Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn khó đủ kiểu!

Triệu Dương - Chí Kiên| 19/02/2016 10:23

(HNM) - Từ ngày 1-2-2016, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã tổ chức ra quân xử lý người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), tuy nhiên đến thời điểm này, trên nhiều tuyến phố, không ít người đi bộ vẫn đi sai phần đường quy định... Từ thực tế này đặt ra điều gì? Làm gì để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên?

Một trường hợp người đi bộ bị CSGT xử lý tại khu vực Hồ Guơm.


Chưa nhận thức được vi phạm…

Tại ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài mặc dù đã qua gần 20 ngày thực hiện xử phạt người đi bộ vi phạm Luật GTĐB nhưng nhiều người vẫn "vô tư" sang đường không cần biết tín hiệu giao thông. Là người bị CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân khi không chấp hành tín hiệu đèn, vạch kẻ đường ở ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài, anh Tạ Viết Dũng (32 tuổi) quê Hà Tĩnh đã đưa ra hàng loạt lý do như "vừa đi khám mắt ở phố Bà Triệu, do mải nghe điện thoại không chú ý phần đường được phép đi”; "làm việc nhiều năm ở Hà Nội nhưng chưa chứng kiến hoặc bị kiểm tra, xử phạt lần nào nên không biết quy định mới"... Anh này cam kết sẽ thực hiện đúng quy định để không bị xử phạt, đồng thời chia sẻ; "Mức phạt từ 50.000 đến 120.000 đồng sẽ gây khó khăn do nhiều người không mang giấy tờ tùy thân, tiền, đặc biệt đối với sinh viên, học sinh hay người cao tuổi". Nhiều người có chung tâm tư như anh Tạ Viết Dũng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác.

Anh Lương Vương Linh ở 14 Ngô Thì Nhậm đồng tình với chủ trương xử lý tất cả các lỗi liên quan đến vi phạm giao thông, trong đó có việc xử lý người đi bộ. Đồng thời cho biết: "Có 3 vấn đề cần tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc để chủ trương này đi vào cuộc sống. Đó là nâng cao ý thức người dân, đáp ứng cơ sở hạ tầng cho người đi bộ và sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan thực thi pháp luật". Theo Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1, trong quá trình xử lý, nhắc nhở, CSGT gặp nhiều khó khăn do người dân chưa có thói quen sang đường đúng nơi quy định. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, bản thân không biết đã vi phạm Luật GTĐB. "Đối với người già, trẻ nhỏ hoặc người quên giấy tờ tùy thân, tiền thì cảnh sát sẽ nhắc nhở, tuyên truyền về kế hoạch xử phạt" - Đại úy Nguyễn Minh Đức cho biết thêm.

Tại một số khu vực ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, huyện Thanh Trì... cũng diễn ra tình trạng người dân vô tư băng qua đường dù đã có cầu vượt bộ hành, hầm chui... Quan sát tại điểm cầu vượt bộ hành trước Bệnh viện K Tân Triều, chỉ trong khoảng 30 phút đã có hàng chục người băng qua tỉnh lộ 70 luôn trong tình trạng tấp nập xe cộ, trong khi cầu vượt bộ hành ngay gần đó có rất ít người sử dụng. Bà Nguyễn Thị Hiên, người buôn bán ở khu vực gần cổng Bệnh viện cho biết, người dân không đi lên cầu vượt mà chọn cách băng qua đường là hình ảnh quen thuộc và cũng chưa thấy ai bị xử phạt.

…Và "thiếu" vỉa hè

Trên thực tế, cán bộ, chiến sĩ đã gặp không ít trường hợp khó xử phạt vì người vi phạm lấy lý do nhà hàng và quán ăn chiếm dụng vỉa hè, buộc họ phải đi xuống lòng đường. Lường trước được những khó khăn này nên sau ngày ra quân, lực lượng CSGT đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân.

Bên cạnh một thực tế là không ít người đi bộ thiếu ý thức khi tham gia giao thông thì một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người đi bộ. Tại nhiều tuyến phố trung tâm như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Cân, Lương Văn Can, Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Hàng Buồm, Hàng Than, Nguyễn Trường Tộ, Yên Phụ… vỉa hè rơi vào tình trạng có cũng như không. Người dân tận dụng các khoảng trống để dựng xe máy, bày bán hàng hóa... Thậm chí ở một số nơi, vỉa hè bị chiếm dụng, còn dưới lòng đường xe ô tô đỗ dài nên người dân muốn đi đúng luật, đi trên hè cũng khó. Ông Đỗ Ngọc Sinh (86 tuổi) ở 12B Hàng Than nói với chúng tôi: "Xe dựng kín hết lối đi thì chúng tôi đành phải đi xuống lòng đường. Biết là vừa nguy hiểm, vừa vi phạm luật nhưng không còn cách nào khác".

Theo cảnh sát giao thông Hà Nội, năm 2015 có 112 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, làm 81 người chết, 53 người bị thương… nguyên nhân như đã phân tích chủ yếu là qua đường tự do, tùy tiện, không chú ý quan sát, đi dưới lòng đường, đi không đúng nơi quy định... Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, ý thức của người đi bộ tham gia giao thông chưa cao. Khi các làn xe lưu thông đông đúc, nhiều người vẫn băng qua đường bất chấp nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông. Phòng CSGT Hà Nội đã tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố, trong năm 2016 cùng với các nhiệm vụ thường xuyên sẽ tập trung xử lý người đi bộ tham gia giao thông không đúng nơi quy định; đồng thời đã quán triệt tới các đơn vị, ngoài việc hướng dẫn, nhắc nhở người đi bộ vi phạm Luật GTĐB, cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ có trách nhiệm giúp đỡ những người già yếu, trẻ em... qua đường để phòng tránh nguy cơ tai nạn.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội:

Hiện nay cứ mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT hàng ngày phải chịu sức ép của 4.000 người và phương tiện tham gia giao thông trên đường, cộng với khó khăn khi xử lý vì nguyên nhân khách quan như vỉa hè có nơi chưa đáp ứng yêu cầu người đi bộ. Thời gian tới ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức người dân, lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử phạt răn đe để từng bước giúp người dân chấp hành đúng Luật GTĐB.

Bà Vũ Kim Tiến (80 tuổi), ở số 6, Ngõ 61, phố Phùng Chí Kiên:

Việc làm quan trọng nhất là đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông; đồng thời bảo đảm hạ tầng cho người đi bộ, chấn chỉnh lại việc sử dụng vỉa hè hiện nay ở một số tuyến phố sầm uất, đông người buôn bán.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn khó đủ kiểu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.