Khu vực Nam Tây Nguyên đang trong đợt mưa lớn bất thường, gây lượng nước lớn, nguy cơ ngập lụt cao. Một số hồ thủy điện đã thực hiện tốt chức năng cắt lũ, giảm thiểu thiệt hại vùng hạ lưu. Tuy nhiên, nguy cơ ngập lụt vẫn hiện hữu.
Hiệu quả bước đầu
Mấy ngày qua, lưu vực thượng nguồn hồ thủy điện Buôn Tua Srah thuộc các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông liên tục hứng chịu các đợt mưa lớn. Nước từ thượng nguồn đổ về hồ chứa có lúc lên đến 700m3/giây vào đỉnh lũ (đêm 31-7). Tuy nhiên, do lưu lượng dự phòng hồ chứa lớn, Thủy điện Buôn Tua Srah đã thực hiện tốt chức năng cắt lũ cho hạ du.
Số liệu do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (vận hành Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah cung cấp ngày 1-8 cho thấy, doanh nghiệp đã chuẩn bị dung tích phòng lũ trong hồ chứa lên đến 250 triệu mét khối, nên đã thực hiện tốt chức năng chứa nước cắt lũ.
Tương tự, các số liệu từ đơn vị vận hành Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận (thượng nguồn sông La Ngà) tại tỉnh Bình Thuận cho thấy, trong đợt cao điểm lũ (các ngày 30 và 31-7 vừa qua), lượng nước về hồ chứa có lúc lên đến hơn 927m3/giây. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị tốt, hồ thủy điện Hàm Thuận đã cắt toàn bộ cơn lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du các huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Hiện, mực nước hồ Hàm Thuận đang ở cao trình hơn 592m, cách mực nước dâng bình thường hơn 12m. Với dung tích phòng lũ hiện tại, hồ Hàm Thuận sẽ tiếp tục đảm bảo an toàn cho hạ du tỉnh Bình Thuận khi bước vào cao điểm mùa mưa trên lưu vực sông La Ngà.
Các hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3 và 4 tại tỉnh Lâm Đồng nằm trên thượng nguồn sông Đồng Nai cũng đã thực hiện tốt chức năng cắt lũ. Mấy ngày qua, tổng lượng nước về hồ thủy điện Đồng Nai 3 lên đến gần 44 triệu mét khối, nhưng các hồ chứa đã giữ trọn lượng nước này.
Theo Công ty Thủy điện Đồng Nai, dung tích còn lại của hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3 đang còn tới 630 triệu mét khối nước; mực nước hiện tại còn cách mực nước dâng bình thường đến 13m, nên sẵn sàng tiếp nhận nước lũ, nếu thượng nguồn sông Đồng Nai vẫn có mưa lớn trong những ngày tới.
Doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia điều tiết lượng nước chạy máy về hạ lưu để bảo đảm hiệu quả công suất cắt lũ của hệ thống hồ chứa.
Vẫn còn lo ngại
Trước việc mưa lớn liên tục trút xuống khu vực Nam Tây Nguyên (thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai và La Ngà) những ngày qua, dự báo còn tiếp diễn trong những ngày tới, việc một số nhà máy thủy điện phải xả lũ là việc khó tránh khỏi.
Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, có ít nhất 4 dự án thủy điện khi xả lũ, sẽ gây ảnh hưởng đến vùng hạ nguồn. Đó là các thủy điện Đồng Nai 5 (sông Đồng Nai), Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi (sông La Ngà) và một dự án ở hạ lưu Trị An.
“Hiện, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 đã xả lũ từ sáng 31-7; Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 cũng đã xả lũ từ chiều 31-7. Các nhà máy thủy điện hạ lưu sông Đồng Nai đang tiếp nhận lượng nước này. Tuy nhiên, nếu việc xả lũ kéo dài, vùng hạ du sẽ bị ảnh hưởng”, thông tin của Chi cục nêu rõ.
Tính đến sáng 1-8, nhiều khu vực trũng thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (huyện Tân Phú) và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (huyện Định Quán); ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán của tỉnh Đồng Nai đang xuất hiện mực nước dâng, nguy cơ gây ngập nhiều điểm.
Một nguy cơ cũng đang được cơ quan chức năng và các địa phương tính đến nếu xảy ra trường hợp hồ thủy điện Trị An phải xả lũ. Đây là hồ thủy điện dung tích lớn ở thượng nguồn sông Đồng Nai với diện tích mặt hồ rộng 323km2, dung tích chứa 2,765 tỷ m3, là hồ nước nhân tạo lớn trên sông Đồng Nai.
Mấy ngày qua, lưu lượng nước trung bình về hồ là khoảng 2.300m3/giây. Nếu lượng nước này vẫn duy trì trong các ngày tới thì khoảng cuối tuần đầu tháng 8, Thủy điện Trị An sẽ phải xả lũ. Hiện, mực nước hạ nguồn sông Đồng Nai đã lên trên báo động 3, chỉ cách mực lũ lịch sử năm 1989 khoảng 0,5m.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.