Trái tim nhân ái

“Nắng ấm” đã về với Kho Vàng

Minh Tiến 22/10/2024 - 15:05

Tròn một tháng sau buổi khởi công tái thiết thôn Kho Vàng (Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp cùng chính quyền tỉnh Lào Cai tổ chức, nhóm phóng viên đã trở lại nơi đây và cảm nhận được không khí làm việc hết sức tích cực, khẩn trương của nhà thầu và các công nhân. Tất cả vì một mục tiêu người dân Kho Vàng sẽ được đón nhà mới, chậm nhất vào ngày 31-12-2024.

“Vượt nắng, thắng mưa" để công trình về đích đúng tiến độ

Hôm nay đã là hơn một tháng cơn bão Yagi đi qua, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề với nhiều địa phương miền Bắc nói chung và xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nói riêng. Tại một số địa phương khác, cuộc sống dường như đã trở lại bình thường. Nhưng tại thôn Kho Vàng người dân vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; thậm chí nỗi lo về những cơn lũ ống, lũ quét vẫn có thể ập về bất cứ lúc nào, lấy đi tính mạng, tài sản của người dân.

Cũng vì thế mà không chỉ cánh phóng viên mà chính quyền, người dân ở đây cũng rất quan tâm, mong ngóng công trình tái thiết thôn mới sớm được hoàn thành. Có mặt tại khu vực công trường xây dựng vào buổi sáng sớm, dù mưa to, chúng tôi có thể cảm nhận được không khí tích cực, khẩn trương của nhà thầu cũng như các công nhân. Tất cả vì một mục tiêu người dân Kho Vàng sẽ được đón nhà mới, chậm nhất vào ngày 31-12-2024.

Khác với ngày khởi công, hôm nay mặt bằng cho gần 40 căn nhà đã được chính quyền địa phương bàn giao cho nhà thầu. Cũng đã có thêm một con đường mới mở để thuận lợi cho việc chở nguyên vật liệu lên khu vực thi công. Và mừng hơn cả là nhiều căn nhà được các công nhân đào móng, chuẩn bị đổ bê tông; có căn đã “lên tường"… Hình hài một khu dân cư mới đã dần dần hiện ra…

585-202410221416332.jpg
Một công trình đã thành hình.

Thời tiết tại Cốc Lầu rất khắc nghiệt, những cơn mưa rừng đã khiến cho con đường chở nguyên vật liệu ngập trong bùn nhão, nếu không phải là một tài xế chuyên nghiệp, quen đường thì rất dễ “sa lầy". Mưa dứt, lại đến cái nắng chói chang ập xuống khiến cho anh em công nhân rất dễ mệt mỏi, xuống sức.

Anh Bùi Văn Thắng, quản lý một trong nhiều đội thi công tại công trình cho biết, trước việc mưa lớn có thể ảnh hưởng đến công tác vận chuyển nguyên vật liệu, anh đã bàn với nhà thầu huy động xe hai cầu và máy xúc. Đoạn đường nào khó đi quá thì sẽ dùng máy xúc san gạt, hoặc kéo xe tải cố gắng tập kết đủ vật liệu. Cũng theo anh Thắng, để bảo đảm tiến độ các công nhân sẵn sàng tăng ca, làm thêm ca đêm. Dự kiến khoảng 10 ngày dựng xong phần thô một căn nhà, còn việc hoàn thiện sẽ được xong trong cuối tháng 12.

585-202410221416333.jpg
Đường vào bản Kho Vàng cũ hết sức hiểm trở.

Nỗi đau còn đó

Để có thể hiểu hơn những băn khoăn lo lắng của người dân, chúng tôi được sự giúp đỡ của lãnh đạo xã Cốc Lầu đã mượn được mấy chiếc xe máy để vào thăm thôn Kho Vàng cũ. Xuất phát từ địa điểm xây khu định cư mới, chúng tôi men theo con sông Chảy, tiến sâu hơn, cao hơn vào trong khu đồi núi trập trùng.

Người Mông, người Dao có thói quen sống trên những vùng đất cao, cao nhất khu vực - cho nên để có thể đến được thôn Kho Vàng cũ, chúng tôi phải vượt qua hàng chục dốc cao dựng đứng. Theo anh Ma Seo Chứ, trưởng thôn Kho Vàng thì mới một năm trước, con đường bê tông rộng 3,5m, dài khoảng 7-8km dẫn vào Kho Vàng đã được Nhà nước làm hoàn thiện.

Tuy nhiên, trước mắt tôi con đường này đã hoàn toàn… biến mất. Nhìn xuống vực sâu hun hút, chúng tôi chỉ nhìn thấy một số mảng bê tông vỡ tan nát. Nhưng tang thương nhất là khi chúng tôi chạm bước đến những căn nhà đã bị dòng lũ cuốn mất.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lý Thị Toòng vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại trận lũ lịch sử đêm 9-9. Trời mưa to liền hai ba ngày, nước sông Chảy ban đầu chỉ ngấp nghé đường bê tông, thì sau đó cứ cuồn cuộn đổ về. Đêm đó, chỉ nghe tiếng nước gầm gào như tiếng máy bay, rồi hàng tấn nước bất ngờ đổ ụp, cuốn bay ngôi nhà mà hai vợ chồng tích cóp bao nhiêu năm mới xây lên được. Chị Toòng và mấy đứa con trai đã may mắn thoát nạn, song chồng và bố chồng chị đã bị dòng nước lớn cuốn đi. Nhiều ngày sau, người ta mới tìm thấy xác anh ở tận Yên Bái, cách nhà đến 150km.

585-202410221416334.jpg
Mẹ con chị Lý Thị Toòng bên căn nhà nay chỉ còn là những mảnh vụn bê tông.

Cũng sau trận lũ, gia đình chị và nhiều gia đình bị mất nhà khác đã được chính quyền địa phương và đồng bào cả nước quan tâm, thăm hỏi và hỗ trợ. Các con của chị cũng được một số tổ chức nhận chăm sóc, tặng học bổng. Đặc biệt, gia đình chị cũng nằm trong danh sách được nhận một căn nhà tại bản mới.

“Nắng ấm” về trên quê hương

Chia tay chị Toòng, chúng tôi tiếp tục lên đường về bản Kho Vàng cũ, nơi có 17 hộ dân đã đi chạy lũ cùng trưởng bản Ma Seo Chứ. Anh Ma Seo Thái là một trong những người dân hiện vẫn đang ở bản cũ, vì phải chăm mẹ già ốm, con thơ. Vợ anh thì tranh thủ đi gặt để chuẩn bị lương thực cho mùa đông sắp tới. Khi được biết tin gia đình mình được Nhà nước cấp cho một căn hộ ở khu tái thiết mới, hai vợ chồng anh ôm nhau mừng đến chảy nước mắt.

Chị Hạng Thị Say chia sẻ, chị rất biết ơn các cấp lãnh đạo đã thực sự lo lắng cho những người dân bé nhỏ như chị, cũng như những người dân ở trong thôn: “Ơn này chúng tôi, các con, các cháu sẽ không bao giờ quên".

Trưởng thôn Ma Seo Chứ khẳng định, người dân thôn Kho Vàng ai ai cũng biết ơn đồng bào cả nước đã chung tay giúp đỡ các hộ dân trong cơn hoạn nạn. Họ cũng rất xúc động khi biết Petrovietnam phối hợp với các cấp lãnh đạo trong tỉnh tái thiết một khu dân cư mới, có nhà văn hóa, có trường tiểu học… Rồi anh bắt tay chúng tôi mãi, không rời.

Buổi sáng khi chúng tôi đến Cốc Lầu thì trời còn mưa to, mà giờ đây khi chia tay Chứ, chia tay đồng bào thì trời bỗng hửng nắng.

Những vạt nắng mới báo hiệu cho một tương lai tốt đẹp sẽ đến với người dân Kho Vàng.

Chắc chắn là như vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nắng ấm” đã về với Kho Vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.