Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa doanh nghiệp là đòn bẩy để Petrovietnam phát triển

Thanh Hải| 06/09/2022 07:18

(HNM) - Với các giải pháp quản trị điều hành hiệu quả, linh hoạt, đặc biệt là quản trị biến động, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị toàn ngành dầu khí trong vòng 3 năm trở lại đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) không những trụ vững trong gian khó mà còn vươn lên đầy ngoạn mục. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Petrovietnam.

Cán bộ, kỹ sư ngành dầu khí luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

- Ông có thể chia sẻ vì sao quản trị biến động là trọng tâm trong phương châm hành động của Petrovietnam suốt 3 năm qua?

Petrovietnam là một tập đoàn kinh tế có quy mô lớn hàng đầu đất nước hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện - năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Với mô hình quản trị gồm công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết lên tới hàng trăm công ty. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam gắn với nhu cầu thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, như: Dầu thô, khí đốt, điện, xăng dầu, phân bón... Bên cạnh đó, Petrovietnam còn là một doanh nghiệp đặc thù, vừa đại diện cho nhà nước quản lý hoạt động dầu khí, vừa là một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường... Vì thế, Petrovietnam là một bộ máy rất lớn, vận hành liên tục, đồng bộ, chịu tác động mạnh mẽ bởi cả môi trường bên ngoài lẫn các yếu tố bên trong. Các tác động này có thể giúp bộ máy hoạt động mạnh mẽ hơn nếu quản trị tốt, cũng có thể khiến bộ máy suy yếu nếu không hạn chế được tiêu cực.

Thực tế trong nhiều năm qua, quản trị biến động đã thấm sâu, trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, không chỉ ở công ty mẹ mà còn ở tất cả các đơn vị thành viên. Petrovietnam luôn chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học công nghệ, của môi trường tự nhiên, chính trị, xã hội..., từ đó nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp tương ứng. Quản trị biến động là yếu tố rất quan trọng mà trong những năm gần đây Petrovietnam luôn đặt lên hàng đầu, sau này vẫn sẽ tiếp tục như vậy, bởi bản chất của vạn vật là luôn vận động, thay đổi không ngừng để phát triển.

- 7 tháng năm 2022, sản lượng khai thác dầu thô, cung ứng khí - điện cùng các sản phẩm năng lượng khác của Petrovietnam đều vượt kế hoạch, các chỉ tiêu tài chính rất khả quan. Các giải pháp quản trị đã đóng góp như thế nào vào kết quả đó, thưa ông?

Trước hết, cần nhìn lại bài học quản trị của năm 2020. Khi giá dầu xuống mức thấp nhất trong lịch sử bởi tác động của dịch Covid-19 và thị trường dầu khí, phương châm của Petrovietnam lúc đó là bằng mọi cách phải tối ưu giá trị trong từng lĩnh vực, đưa chi phí, giá vốn về mức “cạnh tranh sống còn”. Vì tài chính khó khăn nên phải nỗ lực vượt khó, đồng thời chắt chiu, tận dụng mọi cơ hội để triển khai sản xuất, kinh doanh an toàn. Với những phương châm hành động đó, Petrovietnam đã vượt qua năm 2020 một cách ngoạn mục với tổng doanh thu trên 566 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 83 nghìn tỷ đồng và đạt lợi nhuận hợp nhất trên 19,9 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2021, khi đã đưa giá vốn về mức cạnh tranh nhất (tối ưu), phải tiếp tục tối đa nó bằng cách kết nối các đơn vị lại với nhau, để đưa các tài sản đã đầu tư vào sử dụng một cách hiệu quả nhất và phải đưa doanh thu lên mức tối đa. Trong năm 2021, Petrovietnam đã đạt tổng doanh thu trên 640 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 112,5 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là đạt mức lợi nhuận hợp nhất cao nhất từ năm 2015 đến nay, xấp xỉ 52 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục đà tăng trưởng đó, năm 2022 dự báo sẽ đánh dấu thêm một cột mốc mới của Petrovietnam cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, nộp ngân sách. Sản lượng khai thác của Petrovietnam từ đầu năm 2022 đến nay đã vượt kế hoạch 22% và tương đương với cùng kỳ năm 2021, mặc dù các mỏ đang trên đà suy giảm. Đó là nhờ các giải pháp quản trị kết hợp với khoa học công nghệ mà Petrovietnam đang áp dụng để cố gắng giữ mức sản lượng ổn định trong 3 năm trở lại đây.

- Thời gian qua Petrovietnam rất quyết liệt trong chuyển đổi số. Tổng Giám đốc có thể cho biết, lộ trình chuyển đổi số của Petrovietnam cho đến thời điểm này đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số có ý nghĩa chiến lược đối với bất kỳ doanh nghiệp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh. Ngay từ năm 2019, Petrovietnam đã thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, sau đó là lựa chọn và thuê các đơn vị tư vấn để xây dựng tầm nhìn và chiến lược chuyển đổi số trong toàn Petrovietnam.

Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng và chính thức có được chiến lược về chuyển đổi số, có lộ trình tổng thể dài hạn về chuyển đổi số và tầm nhìn số, từ đó thúc đẩy thay đổi mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Tổng Giám đốc có thể chia sẻ thêm về định hướng, mục tiêu của Petrovietnam trong thời gian tới?

Nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của Petrovietnam là phải giữ vững được thành quả đã đạt được. Điều này cũng không đơn giản bởi dự báo trong những tháng cuối năm 2022 sẽ có nhiều bất lợi. Do đó, Petrovietnam phải xây dựng kế hoạch dự phòng, tận dụng cơ hội để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 và có tính dự phòng trong năm 2023.

Bước sang năm 2023, phương châm hành động của Petrovietnam cần dựa trên nền tảng của phát triển những năm qua, đặc biệt là trong năm 2022, tiếp tục củng cố và đổi mới công tác quản trị mà quản trị biến động là trọng tâm; tiếp đến là quản trị dựa trên nền tảng số đã hình thành trong những năm qua; tiếp tục thúc đẩy kết nối các nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ các dự án lớn; mở rộng hợp tác đầu tư phát triển và kinh doanh quốc tế dựa trên lợi thế về quan hệ của Việt Nam với các nước và thị trường, tập trung tại Đông Nam Á, Nga và Trung Đông, Bắc Mỹ...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa doanh nghiệp là đòn bẩy để Petrovietnam phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.