(HNM) -Hà Nội là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, năm 2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án chăn nuôi tập trung (CNTT) xa khu dân cư với nhiều chính sách hỗ trợ.
Thiếu cơ chế đặc thù
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Từ tháng 8 năm 2009, thành phố đã phê duyệt đề án CNTT xa khu dân cư và có những chính sách khuyến khích bằng cách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… Tuy nhiên, đến nay tại các huyện hầu như chưa triển khai được dự án nào. Hiện tại, cả thành phố có 4 dự án đang được UBND huyện lập kế hoạch đầu tư trình phê duyệt, đó là khu chăn nuôi xã Tảo Dương Văn - Vạn Thái (Ứng Hòa), khu chăn nuôi xã Tân Ước (Thanh Oai) và khu chăn nuôi ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai với diện tích mỗi khu từ 15ha đến khoảng 70ha.
Ông Dương Tôn Kiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Năm 2005, để giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cho các hộ ở xã Thạch Thán, huyện đã quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư với 35ha nhưng không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, từ năm 2009, theo chính sách mới về hỗ trợ CNTT của UBND TP Hà Nội, huyện tiếp tục quy hoạch mở rộng khu chăn nuôi tại Thạch Thán nhưng đến nay vẫn không thể triển khai do các dự án đô thị, giao thông chồng lấn với dự án nông nghiệp nên không quy hoạch được. Theo ông Dương Tôn Kiên, hiện nay, phần lớn dự án CNTT chậm thực hiện do khó khăn trong công tác dồn điền đổi thửa, các hộ có đất thì không có khả năng tài chính, không có kinh nghiệm chăn nuôi, ngược lại, các hộ có vốn thì không có đất. Việc dồn đổi rất khó khăn bởi nhiều hộ không muốn đổi đất cho nhau hoặc cho thuê với thời gian ngắn mà muốn được Nhà nước thu hồi đất, trả tiền bồi thường GPMB như đất đô thị hay đất công nghiệp nên rất khó khăn cho chính quyền cơ sở. Trong khi đó thành phố chỉ hỗ trợ những khu CNTT lớn từ 10ha trở lên. Nhiều diện tích xen kẹp hoặc nông dân tự dồn đổi được 5-7ha không được hỗ trợ. Hơn nữa, đất đã chuyển đổi vào khu CNTT không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được thế chấp, vay vốn ngân hàng cũng gây khó khăn cho các hộ muốn đầu tư lớn.
Theo Sở NN&PTNT, quỹ đất dành cho chuyển đổi để xây dựng các dự án CNTT rất lớn nên nhiều huyện không bố trí được diện tích đất, một số dự án được quy hoạch không gắn với thị trường tiêu thụ nên chưa nhận được sự ủng hộ của người dân cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, theo quy định, kinh phí thực hiện đề án chăn nuôi xa khu dân cư chủ yếu từ huyện và do huyện làm chủ đầu tư nên đã bộc lộ không ít vấn đề. Ở huyện Thanh Oai, vướng mắc lớn nhất là vốn, ngân sách eo hẹp nên với nguồn hỗ trợ một phần của thành phố, dự án vẫn chưa thể thực hiện. Bên cạnh đó, vùng CNTT thường xa khu dân cư, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lên đến hàng trăm tỷ đồng, ngân sách địa phương không thể gánh vác được trong khi các nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chính sách và sự đồng thuận
Ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng: Đối với các dự án CNTT xa khu dân cư ở các huyện ngoại thành, các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư dự án, vệ sinh môi trường, đầu ra sản phẩm… đang là thách thức lớn đối với thành phố, chính quyền địa phương và người nông dân. Thành phố nên đầu tư kinh phí và có chính sách đặc thù về thuê đất đối với các dự án phát triển chăn nuôi xa khu dân cư… Các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản cũng có những quy định riêng, không nhất thiết phải làm như một dự án xây dựng đô thị để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, các ngân hàng cần đổi mới hình thức cho vay, tăng cho vay trung hạn, dài hạn, thế chấp bằng tài sản hình thành sau đầu tư hoặc liên doanh, liên kết cùng đầu tư giữa ngân hàng và chủ trang trại CNTT. Chăn nuôi theo hướng trang trại, sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, cần có thị trường ổn định, bền vững, vì vậy cần có chính sách về ưu tiên đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến, giết mổ. Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ các trang trại CNTT xa khu dân cư về vốn trong xây dựng hệ thống xử lý môi trường, xây dựng hầm bioga công suất lớn.
Việc chuyển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư là một chủ trương đúng, là giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Vì vậy, việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong xây dựng đề án cần có sự hợp tác, đồng thuận của cả chính quyền cơ sở. Ngoài ra, rất cần sự hợp tác của người nông dân và sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền thành phố và các cơ quan liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.