Văn hóa

Văn học về đề tài thiếu nhi: Gương mặt mới “thổi” sinh khí mới

An Nhi 03/03/2024 09:27

Liên tiếp những tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi được vinh danh trong các giải thưởng văn học, nghệ thuật uy tín gần đây đã cho thấy sự khởi sắc của mảng viết về đề tài này.

Đặc biệt, bên cạnh những nhà văn, nhà thơ lớn tuổi, có uy tín vẫn tích cực sáng tác, đã xuất hiện nhiều gương mặt mới đầy hứa hẹn đang "thổi" luồng sinh khí mới cho “mảnh đất” vốn lâu nay ít người “cày xới”.

doc-gia-tim-doc-cac-tac-pha.jpg
Độc giả tìm đọc các tác phẩm mới dành cho thiếu nhi tại Phố sách Hà Nội.

Diện mạo tươi mới, đầy đặn

Sự khởi sắc của mảng văn học viết về đề tài thiếu nhi có thể thấy rõ ở cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức. Số lượng 246 tác phẩm tham dự, trong đó có 102 tác phẩm thơ, 144 tác phẩm văn xuôi sau hơn một năm phát động, là khá đông đảo. Các tác giả tham dự có độ tuổi trải rộng từ 10 đến 95, ở khắp các vùng miền đất nước và có cả người Việt Nam ở nước ngoài.

Diện mạo văn học về đề tài thiếu nhi trở nên tươi mới, đầy đặn hơn khi có cả các tác giả kỳ cựu, uy tín như Lê Hồng Thiện, Võ Khắc Nghiêm, Ngân Vịnh, Đặng Huy Giang… và nhiều gương mặt mới như Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Mai Quyên, Nguyễn Xuân Lai…

Trong đó, Dương Thị Thảo Nguyên - cây bút sinh năm 1997 đoạt giải cao nhất - giải A, với bản thảo tác phẩm “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp”. Nữ tác giả 9X cho biết, tác phẩm lấy cảm hứng từ 5 lần viết sách thất bại, bị các đơn vị xuất bản từ chối của mình.

“Tôi “nhồi bông” những thất bại của mình vào chú mèo không bao giờ từ bỏ hy vọng, ước mơ. Con đường phía trước dù mịt mù, khó khăn, nhưng chính ước mơ là ánh sáng dẫn lối đến thành công. Đó cũng là thông điệp mà tác phẩm gửi đến các em nhỏ”, tác giả Dương Thị Thảo Nguyên chia sẻ.

Xuất hiện trong cuộc vận động lần này còn có Nguyễn Phong Việt - nhà thơ “best seller” với những tập thơ gây “sốt” trên thị trường khi bán hết hàng chục nghìn bản in. “Chúc ngủ ngon” là tập thơ cho thiếu nhi thứ ba của nhà thơ Nguyễn Phong Việt, gồm 30 bài thơ kể 30 câu chuyện của những người làm cha, làm mẹ đang làm bạn với con. Ngôn từ trong sáng, hồn nhiên, giàu hình ảnh, nhịp điệu trong tác phẩm khiến độc giả nhí “tan chảy” trong yêu thương và ấm áp.

Các tác giả khác góp mặt bằng những tác phẩm thơ văn đa dạng về đề tài, cách thể hiện, như bản thảo văn xuôi “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi” (Nguyễn Thị Cẩm Hà), tập thơ “Dắt mẹ đi chơi” (Mai Quyên), văn xuôi “Những đôi mắt khoảng trời” (Đào Quốc Vịnh), bản thảo văn xuôi “Con cáo lửa” (Phạm Thanh Thúy), bản thảo văn xuôi “Đi bắt nỗi buồn” (Nguyễn Thị Như Hiền), bản thảo thơ “Sông vừa đi vừa lớn” (Nguyễn Minh Khiêm)…

Bên cạnh cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 cũng vinh danh tác giả sinh năm 1996 Lê Quang Trạng với tập truyện dài cho thiếu nhi “Cá linh đi học”. Trước đó, tác phẩm được vinh danh là một trong 10 cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bản thảo tác phẩm từng lọt vào vòng chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3-2022 do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức...

Bồi đắp, làm giàu tâm hồn thiếu nhi

Nhiều năm viết về đề tài thiếu nhi và tham gia các hội đồng thẩm định tác phẩm, nhà văn Lê Phương Liên nhận định, thời gian gần đây, chất lượng các tác phẩm văn học thiếu nhi có sự chuyển biến mạnh mẽ, làm hiện diện rõ hình ảnh văn học thiếu nhi thế kỷ XXI và tiến gần với trào lưu văn học thiếu nhi thế giới, đặc biệt là thể loại giả tưởng. Nhiều tác giả trẻ hiện nay đã chọn những vấn đề hiện thực, gắn bó với đời sống của trẻ em nhưng lại đặt vào thế giới giả tưởng rộng mở và thú vị.

Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, các tác giả hiện nay viết về đề tài thiếu nhi rất sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, khuôn sáo.

“Điểm nổi trội nhất là các tác giả đã hạn chế những bài học gượng ép, giáo điều to tát, chú trọng đến khơi gợi trí tưởng tượng trong từng chi tiết nhỏ của đời sống. Các tác phẩm không chỉ giúp cho trẻ em cảm nhận được tình yêu cuộc sống, con người mà còn giúp các em hiểu biết và yêu thương thế giới xung quanh, biết tránh xa những thói hư tật xấu, đồng thời cũng thúc đẩy khả năng hòa đồng, khám phá thế giới, tạo tiền đề cho khơi mở tư duy sáng tạo”, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định.

Ở góc độ người viết, nhà thơ Nguyễn Phong Việt tâm sự, điều thôi thúc anh bước vào “địa hạt” này là cảm thấy trên thị trường ít tác phẩm thơ, văn mới cho thiếu nhi. Vì vậy, anh muốn góp sức mình để các bạn nhỏ nước nhà có nhiều cơ hội tiếp cận tác phẩm của tác giả Việt Nam, đặc biệt là thơ ca. Còn tác giả Dương Thị Thảo Nguyên chia sẻ, là một giáo viên tiếng Anh, chị mong thêm nhiều tác phẩm văn học hay, ý nghĩa để góp phần bồi đắp và làm giàu tâm hồn trẻ thơ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có lần nhận định: “Văn học thiếu nhi là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại”. Hành trình “đánh thức” văn học thiếu nhi đã có khởi đầu thành công và tràn đầy hứa hẹn thêm những dấu ấn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn học về đề tài thiếu nhi: Gương mặt mới “thổi” sinh khí mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.