Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa trách nhiệm - động lực của phát triển

Nguyễn Thanh Xuân| 31/01/2022 11:43

(HNM) - Những năm gần đây, khái niệm văn hóa trách nhiệm trong vai trò động lực phát triển đã được đề cập tại nhiều diễn đàn cũng như phương tiện thông tin đại chúng với lăng kính khác nhau. Như một ngạn ngữ phương Tây thì “Một dân tộc muốn hùng mạnh, thì mỗi cá nhân trong đó cũng phải là những người có ý thức cao, biết suy nghĩ cho cộng đồng”… Ở điểm nhìn này, văn hóa trách nhiệm có thể hiểu là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, là trách nhiệm thực thi công vụ vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Cán bộ bộ phận “một cửa” quận Long Biên giúp đỡ người dân tra cứu thông tin quy hoạch. Ảnh: Nhật Nam

Văn hóa trách nhiệm từ những điểm nhìn

Văn hóa trách nhiệm là nền móng cho sự hình thành, phát triển của mỗi nhà nước, dù là quân chủ hay dân chủ, với nhiều quốc gia, còn là thước đo phẩm giá con người. Từ nền tảng truyền thống, người phương Đông và phương Tây có cách nhìn khác nhau về văn hóa trách nhiệm, nhưng đều có điểm chung là tôn nghiêm nhân cách.

Ở châu Âu, tinh thần quý tộc, tinh thần hiệp sĩ đã để lại cho đời sống đương đại tư duy sống rất đáng ngưỡng mộ, như: Thượng tôn mỹ đức, danh dự và tinh thần gánh vác trách nhiệm. Minh chứng cho điều đó là quy tắc bất thành văn trong nghề tàu biển: Khi con tàu bị đắm, thuyền trưởng sẽ là người cuối cùng rời khỏi tàu, hoặc chìm theo con tàu. Tinh thần gánh vác trách nhiệm đã tạo nên một châu Âu liên kết với nhiều nền văn minh đồ sộ và những người dân trọng danh dự, thẳng thắn, hào phóng.

Ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, trách nhiệm như một sợi dây xuyên suốt giá trị văn hóa tinh thần, ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người dân và tạo nên một xã hội gắn kết ở mức độ cao. Hình ảnh những con người dù đói khát vẫn lặng lẽ xếp hàng chờ cứu trợ sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 là một dẫn chứng hết sức cô đọng về nhân cách của người Nhật Bản, về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Chính hai chữ “trách nhiệm” là nền tảng để làm nên “Hiện tượng thần kỳ Nhật Bản” rất đáng ngưỡng mộ.

Với các triều đại phong kiến Việt Nam, văn hóa trách nhiệm được thể hiện qua đạo nghĩa quân thần “trung quân ái quốc”, “tận tâm, tận lực gánh vác sơn hà”... Tinh thần ấy, trách nhiệm ấy đã làm nên những vàng son lịch sử chất chứa niềm tự hào với mỗi con dân nước Việt. Trong thời đại mới, cùng với việc đề cao tinh thần vì cộng đồng, văn hóa trách nhiệm sớm được định hình cùng đạo đức công vụ - hướng tới một công vụ liêm chính, là động lực phát triển quốc gia, dân tộc.

Trong bài “Tinh thần trách nhiệm” trên Báo Nhân Dân số ra ngày 13-12-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v..., là không có tinh thần trách nhiệm…”. “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. “Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư, tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm…”.

Thời điểm hiện tại, từ điểm nhìn văn hóa, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu xã hội học Thang Văn Phúc nhận định: Văn hóa là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ và đạo đức công vụ là cơ sở để thực thi trách nhiệm công vụ. Việc xây dựng và không ngừng bồi đắp văn hóa, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng và cần thiết trong lộ trình hướng đến một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ.

Khi trách nhiệm công vụ được đề cao, văn hóa cá nhân được phát huy, những biểu hiện “dĩ hòa vi quý” sẽ được thay bằng những tiếng nói riêng trong công việc chung và “sự im lặng đáng sợ” ở những “công bộc” tại nhiều cơ quan công quyền sẽ được thay bằng thái độ mạnh mẽ trước những hành vi nguy hại đến sự phát triển. Những người nắm trong tay quyền lực sẽ phải chịu trách nhiệm ngày càng cao cho mỗi quyết định của mình, biết phải làm gì trước những ham muốn là biểu hiện của cái xấu, cái ác… 

Tạo “động lực” mới từ tinh thần phụng sự

Văn hóa trách nhiệm, tinh thần công vụ là phẩm cách con người trong “tấm áo” công bộc. Thế nhưng, khoác lên mình “tấm áo” ấy không phải ai cũng giữ được phẩm giá, cũng hết mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Khi những “đầy tớ” của dân “đánh mất” văn hóa trách nhiệm cũng là lúc động lực phát triển bị triệt tiêu.

Thực tế cho thấy, rất nhiều vấn đề đạo đức lối sống “ở mức báo động” đang kìm hãm sự phát triển của quốc gia, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Đó là tình trạng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, vấn nạn tham nhũng vặt; là lối sống vị kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; là thói đạo đức giả, dối trá, làm ăn phi pháp, bất chính; là các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy tội… len lỏi trong các cơ quan công quyền…

Đánh mất văn hóa trách nhiệm, các công bộc của dân đã khiến cho hàng loạt dự án “nghìn tỷ”, như: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi, Ethanol Phú Thọ… bị “đắp chiếu” không chỉ gây thất thoát, lãng phí tiền bạc của Nhà nước, của người dân; triệt tiêu những cơ hội phát triển, mà còn làm cho niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, vào tương lai của đất nước bị lung lay.

“Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”; “chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân”… là những giải pháp lớn mà Đảng, Nhà nước đã chỉ ra để căn chỉnh “đời sống công vụ”.

Để văn hóa trách nhiệm lan tỏa trong đời sống xã hội như một động lực phát triển, trước hết phải tạo ra môi trường đề cao tính minh bạch, trung thực, khách quan… Một môi trường văn hóa được xây dựng trên nền tảng trách nhiệm sẽ tạo động lực “kép” cho sự phát triển và hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi những người lãnh đạo biết nhận về mình trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình và có lòng tự trọng của một “công bộc”. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cho rằng “khi cấp trên càng sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát, thì cấp dưới càng ít sáng tạo”, do vậy để văn hóa trách nhiệm, văn hóa sáng tạo (yếu tố nền tảng của kinh tế sáng tạo - một xu thế phát triển của thế giới) lan tỏa trong môi trường thực tế, thì lãnh đạo phải là người soi đường và truyền cảm hứng…

Văn hóa trách nhiệm - cũng có thể hiểu là văn hóa phụng sự, do vậy không thể không nói đến việc xây dựng hệ giá trị cũng như hoàn thiện các tiêu chí đánh giá công bộc của dân trên cơ sở tinh thần nêu gương và thượng tôn pháp luật. Mặt khác, thường xuyên giám sát về đạo đức công vụ; uốn nắn những hiện tượng lệch chuẩn; xử lý nghiêm khắc những hành vi vô trách nhiệm, những biểu hiện “mất chất”… Căn chỉnh của xã hội là hết sức cần thiết bên cạnh các yếu tố tu dưỡng tự thân! Và để có một cộng đồng cùng hướng tới sự phát triển chung, điều quan trọng nhất là: “… hãy có được những con người đúng lên chuyến xe, đưa những người chưa đúng rời khỏi chuyến xe và xếp người đúng ngồi vào đúng chỗ…”.

Tạo môi trường cho văn hóa trách nhiệm lan tỏa trong đời sống với vai trò động lực của sự phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho hôm nay và cho tương lai thịnh vượng của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa trách nhiệm - động lực của phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.