Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa khán giả

Người Lái Đò| 19/06/2011 06:45

(HNM) - Những chiếc vé mời xem chương trình độc diễn kịch câm của nghệ sĩ Nhật Iimuro Naoki do Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản gửi tặng đến tay tôi cũng là lúc chuông điện thoại reo liên hồi.

Đầu dây bên kia, người bạn từ miền Nam say sưa kể về những trải nghiệm đặc biệt của chương trình, về tài năng của Iimuro Naoki và sức hút của đêm diễn tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng, kèm theo đó là tiếng thở dài: "Rất tiếc là đêm diễn kịch câm bị pha trộn quá nhiều âm thanh từ phía khán giả. Điện thoại, nói chuyện riêng, tiếng người ta ăn uống ngay trong khán phòng…".

Sự háo hức của tôi trước đêm diễn của Iimuro Naoki ngày 11-6 tại Nhà hát Tuổi trẻ chùng xuống. Iimuro Naoki rất nóng lòng dâng hiến cho khán giả Thủ đô những màn trình diễn ấn tượng nhất, trong đó có "Sự cân bằng của tạo hóa" từng đoạt huy chương vàng tại Delphic Game lần 3-2009. May mắn thay, cuối cùng, khán giả Hà Nội hôm ấy đã tạo sự cộng hưởng cho buổi diễn của Iimuro Naoki.

Một người bạn nước ngoài đã than thở rất nhiều về chương trình nghệ thuật "Bóng", kết hợp hát văn và piano của nghệ sĩ Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên, vừa được trình diễn tại Hà Nội vào ngày 28-5 vừa qua. Lời than thở không phải về tài năng biểu diễn xuất sắc của Phó An My và tiếng hát giàu nội lực của những nghệ sĩ hát văn, mà là về một số khán giả có mặt trong chương trình. Xem cùng với người bạn nước ngoài ở rạp Công Nhân, tôi nghe tiếng ngáy khò khò không khoan nhượng của một vị khán giả ngay sau lưng mình, tiếng trò chuyện suốt buổi diễn của hai vị khán giả khác cùng hàng ghế. Một khán giả khác liên tục nghe điện thoại, bất chấp lời đề nghị ngay từ đầu của BTC. "Tôi rất tiếc là không thể thưởng thức trọn vẹn sự hòa quyện độc đáo giữa phần hát văn cổ của các nghệ sĩ Việt Nam cùng tiếng đàn piano lả lướt và mạnh mẽ của Phó An My vì có quá nhiều hành động "vô ý của khán giả", người bạn buồn rầu.

Những vấn đề về văn hóa khán giả vẫn tồn tại ở các chương trình nghệ thuật khác. Đêm nhạc Trịnh Công Sơn mang tên "Bóng núi" gần đây, diễn ra tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, vẫn có nhiều khán giả nói chuyện riêng, sử dụng điện thoại di động, hoặc gác chân lên ghế, không để ý rằng mình làm phiền người xung quanh - những người đã dành ra cả một buổi tối quý báu và một số tiền không nhỏ (từ 1 triệu đến 3 triệu đồng) để mong được thưởng thức trọn vẹn chương trình nghệ thuật đặc biệt này.

Văn hóa khán giả, đó là sự cộng hưởng đầy mạnh mẽ cho một chương trình nghệ thuật. Đó không phải là chuyện nhỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.