(HNMO)- Do những quy định về bảo vệ thực vật (BVTV) còn thiếu, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, nên việc quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV của cơ quan chức năng mãi vẫn như “đá ném ao bèo”.
Thiếu phòng phân tích
Theo báo cáo của Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có đến 99% lượng thuốc BVTV dùng trên cây trồng đang được sử dụng ở nước ta là nhập khẩu, trong đó chiếm đến 80% là nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuốc BVTV được nhập dưới 2 dạng, 1 là thành phẩm đã được bao gói và 1 dưới dạng nguyên liệu về gia công đóng thành gói bán lẻ trên thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Phùng Mai Vân, Thanh tra Cục BVTV, hiện nay việc phân tích cũng như nắm rõ về tác dụng, đặc tính của các loại thuốc BVTV tại các phòng phân tích, thí nghiệm trong cả nước còn quá ít. Nhiều trường hợp, đơn vị được phép nhập khẩu nguyên liệu thuốc về chế biến, đóng gói nhưng lại không có phòng phân tích, không có chuyên môn sâu. Bởi vậy, có thể dẫn đến việc người dân bị mua thuốc với giá đắt hơn hoặc không trừ được sâu bệnh. Bà Vân nhấn mạnh: “Nếu thuốc BVTV không được sử dụng đúng quy trình, không những không mang lại hiệu quả cao đối với việc phòng trừ sâu bệnh mà còn ảnh hưởng xấu đến bản thân người sử dụng, cũng như môi trường.
Bình quân mỗi năm các cơ quan chuyên ngành đã tiến hành lấy khoảng 4.000 mẫu thuốc BVTV nhập khẩu để kiểm tra chất lượng. Trong đó có khoảng 10% số mẫu kiểm tra không đạt chất lượng nhập khẩu. Những lô hàng này đều được tái xuất hoặc tái chế theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng thường xuyên lấy mẫu kiểm tra thuốc BVTV lưu thông trên thị trường. Tính riêng trong năm 2009 đã tiến hành lấy hơn 600 mẫu thuốc tại 15 cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV lưu thông trên thị trường ở 24 tỉnh, thành phố trên cả nước để kiểm tra, trong đó có 7 mẫu không đạt tiêu chuẩn.
Năm 2006, Nghị định số 26/2003/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật ra đời; trước đó, năm 2001, pháp lệnh bảo vệ và kinh doanh thực vật cũng đã có hiệu lực. Tưởng chừng đây sẽ là những cây gậy để cơ quan chức năng có thể tiến hành xử phạt, siết chặt công tác quản lý về kinh doanh, vận chuyển và sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng. Tuy nhiên, với mức phạt được các chuyên gia trong ngành BVTV đánh giá là quá nhẹ, do đó thiếu tính răn đe cũng như sự thực thi những quy định của pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật còn yếu. Đơn cử như, NĐ 26 quy định, mức xử phạt đối với hành vi kinh doanhthuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV cấm dưới 1kg chỉ bị phạt tiền 200- 500 nghìn đồng, tùy theo khối lượng kinh doanh.
Tái vi phạm như “nấm mọc sau mưa”
Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, nguyên nhân chủ yếu do các văn bản về quản lý bảo vệ và kinh doanh thực vật liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật như: thương mại, môi trường, hóa chất, đa dạng sinh học, an toàn thực phẩm... nên tính thống nhất trong một số quy định pháp luật còn chưa bảo đảm. Trong năm 2008- 2009, mỗi năm phạt vi phạm hành chính 2.000-3.000 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật bảo vệ và kinh doanh thực vật. Song, với mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên hiện tượng tái vi phạm còn khá phổ biến.
Thêm vào đó, mặc dù có quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng, vận chuyển thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm song theo Thanh tra chuyên ngành, kể từ khi có quy định đến nay, chưa 1 trường hợp vận chuyển, sử dụng thuốc BVTV sai quy định bị xử phạt. Theo phân tích, trước hết, người sử dụng thuốc BVTV đều là nông dân, còn vi phạm trong vận chuyển thì chưa có quy định nào nêu rõ, nhất là xe chuyên dụng để vận chuyển thuốc BVTV như thế nào. Hơn nữa, hầu hết lực lượng thanh tra, kiểm tra đều “ngại” kiểm tra mặt hàng này, vì nếu có bắt giữ cũng không biết lưu trữ ở đâu? Ngay trên địa bàn Hà Nội cũng chưa có điểm nào để có thể lưu giữ thuốc BVTV bị bắt giữ. Mặt khác, hầu hết các loại thuốc BVTV hiện nay đều không có quy định mức dư lượng tối đa cho phép trên cây trồng, nên bản thân người nông dân cũng không biết sử dụng như thế nào là hợp lý và đúng quy định.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV, bước đầu đã kiểm soát được mức dư lượng thuốc BVTV trong rau, quả, chè, song do kinh phí hạn chế nên các Chi cục BVTV mới chỉ sử dụng được phương pháp kiểm tra nhanh để kiểm tra chất lượng rau, quả. Ông Trung cho rằng, hiện hầu hết các thị trường nhập khẩu khó và kỹ tính đều yêu cầu rau, quả phải được sản xuất theo quy trình an toàn. Bởi vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường tính thực thi, nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực này thì quan trọng vẫn là phải nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV của nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.