Với sự hấp dẫn, lay động, dễ đi vào lòng người, từ nhiều năm qua, văn học, nghệ thuật không chỉ là hình thức giải trí mà đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đạo đức, nhân cách con người nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng.
Những tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến đề tài xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang hiện thực hóa chủ trương lớn của thành phố trong việc giữ gìn được nếp sống, cốt cách người Hà Nội trong dòng chảy đời sống hiện đại.
Những sáng tạo đầy thuyết phục
Thời gian gần đây, văn học, nghệ thuật Thủ đô xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, ý tưởng hay về chủ đề tôn vinh nét đẹp văn hóa, lối ứng xử thanh lịch, nếp sống văn minh của người Hà Nội. Vở kịch nói “Trái tim người Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội, do Nghệ sĩ ưu tú Phùng Tiến Minh đạo diễn luôn kín vé mỗi lần có lịch biểu diễn. Vở diễn về đề tài chiến tranh nhưng đầy lãng mạn và nhân văn. Giữa khốc liệt của bom đạn, những người con Hà Nội hiện lên thanh lịch, kiêu hãnh, nhiệt huyết và tràn ngập tình yêu đất nước.
Bộ phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn gây “sốt vé” gần đây không chỉ cho người xem hiểu về những ngày tháng oanh liệt trong cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô mà còn khắc họa hình ảnh những người Hà Nội hào hoa, lãng mạn. Từ đó, mỗi người thêm trân quý mảnh đất mình đang sống, những con người mang khí chất Hà Nội và khơi dậy niềm yêu mến những “biểu tượng” giản dị của Hà Nội như hoa đào, phở, đàn piano...
Trong lĩnh vực văn học, có thể kể đến những tác phẩm “Con giai phố cổ”, “Thị dân tiểu thuyết” (Nguyễn Việt Hà); “Quân khu Nam Đồng”, “Đi trốn” (Bình Ca); “Đi dọc Hà Nội”, “Hà Nội còn một chút này” (Nguyễn Ngọc Tiến); “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội” (Đỗ Phấn); “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” (Vũ Thế Long); “Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” (Hồ Công Thiết)… Trong đó, ở thời kỳ, giai đoạn, hoàn cảnh nào, chân dung người Hà Nội cũng hiện lên đầy tinh tế, hào hoa, lịch lãm… khiến người đọc mê thích, đắm chìm.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, các nghệ sĩ cũng tập trung sáng tác về đề tài này. Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội hằng năm chiếm hầu hết là các tác phẩm về vẻ đẹp của Thủ đô và người Hà Nội. Trong triển lãm lần thứ 53 - năm 2023, ấn tượng với công chúng có tác phẩm “Người lưu giữ hồn tranh Hàng Trống”, “Làng nghề trồng đào Nhật Tân truyền thống”… khắc họa vẻ đẹp của những người Hà Nội cần cù, chịu khó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa… Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô do Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức vào tháng 10 hằng năm cũng quy tụ phần lớn tác phẩm sáng tác về chủ đề này. Nhiều tác phẩm trong triển lãm năm 2023 để lại ấn tượng sâu đậm với công chúng, như “Cổng làng xóm huyện”, “Ngõ phố”, “Công việc hằng ngày”...
Cần chuyển động mạnh mẽ hơn
Sáng tác về Hà Nội luôn là thách thức với văn nghệ sĩ. Nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ, Hà Nội là đề tài bất tận và thời thượng của văn chương nhưng làm sao viết để ra chất Hà Nội không hề dễ. Bên cạnh những tác phẩm tốt, có nhiều tìm tòi sáng tạo, vẫn còn không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật. Thậm chí, cá biệt có sản phẩm cổ xúy cho hành động tiêu cực, bạo lực..., tác động xấu đến giới trẻ.
Tiến sĩ Đặng Chí Thông (Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội) cũng chỉ ra rằng, đời sống văn học, nghệ thuật Thủ đô còn thiếu vắng tác phẩm phản ánh sâu sắc hơi thở cuộc sống lao động, xây dựng Thủ đô hiện đại, hội nhập và giao lưu quốc tế; không có nhiều tác phẩm hấp dẫn, tạo nên tiếng vang đề cập trực diện về sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức, nhân cách con người, có tác dụng cảnh báo…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) gợi mở, các hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tùy theo chức năng chuyên môn cần có và thường xuyên có các công trình, tác phẩm với các thể loại khác nhau phản ánh những mặt tốt đẹp tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực trong văn hóa, lối sống truyền thống của con người các địa phương hợp thành Hà Nội hiện nay. Các hình thức có tác dụng trực quan, nhanh, hiệu quả là tranh châm biếm, tiểu phẩm…, tiếp đến là các tác phẩm lớn, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật để thu hút công chúng.
Khẳng định cần thiết phải có sự chuyển động mạnh mẽ trong sáng tác văn học, nghệ thuật nhằm khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh người Hà Nội; nâng cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc đóng góp xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm cho rằng, Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được ban hành thời điểm này vô cùng thiết thực. Đảng đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đang xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung vào định hướng, cổ vũ văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm chất lượng; phát huy vai trò của các chi bộ, đảng viên uy tín trong việc lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội thời kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.