Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn gập ghềnh vì cơ chế

Nguyễn Đức| 20/10/2011 07:09

(HNM) - Ngày 19-10, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp (DN) nhà nước, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2012-2015.


Tại thời điểm ngày 1-1-2001, Bộ GTVT có 438 DN 100% vốn nhà nước, trong đó có 12 tổng công ty 90, 4 tổng công ty 91. Các DN này chủ yếu hoạt động trong 4 lĩnh vực, gồm xây lắp công trình giao thông, dân dụng, thủy lợi, quốc phòng...; công nghiệp; dịch vụ tư vấn, vận tải; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới DN, bộ chỉ đạo đổi mới quản lý qua một số hình thức, giải pháp như: cổ phần hóa; chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên; bán, phá sản DN; chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty mẹ - con; thí điểm thuê tổng giám đốc điều hành… Tính đến tháng 10-2011, đã có 324 DN và bộ phận DN hoàn thành cổ phần hóa (CPH), trong đó có 2 tổng công ty. 64 công ty nhà nước chuyển sang mô hình TNHH một thành viên; sáp nhập 37 DN; bán 4 DN; phá sản 1 DN… Trong quá trình sắp xếp, đổi mới, các DN đã giải quyết chế độ cho 13.632 lao động, với tổng số tiền chi trả hơn 550 tỷ đồng (trung bình hơn 40 triệu đồng/lao động). Nhìn chung, sau khi chuyển đổi, DN hoạt động tốt hơn. CPH giúp DN thay đổi cơ chế quản lý, chủ động trong sản xuất, kinh doanh… Khoa học công nghệ phát triển, đủ khả năng làm chủ công nghệ cao, phức tạp, đủ sức cạnh tranh quốc tế. CPH giúp vốn nhà nước tăng 20% sau khi đánh giá lại; doanh thu, lợi nhuận, thu nhập lao động tăng bình quân 10%. Với mô hình công ty mẹ - con, việc chuyển đổi cũng giúp phát huy tính tự chủ DN, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khắc phục khâu trung gian trong quản lý điều hành…


Sắp xếp, đổi mới DN là yêu cầu bắt buộc để rút vốn nhà nước ở lĩnh vực không cần thiết, ưu tiên cho lĩnh vực khác. Ảnh: Bảo Lâm

Nhưng doanh nghiệp vẫn kêu

Sắp xếp, đổi mới DN đem lại hiệu quả rõ ràng, nhưng đại diện các DN vẫn than bởi gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. DN khối xây dựng cơ bản của Bộ GTVT gặp nhiều khó khăn nhất, bởi tình hình tài chính không thuận lợi, chủ đầu tư nợ, chậm thanh toán lớn, trong khi vốn lưu động ít. Thiếu vốn, buộc phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, có đơn vị lãi kinh doanh không bù được lãi ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 Phạm Dũng cho biết, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt khoảng 3-5%, không bù lại được lãi ngân hàng quá cao. Ngay cả khi đã CPH, hiệu quả kinh doanh chưa chắc đã tốt do chủ đầu tư thanh toán chậm, GPMB ỳ ạch. Chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh, nhưng không được bồi thường. Đây là nguyên nhân gây thua lỗ chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 Thân Đức Nam cho rằng, cơ chế chưa mở khiến DN giao thông khó khăn.

Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam được chọn thí điểm mô hình thuê tổng giám đốc, nhưng ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết đã thất bại. Nguyên nhân là chưa có cơ chế phối hợp làm việc rõ ràng cho tổng giám đốc, đặc biệt là với cơ quan Đảng, đoàn thể. Tổng giám đốc chưa được phân quyền cụ thể, sẽ nảy sinh xung đột trong quá trình điều hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, sắp xếp, đổi mới DN là yêu cầu bắt buộc để rút vốn nhà nước ở lĩnh vực không cần thiết, ưu tiên cho lĩnh vực khác. Bộ GTVT chỉ đạo xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể DN trong đó lưu ý tới phát triển thế mạnh, tập trung vào ngành nghề chính, có lộ trình thực hiện cụ thể, nhất là về vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến công tác quản trị, đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực. Nếu vướng mắc do cơ chế, dứt khoát phải sửa. Công tác GPMB không bảo đảm tiến độ hoặc Nhà nước thanh toán chậm khiến DN khó khăn rõ ràng là chưa có công bằng, không sòng phẳng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, là đơn vị thực hiện tổng kết đầu tiên, nên Bộ GTVT phải thẳng thắn phân tích hạn chế, từ đó rút kinh nghiệm làm tốt hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xin được vừa xây dựng kế hoạch tổng thể, vừa tổ chức sắp xếp, đổi mới trong một số DN cụ thể. CPH không phải là tư nhân hóa như đang diễn ra ở không ít công ty con hiện nay. Công đoàn ngành cũng phải có báo cáo độc lập và đề xuất cụ thể để khắc phục hạn chế. Theo ông, các DN phải đẩy nhanh CNH-HĐH, đổi mới cách làm thay cho lối kinh doanh chộp giật. Bộ trưởng kiến nghị sửa ngay Luật Đấu thầu, bởi với cách làm hiện nay, sẽ bị biến tướng, méo mó, không tạo điều kiện cho DN trong nước. Luật Đấu thầu hiện nay đang kìm hãm sự phát triển của đất nước - ông nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn gập ghềnh vì cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.