Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học không thể mang tính toàn cầu

Phương Nam| 29/01/2012 07:07

(HNM) - Ba mươi năm Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chỉ là 1/10 của chiều dài lịch sử thành phố hơn 300 năm. Cũng chưa thể là dài so với dòng chảy lịch sử văn học Việt nói chung, hay của vùng đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng.

Nhưng trong suốt 3 thập kỷ qua, vào "quãng giữa" - những năm 1975-1990, đã có một thế hệ nhà văn được mệnh danh "Thế hệ vàng" của văn chương thành phố mang tên Bác.

Đó là những tên tuổi cho đến nay vẫn đang tiếp tục ghi dấu ấn trong đời sống văn học đương đại như: Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng, Lê Thị Kim, Nhật Chiêu, Huỳnh Như Phương, Cao Vũ Huy Miên, Phạm Sỹ Sáu, Lý Lan, Lưu Thị Lương, Trương Nam Hương, Đỗ Trung Quân…

Hànộimới đã có cuộc chuyện trò với ba gương mặt thơ “thế hệ vàng”: Hồ Thi Ca (HTC), Thanh Nguyên (TN), Lê Minh Quốc (LMQ).

- Anh (chị) có thể chia sẻ suy nghĩ về “nghề” - “nghiệp” viết của mình?

- LMQ: Đi bộ đội về, vào trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tôi bắt đầu có thơ in trên báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, báo Tuổi trẻ v.v… Sau đó, tôi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập lực lượng TNXP và nhiều giải thưởng thơ khác. Đến nay, tôi vẫn viết như thuở mới vào nghề.

- TN: “Nghề” thì không phải vì tôi không sống bằng thu nhập từ những bài thơ của mình! “Nghiệp” thì có lẽ đúng vì qua chừng ấy năm tôi vẫn còn làm thơ ! Một vài bài thơ của tôi bây giờ còn được nhắc tới đều viết về chính gia đình mình, bạn bè mình (“Ngày xưa có mẹ”, “Khi biết yêu người ta bắt đầu nói dối”) hoặc những bài thơ viết về cái thuở ban đầu của TNXP thành phố…

- HTC: Với tôi, đó là sống và không tách rời cuộc sống. Năm 1980 để có truyện ngắn “Cây cô đơn” đoạt giải Văn học Thành đoàn lúc bấy giờ, tôi đã từng trải qua khoảng một năm ròng làm “nghề” lơ xe tải, hòa mình vào cùng với những con người dưới đáy xã hội. Muốn hư cấu gì gì trong văn chương thì cũng phải trên nền tảng vốn sống thật, bằng không thì sáng tác cứ như truyện giả tưởng…

- Vậy, với các anh (chị) đâu là bí quyết tạo nên sức “trẻ” trong ngòi bút của mình?

- LMQ: Viết như một nội lực tự thân.

- TN: Tôi không thể viết kiểu “già” và “giả” nếu muốn người trẻ đọc ! Bí quyết thì vẫn là viết “tự nhiên và hồn nhiên”. Vì nếu cố “trẻ”, người đọc sớm muộn cũng nhận ra sự khiên cưỡng.

- HTC: Ông bà ta nói “văn ôn võ luyện”, theo nghiệp viết mà không “mài bút” hằng ngày thì nhanh chóng bị “khô mực” thôi. Riêng tôi, có lẽ “sức trẻ” khá bền bỉ cũng nhờ công việc tác nghiệp báo chí của một nhà báo. Tôi không sợ thiếu thực tế, mà cái thiếu nhất đối với tôi là thiếu thời gian!

- Ở một thành phố năng động, đời sống văn chương được đánh giá là có nội lực và tầm vóc, nhưng hoạt động lại có vẻ trầm lắng. Theo anh (chị) vì sao?

- LMQ: Đời sống cơm áo gạo tiền chi phối năng lực sáng tạo của người viết trẻ. Có mấy ai sống bằng nghề viết? Phải thêm nghề khác.

Dần dà viết lách trở thành phụ, thành “tay trái”.

- TN: Một thành phố năng động đồng nghĩa với nhiều công việc, nhiều áp lực, nhiều thú vui (tốt lẫn xấu)… nhưng văn chương vốn không là thứ để trưng bày cũng không là mảng miếng dùng để biểu diễn nên có vẻ mất hút trong các thứ năng động bề nổi ấy. Nội lực, bút lực sung sức thì có rồi đó nhưng để có tác phẩm “tầm vóc” thì cần chờ vào tài năng và sự bộc phát của mỗi cá nhân…

- HTC: Mỗi nhà văn nhà thơ là một vũ trụ, phần đông họ tự vận động cùng những đứa con tinh thần của họ. Còn nói về đời sống văn học lại là chuyện khác. Nếu nó trầm lắng, có thể do Hội Nhà văn thành phố chưa đủ hấp lực để quy tụ những người làm nghề viết. Tờ báo Văn nghệ cho thành phố lớn này cũng “nay ốm mai đau” thì đất đâu cho anh em dụng võ?

- Anh (chị) nghĩ gì về nhận xét đối với các cây bút trẻ hiện nay: Mới, lạ, táo bạo nhưng mang cái “tôi” cá nhân hạn hẹp và ít tính thuần Việt?

- LMQ: Người viết, họ đang viết, đang định hình, nhận xét nào dù khen hay chê cũng khó chính xác.

- TN: Tôi thấy có thể hiểu được. Khi chọn cách làm mới, lạ, táo bạo các bạn trẻ trước hết thí nghiệm ngay trên chính mình, sẽ không ai trách vì “tôi nói tôi” mà! Hãy cho các bạn ấy thêm thời gian trải nghiệm để đưa được cái hồn của cuộc sống vào tác phẩm của mình.

Chúng tôi và các bạn viết trẻ bây giờ có những thiên thời - địa lợi - nhân hòa khác nhau. Chúng tôi không được tài trợ hiện kim nhưng lại được cuộc sống gian khó cho không rất nhiều vốn sống. Chúng tôi chưa biết internet là gì nên văn chương giữ được tính “thuần Việt” cao! Và điều chính yếu là vì mọi người chưa có nhiều lựa chọn phương tiện thông tin - giải trí nên thơ văn chúng tôi dễ có lối đi vào lòng người đọc…

- HTC: Tôi không phải là nhà phê bình nên khó nhận định về các đồng nghiệp trẻ. Tuy nhiên, tôi có thể dám chắc với các bạn viết trẻ rằng rượu đế vẫn đậm đà, hợp khẩu vị và được đông đảo người Việt ưa chuộng hơn rượu wishky nóng gắt!

- Hiện tại, văn chương của thế giới đang đi theo một số xu hướng nội dung như Đa chủng tộc - Multiracial, Giao lưu văn hóa - Acculturation, Văn học xanh (văn học sinh thái) - Écoliterature… Nhưng văn chương TP Hồ Chí Minh hình như vẫn chưa “chạm” được vào những vấn đề mang tính “toàn cầu” này?

- LMQ: Ai dám quả quyết rằng, đã đọc hết, đọc kỹ tác phẩm của anh em viết tại TP Hồ Chí Minh.

- TN: Lớn lao quá, tôi không dám lạm bàn! Tuy nhiên theo tôi biết văn chương thành phố đang vẫn có “chạm” ít nhiều vào vài xu hướng nêu trên, nhưng hình như cũng mới chỉ là tự phát (như tôi chẳng hạn cũng đã làm vài bài thơ, như bạn thông tin, về xu hướng “văn học xanh” đấy chứ !).

Nên chăng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cần mở những chuyên đề giới thiệu, giải thích về các xu hướng sáng tác cho các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ?

-HTC: Tôi không viết theo xu hướng mà viết ra cái mình nung nấu. Một tác phẩm hay được đông đảo công chúng công nhận chứng tỏ được viết theo xu hướng tốt. Tôi nghĩ văn học không thể mang tính toàn cầu, nó phải là những sáng tạo rất cá biệt…

- Anh (chị) có hy vọng vào một “Thế hệ vàng” của văn chương TP Hồ Chí Minh trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI?

- LMQ: Hy vọng thì cứ hy vọng, nhưng hy vọng ấy có trở thành hiện thực hay không còn là chuyện khác.

- TN: Không phải hy vọng mà là kỳ vọng.

- HTC: Tôi luôn luôn tin điều này sẽ xảy ra. Chẳng lẽ một thành phố hơn 10 triệu người lại không nhặt ra được vài chục anh viết được? Còn việc nhặt ra được hay không còn tùy nhiều yếu tố: cơ chế, đãi ngộ, chính sách…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học không thể mang tính toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.