễn Viết Để, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, trong khi rất nhiều địa phương khác ở khu vực đồng bằng sông Hồng đã hình thành đối tượng nuôi tập trung hàng hóa quy mô lớn và phát huy hiệu quả rất cao. Nhưng ở Hà Nội, vấn đề này vẫn còn mơ hồ, chưa có định hướng rõ ràng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó có nguyên nhân chất lượng con giống chưa bảo đảm, hiện toàn TP Hà Nội có 20 cơ sở sản xuất giống, mới đáp ứng 40-50% giống, còn lại nông dân phải nhập giống từ các tỉnh khác về nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó là vấn đề chất lượng con giống chưa được kiểm soát, kỹ năng của nông dân còn hạn chế. Trong khi quy hoạch vùng nuôi thủy sản của Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa công bố rộng rãi cho người dân biết, dẫn đến tình trạng nông dân mạnh ai nấy làm, không thành vùng tập trung. Tuy cũng đã có nơi hình thành khu nuôi cá tập trung với một loại chủ lực là rô phi như ở Cổ Đô (Ba Vì) nhưng kinh phí để đầu tư còn hạn chế.
Trợ giá cho đối tượng nuôi ban đầu
Ông Nguyễn Viết Để cho rằng, để người nuôi thực sự yên tâm với việc định hướng nuôi con nào là mũi nhọn, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu, biện pháp trước mắt là Nhà nước cần phải quan tâm và trợ giá cho các đối tượng nuôi này trong thời gian đầu cho đến khi các sản phẩm được nuôi với quy mô công nghiệp. Chỉ khi đầu tư rõ ràng, khoa học, con giống bảo đảm chất lượng, người dân mới có điều kiện nuôi thâm canh, hình thành vùng nuôi quy mô lớn. Khi hình thành vùng nuôi tập trung phải định hướng rõ ràng cho nông dân nuôi con gì là chính, để tiêu thụ nội địa hay hướng tới xuất khẩu.
Biện pháp quan trọng nhất là áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến và các vùng nuôi phải chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp, sử dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường để sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, tránh rủi ro khi nuôi. Hình thành các HTX, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước đứng ra làm trọng tài tránh tình trạng nông dân bị ép giá khi đến vụ thu hoạch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.