(HNM) - Hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, huyện Từ Liêm là đơn vị tiêu biểu của TP Hà Nội đã có cách làm sáng tạo, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, gắn với nhiệm vụ của địa phương. Làm theo lời dạy của Bác để xây dựng nông thôn mới (NTM), thực hiện việc tang văn minh, cải cách hành chính… là minh chứng sống động hưởng ứng Chỉ thị số 03 tại cơ sở.
Xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm nổi tiếng với nghề trồng hoa. Ảnh: Khánh Nguyên |
"Làm theo Bác" ở Tây Tựu
Tây Tựu - một xã thuần nông còn nhiều hủ tục lạc hậu, song sau hai năm xây dựng NTM đã thay đổi diện mạo, trở thành địa phương tiêu biểu về tổ chức việc tang theo nếp sống văn minh. Cách để Tây Tựu bứt phá, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Đình Tứ, là nhờ biết gắn kết việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với xây dựng NTM. Không "đao to búa lớn", địa phương này chọn việc làm theo gương Bác rất cụ thể, vận động nhân dân góp công sức, trí tuệ kiến thiết làng quê. Nhà tuy hẹp, hơn 100 hộ dân tự nguyện đổi đất hoặc hiến đất, di dời nhà cửa để mở rộng đường liên thôn, liên xã rộng từ 2,5m ra 6m.
Thế nhưng, có đầu tư bao nhiêu để xây dựng cơ sở vật chất mà không thay đổi nếp sống, sinh hoạt của người dân thì chưa thể thành NTM. Hơn nữa, Tây Tựu là địa bàn khá phức tạp về an ninh nông thôn (có điểm nóng về ma túy), môi trường ô nhiễm do người dân chưa có ý thức thu gom rác, thuốc bảo vệ thực vật cùng nhiều hủ tục trong việc tang. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, Đảng ủy xã đã lựa chọn để tập trung chỉ đạo, quyết tâm thực hiện thành công trong năm 2012, coi đây là nhiệm vụ cụ thể "làm theo gương Bác".
Các chi bộ đều có nghị quyết chuyên đề và yêu cầu đảng viên tự giác tổ chức việc tang lành mạnh - tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, sau đó vận động nhân dân thực hiện. Người dân tự nguyện đóng góp hơn 90 triệu đồng mắc đèn chiếu sáng trục đường làng, ngõ xóm. 100% đám tang ở xã không tổ chức ăn uống linh đình, xóa bỏ các hủ tục; tệ nạn xã hội giảm rõ rệt, không phát sinh người nghiện mới. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Đình Tứ khẳng định, nếu chỉ đơn thuần kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất; không lồng ghép việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chương trình xây dựng NTM; cán bộ, đảng viên không tự giác, gương mẫu thì Tây Tựu không thể đạt được 17/19 tiêu chí xây dựng NTM như vừa qua.
Linh động, tránh rập khuôn
Năm 2012, huyện Từ Liêm đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI): Tổ chức học tập các chuyên đề; rà soát, bổ sung, niêm yết chuẩn mực đạo đức và đăng ký việc học và làm theo gương Bác. Đặc biệt, với việc lựa chọn 4 lĩnh vực công tác (CCHC; kiềm chế, giảm ùn tắc TNGT; xây dựng NTM; tăng cường giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ) tại 6 đơn vị làm điểm để nhân rộng, huyện Từ Liêm được Thành ủy Hà Nội ghi nhận có nhiều sáng tạo trong cách làm. Căn cứ 4 nội dung này, 6 đơn vị làm điểm đã xác định rõ đặc thù để xây dựng chuẩn mực đạo đức. Chẳng hạn, với Đảng bộ cơ quan hành chính UBND huyện, Đảng bộ cơ quan dân đảng huyện đã xây dựng chuẩn mực theo chủ đề "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"; Viện Kiểm sát nhân dân xây dựng chuẩn mực đạo đức gắn với 5 tiêu chí "công minh, chính trị, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"; ở các chi bộ nhà trường "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo". Trong năm 2012 đã có 66/66 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành việc niêm yết chuẩn mực đạo đức để nhân dân theo dõi, giám sát.
Trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức đã được xây dựng, Huyện ủy Từ Liêm yêu cầu cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện, xem đây là nội dung đánh giá thi đua, khen thưởng cuối năm. Kết quả cho thấy, cả 4 lĩnh vực trên so năm 2011 đều có chuyển biến. Đơn cử như tại Đảng bộ xã Đông Ngạc, 100% chi bộ xây dựng chuẩn mực đạo đức. Theo đó, đảng viên ở các chi bộ tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao, vận động nhân dân, các cơ quan, đơn vị đóng góp hơn 14,5 tỷ đồng cải tạo đường làng, hệ thống thoát nước, sân thể thao, nhà hội họp.
Qua thực tiễn triển khai Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị tại huyện Từ Liêm cho thấy, không thể hưởng ứng việc học và làm theo gương Bác theo cách rập khuôn, máy móc, mệnh lệnh hành chính mà phải bằng việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện các quy chuẩn đạo đức. Đơn cử như, trong việc tang, không thể cứ "đè" các trường hợp vi phạm ra mà xử phạt nặng rồi nghĩ rằng sẽ chuyển biến. Quan trọng, mỗi cấp ủy, chính quyền cần tuyên truyền trước là cho cán bộ, đảng viên, sau đến người dân nhận thức được hệ lụy từ các hủ tục, tự thay đổi, điều chỉnh theo hướng tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.