LTS: Ngày 23-4 (Ngày sách và bản quyền thế giới), tại Việt Nam sẽ diễn ra một sự kiện văn hóa quan trọng, đó là Ngày hội đọc sách 2011 do Bộ VH,TT&DL tổ chức. Hànộimới xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, người có nhiều bài thuyết trình thú vị về văn hóa đọc.
Đọc sách để làm giàu
Một chuyện không phải bàn cãi nữa: Nền kinh tế tri thức là quan trọng nhất trong thế kỷ XXI này. Giá trị 1 ngày hay 1 giờ lao động từ bộ não là vô biên trong khi cùng thời gian đó, giá trị từ sức lao động chân tay thấp hơn rất nhiều.
Nhiều người thành công nhờ chăm chỉ đọc sách. Ảnh: Bảo Lâm |
Một ví dụ mà ai cũng phải giật mình (mặc dù có thể đã biết) là cậu sinh viên Mark Zuckerberg đi vay 1 nghìn đô la Mỹ và lập ra facebook để rồi facebook ngày nay có giá 60 tỷ đô la. Có mấy ai biết rằng, Zuckerberg đọc rất nhiều, có vốn hiểu biết đáng kính nể và anh làm việc miệt mài. Còn biết bao tấm gương thành công nhờ đọc sách nữa minh chứng cho sức mạnh của kinh tế tri thức.
Muốn đất nước phát triển, chúng ta cần những trí thức, trong đó mỗi người phải hội đủ 3 chữ "thức". Đầu tiên là kiến thức (thu nhận từ sách, cuộc sống), nhưng kiến thức cũng không quan trọng bằng cách thức (cách làm thật) và cuối cùng, quan trọng hơn cả là nhận thức. Chúng ta cần thay đổi nhận thức về văn hóa đọc ở quy mô toàn dân. Đọc sách phải trở thành nhu cầu bình thường của cuộc sống.
Vậy vấn đề đặt ra là ai đọc sách. Tôi khẳng định rằng, những người thành đạt và thành đạt bền vững đều đọc rất nhiều. Bản thân thành đạt là đóng góp nhiều cho đất nước và xã hội. Tôi cũng biết rõ rằng, những chính trị gia, những người làm công tác xã hội đọc hằng ngày, hằng giờ. Họ đọc và học từ sách rất nhiều!
Bạn sẽ hỏi tôi, vậy những người không đọc (hay ít đọc) có thành công và bền vững hay không. Tôi cho rằng, vẫn có thể. Nhưng nếu họ đầu tư vào đọc sách thì chắc chắn sẽ thành công hơn, mang lại nhiều lợi ích và giá trị cho chính mình, cho đơn vị và cộng đồng hơn.
Qua khảo sát sơ bộ, rất đáng tiếc là phần đông trong dân số Việt Nam (là nông dân) vẫn chưa có điều kiện đọc sách. Vì các lý do khác nhau, số lượng sách họ đọc hằng năm còn rất thấp. Và nếu cứ với tình trạng này thì sự chênh lệch giữa thành phố và nông thôn về cả dân trí lẫn kinh tế ngày càng chênh lệch. Tôi mong sách về nông thôn nhiều hơn!
Theo thống kê, năm 2009 Việt Nam xuất bản 25.589 đầu sách và 273,583 triệu bản sách. Mỗi người trung bình mua 3,3 cuốn sách và đọc 2,8 cuốn (trong đó khoảng 80% là sách giáo khoa). Như vậy là người Việt chúng ta mua sách ít, đọc không nhiều. Còn thư viện ư? Ðến năm 2010, "phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm". Như vậy, dựa vào 2 con số từ ngành xuất bản và thư viện, chúng ta có thể tự đánh giá về văn hóa đọc hiện tại.
Một "thiết bị lọc" cho người đọc
Bằng kinh nghiệm và khảo sát riêng trong quá trình làm việc của mình, tôi thấy rằng, bạn đọc của chúng ta vẫn còn một bộ phận hay (và thích đọc) những sách thuộc nhóm "lá cải". Những cuốn sách liên quan đến sex, vụ án và chém giết, chuyện giật gân, chuyện tranh nhiều hình, ít chữ. Rất may mắn là chúng ta cũng thấy nhiều nhóm bạn đọc tâm huyết với sách, tri thức, tìm đọc những tác phẩm có chất lượng, mang những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần cho chính mình và xã hội. Chúng ta sẽ đồng ý với nhau rằng, nếu ta đọc gì, xem gì thường xuyên, chắc chắn ta bị ảnh hưởng. Vậy nên, chọn sách để đọc, chọn phim để xem, chọn chương trình để giải trí vô cùng quan trọng.
Tôi luôn nghĩ, vai trò của các nhà xuất bản, các công ty sách, các thư viện và cả các nhà sách là "đọc lọc" đầu tiên để chọn sách giúp bạn đọc. Chính những người làm ra và mang sách đến tay bạn đọc cần nêu cao hơn trách nhiệm của mình. Bởi sách là văn hóa, là tri thức, là tương lai của chính chúng ta và cả xã hội. Nếu vì lợi nhuận mà ai đó, cơ quan nào đó nhắm mắt làm liều thì lợi bất cập hại, kiếm được ít tiền nhưng cái hại thì lớn hơn nhiều.
Một con số cũng làm không ít người suy nghĩ: Thế giới hiện nay có khoảng 2 tỷ người dùng máy tính và internet. Ở Việt Nam, con số này là 31% dân số. Đây chính là 2 mặt của cuộc sống. Internet rất thuận tiện, nhưng mặt khác nó có thể dẫn ta đi về "bóng tối" nếu ta đọc, xem những thứ độc hại. Tôi muốn nhấn mạnh đến nhóm các bạn trẻ vì có đến 20 triệu dân Việt Nam thuộc nhóm tuổi "teen" (từ 10 đến 20 tuổi). Nếu các em không được trang bị những "thiết bị lọc", nếu không được người lớn hướng dẫn thì có thể sa ngã và không kiểm soát được mình.
Đọc sách in rất tốt. Đọc sách điện tử (bản pdf hay các định dạng khác) cũng rất tốt. Ngày nay đã có cả sách nói. Đọc bằng hình thức nào, ở đâu cũng không quan trọng bằng đọc cái gì. Nếu đã chọn được sách có giá trị để đọc thì dù có đọc ở thư viện hay ở nhà, đọc sách in hay trên máy tính cũng đều tốt cả. Chỉ sợ nhất là ngụy biện rằng không có thời gian và đọc những cuốn sách không có giá trị, nhất là sách lậu.
Ngày 23-4 năm nay Bộ VH-TT&DL tổ chức Ngày hội đọc sách Việt Nam 2011, đó là cơ hội tốt để bạn đọc chung tay xây dựng văn hóa đọc ở đất nước ta. Ai đọc, đọc gì và đọc ở đâu thực sự là câu hỏi thiết thực với cuộc sống của chúng ta hôm nay và cả ngày mai. Ngày 23-4 tới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ là ngày hội của những ai yêu thích sách và trân trọng tri thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.