Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là “bài toán” nan giải

Thống Nhất| 22/04/2018 06:21

(HNM) - Số học sinh/lớp vượt mức quy định, cơ sở vật chất lạc hậu, trang thiết bị dạy học thiếu thốn… là tình trạng khá phổ biến xảy ra tại nhiều trường học.


Trường Trung học cơ sở Sơn Công (huyện Ứng Hòa) xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay.Ảnh: Hồng Hạnh


Bộn bề công việc...

Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để không chỉ đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh mà còn bảo đảm môi trường học an toàn, đạt chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Thủ đô trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô học sinh trong độ tuổi đến trường tăng mạnh, nên tại nhiều trường học đã xảy ra tình trạng quá tải. Thậm chí, không ít lãnh đạo địa phương, nhất là ở các huyện, đành chấp nhận việc không hoàn thành tiến độ về tỷ lệ trường học đạt chuẩn bởi phải ưu tiên mục tiêu đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn. Vấn đề này càng trở nên “nóng” hơn khi chỉ còn hơn 1 năm nữa là các nhà trường sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thực tế cho thấy, khi chưa xoay xở đủ chỗ học cho học sinh, ít đơn vị có khả năng tính đến việc trang bị phòng chức năng, máy tính, máy chiếu hoặc nhiều thiết bị dạy học hiện đại khác, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Huyện Mỹ Đức hiện là một trong 4 đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp nhất thành phố (49,4%), cũng là đơn vị thuộc tốp cuối về tiến độ công nhận lại các trường đã đạt chuẩn. Ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện lý giải: Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn hạn chế, thu nhập của người dân thấp, trong khi mạng lưới trường học phần nhiều được xây dựng từ khá lâu, nay đã lạc hậu. Ngành Giáo dục huyện phải khắc phục bằng cách làm từng bước, chú trọng mục tiêu xây dựng đủ lớp, trường. Toàn huyện hiện còn 206 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp, nhiều trường thiếu phòng học nên phải ngăn đôi để học sinh có chỗ học. Khi chưa giải quyết được tình trạng này, Mỹ Đức chưa dám huy động mọi nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn.

Ba Vì cũng ở trong tình trạng tương tự khi còn 234 phòng học xuống cấp, phòng học nhờ. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lê Ngọc Tôn cho biết, đã tìm đủ cách song vẫn chưa có kinh phí để xây dựng mới phòng học thay thế cơ sở không bảo đảm an toàn. Cũng như nhiều đơn vị bạn, huyện Ba Vì đối mặt với tình trạng trang thiết bị dạy học thiếu thốn, lạc hậu. Vị trưởng phòng giáo dục không giấu nổi sự lo lắng khi chỉ còn 1 năm học nữa là tới thời điểm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn đang ngổn ngang; nhiều trường chưa có phòng học chức năng, phòng thí nghiệm, hoặc nếu có cũng chỉ là có “vỏ”, không “lõi”.

Ưu tiên nơi thiếu trường, lớp


Việc nâng cấp cơ sở vật chất có ý nghĩa quan trọng trong dạy và học, nhất là khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Nhật Nam


Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi các trường tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, sĩ số mỗi lớp không quá 35 học sinh ở cấp tiểu học, không quá 45 học sinh ở cấp THCS và THPT, số lượng phòng bộ môn, phòng máy tính cũng phải tăng so với hiện tại.... Trong khi đó, Hà Nội đang đứng trước mối lo quá tải trường học, nhất là tại các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa... và những nơi có khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh như Đông Anh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất.... Phải mất khá nhiều thời gian và công sức thì Hà Nội mới giữ ổn định sĩ số 40 học sinh/lớp tại các trường THPT. Nhưng, trong ba năm tới, mức này khó có thể giữ được khi theo thống kê sơ bộ, số học sinh ở cấp học này dự kiến tăng thêm 66 nghìn em.

Trước thực trạng nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã dành ưu tiên cao nhất cho việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Các đơn vị có trách nhiệm rà soát, xác định mức độ đáp ứng đối với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, trong đó lưu ý đến việc xóa phòng học xuống cấp, phòng học nhờ, phòng học tạm. Đây là giải pháp thiết thực để cải thiện chất lượng giáo dục, xóa dần khoảng cách về điều kiện dạy, học và chất lượng giáo dục giữa các địa bàn.

Căn cứ điều kiện thực tế, yêu cầu ấy đã được các đơn vị cụ thể hóa trong nhiệm vụ của mình. Đơn cử như quận Hai Bà Trưng, việc xây dựng, cải tạo, mở rộng trường và tăng cường cơ sở vật chất được xác định là giải pháp trọng tâm. Bà Trần Lưu Hoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, ngành GD-ĐT quận đang tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo để cải tạo, nâng tầng một số trường ở nơi khó khăn về quỹ đất, có số lượng học sinh tăng nhanh và tập trung xây mới một số trường ngay trong năm tiếp theo như Tiểu học Trung Hiền, Tiểu học Ngô Thì Nhậm, THCS Lê Ngọc Hân. Tại quận Thanh Xuân, theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Phạm Gia Hữu, mục tiêu của quận là mở rộng quy mô trường, lớp, giảm sĩ số các lớp để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng. Hai năm qua, quận Thanh Xuân đã dành gần 700 tỷ đồng cho việc này, góp phần giảm trung bình 3 học sinh/lớp ở các cấp học.

Với những nơi có khu công nghiệp, khu đô thị, Sở GD-ĐT dự kiến đề xuất thành phố có cơ chế buộc các chủ đầu tư khi xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị phải có trách nhiệm xây dựng trường học. Cùng với sự chủ động của các địa phương, đây được coi là giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng thiếu chỗ học, cải thiện trang thiết bị dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường.


Theo Quyết định số 37/2008/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD-ĐT quy định về phòng học bộ môn, với quy mô học sinh hiện có, số phòng học bộ môn của các trường trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 70% so với yêu cầu; tỷ lệ trường học có đủ trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hơn 50%.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là “bài toán” nan giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.