(HNM) - Dù sao dời vật đổi, dù cơn lốc đô thị hóa mạnh mẽ tràn qua…, làng vẫn tồn tại với những lớp giá trị lịch sử, nhân văn riêng có và là sợi dây kết nối bền chặt văn hóa truyền thống, văn hóa cộng đồng. Văn hóa làng thấm đẫm trong mỗi con người và như nhà văn Hoài Thanh đã nói một cách hồn hậu rằng, trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê.
Làng trong phố, phố trong làng
Trong trái tim mỗi người đều có một ngôi làng. Thăng Long - Hà Nội trong mắt nhiều nhà nghiên cứu cũng là một ngôi làng - ngôi làng lớn chứa đựng nhiều làng nhỏ. “Làng trong phố” phản ánh một “thế giới” đô thị mang đặc trưng Kẻ Chợ - Kinh kỳ. Người làng nghề ra chốn đô hội kinh doanh, buôn bán theo bạn, theo phường, lập nên “ba sáu phố hàng” thâm nâu mái ngói chất chứa hồn quê. Theo chiều dài năm tháng, trên nhiều con phố quanh hồ Tây, những chiếc cổng làng đã nhô ra mặt đường, nhưng vẫn còn đó bóng mẹ liêu xiêu đằng đẵng chờ con qua những cuộc trường chinh khốc liệt. Rồi thành phố ngày càng rộng dài hơn, những ngôi làng cũ đong đầy tuổi thơ của không ít người Hà Nội, như: Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công… cũng trở thành khu dân cư sầm uất trong lòng thành phố với những cửa hiệu rộn rã bán mua…
Và phố nhưng vẫn thấp thoáng cong vút mái chùa, vẫn đình đám, hội hè. Nói cách khác, tâm thức làng vẫn ẩn chứa trong từng con phố, trong mỗi gia đình. Lối tư duy cố hữu, phong cách Nho gia được rèn giũa qua đằng đẵng thời gian sau lũy tre làng không bị phồn hoa “đánh đổ”. Những Hồ Khẩu, Yên Thái, Võng Thị vẫn yên ả thanh bình bên hồ Tây bảng lảng; những tiếng trống hội vẫn rộn rã trên các con phố Giảng Võ, Thành Công. Và như nhà văn Hoài Thanh từng nói “trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê”, thành thử cái chất “thôn làng” đôi lúc lại trỗi dậy trong cung cách ứng xử của người “hàng phố”. Nói như vậy để thấy: Làng chính là cội nguồn của Hà Nội và làm nên những giá trị văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội.
Ở chiều ngược lại, cùng với việc mở rộng thành phố, cơn lốc đô thị hóa ào ạt tràn vào các làng quê. Phía sau những chiếc cổng làng, những không gian nhuộm màu quá khứ của cây đa, bến nước, sân đình là sự dồn nén từ sự dịch chuyển trong tâm thức cộng đồng.
Tư duy phố, phong cách phố vào làng mang đến những nét khang trang, hiện đại là không thể phủ nhận. Thế nhưng, những con đường bê tông hóa phẳng phiu xóm dưới, làng trên thay cho những con ngõ lát gạch ẩn chứa lệ làng, những ngôi nhà cao tầng đủ kiểu kiến trúc thay cho những nếp nhà ba gian hai chái hằn sâu trong tâm thức… dường như đang lấp đi một phần hồn cốt làng quê. Chưa kể karaoke xập xình, chát chúa đêm ngày; rồi nữ tú váy ngắn sênh sang, nói cười ngả ngớn; nam thanh may ô, quần cộc “quất” xe máy ầm ầm… Không gian thanh bình, yên ả lục cục mõ trâu, cái e ấp dập dìu trai gái làng mỗi khi vào hội chỉ còn trong hoài niệm. Đáng nói hơn, trong mỗi người, những chằng chịt “dây mơ, rễ má” dòng tộc vẫn còn, nhưng sự “kính trên, nhường dưới”, “tối lửa tắt đèn” không được như xưa nữa. Đụng chạm một chút đã có thể “lời qua tiếng lại”, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”… Với nhiều người xa xứ, nơi “chôn nhau cắt rốn” không còn những hình ảnh đong đầy ký ức tuổi thơ.
Ngay cả những ngôi làng cổ được bảo tồn một cách nghiêm ngắn - như nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu và có sức hút đặc biệt với du khách bốn phương, như Đường Lâm, Cự Đà, Ước Lễ, Đông Ngạc cũng đang vật vã với những điều còn - mất của văn hóa làng. Nói về sự chuyển hóa của cộng đồng trong các làng quê những năm vừa qua, một nhà văn xứ Đoài đưa ra khái niệm phố - làng, phố trong làng với nhiều lo lắng, khi hồn cốt làng quê đang bị phôi phai cùng tiến trình đô thị hóa, không ít nông dân chuyển thành thị dân.
Văn hóa làng, văn hóa Việt
Từ làng lên phố và quá trình đô thị hóa là không thể tránh, nhưng dẫu không gian làng, tâm thức làng có nhạt nhòa phần nào trong thời hiện đại, thì trong mỗi người làng, nơi ấy vẫn ăm ắp những điều thiêng liêng, giản dị. Làng vẫn là sợi dây kết nối bền chặt mỗi cá nhân với cộng đồng, là gốc gác ăn sâu, bám rễ trong tâm thức người Việt.
Làng Việt là “đất thiêng”, nơi “sinh - trưởng - tụ - về” của mỗi con người. Sau lũy tre làng là một cộng đồng được liên kết chặt chẽ bởi quan hệ nghề nghiệp, tín ngưỡng, láng giềng và đặc biệt là dòng tộc với những quy định riêng có - lệ làng, “phép vua thua lệ làng”, “giàu ở làng, sang ở nước”. Học hành, đỗ đạt thì trở về làng “vinh quy bái tổ”, “công thành danh toại” thì công đức cho làng, đi ngược về xuôi buôn buôn, bán bán ở đâu, ngày hội làng cũng về dự lễ… Tính “cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm” làm nên sự cố kết cộng đồng là đặc trưng của làng xã Việt Nam. Đặc trưng ấy đã giữ cho làng xã Việt Nam yên bình vững vàng trước những yếu tố ngoại lai trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nhà - làng - nước là những thực thể gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời. Làng xã chính là cái nôi gắn kết mỗi con người, tạo nên khối đoàn kết cộng đồng, là động lực phát triển, cũng là sức mạnh Việt Nam.
Trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn, nhiều làng quê đã chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Và những làn sóng công nghệ mới thâm nhập vào đời sống làng nghề, làm nên những điều kỳ diệu cho các sản phẩm truyền thống, tạo nên những giá trị mới mang yếu tố thời đại. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống người làng ngày càng khấm khá hơn, đình chùa, di tích được tu bổ tôn tạo, lễ hội được phục dựng… Rồi những mô hình khai thác không gian văn hóa làng gắn với những giá trị lịch sử được hình thành, như: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… đem đến sắc thái mới cho nhiều miền quê. Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác, những yếu tố tiêu cực, mặt trái của tiến trình này đã, đang tác động mạnh mẽ đến đời sống nông thôn, làm phai nhạt giá trị truyền thống, phá vỡ không gian cũng như những chuẩn mực văn hóa vốn là đặc trưng của mỗi làng quê. Đây là điều thật sự đáng lo ngại, bởi làng Việt chính là căn cốt của nước Việt.
Văn hóa vừa là động lực, vừa là tài nguyên. Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa làng có vai trò đặc biệt quan trọng với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến - đất trăm nghề nói riêng và đất nước nói chung. Trong thời đại hội nhập, quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra với tốc độ của những cơn lốc. Những cái mà người quê vô tình đánh mất hôm nay, rất khó tìm lại trong tương lai. Do vậy, cần hình thành một tư duy mới trong tiếp cận văn hóa và triển khai hệ thống giải pháp căn cơ, bài bản hơn để ngăn chặn sự suy thoái cũng như những biểu hiện lệch chuẩn trong đời sống văn hóa làng. Từ đó xây dựng những giá trị mới trên nền tảng tốt đẹp của văn hóa truyền thống, để mỗi làng quê trên đất Thủ đô không chỉ là nơi đáng sống, mà còn mang đậm nét đặc trưng của nông thôn mới Hà Nội.
Văn hóa làng - nguồn tài nguyên vô tận cho cảm hứng sáng tạo, cũng là phương tiện của sự sáng tạo để mang đến những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn mới cho con người, những chủ thể của văn hóa làng, xã. Văn hóa làng - văn hóa Việt chính là sợi dây kết nối truyền thống văn hóa trong mỗi người dân nước Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.