(HNM) - 1. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành 93 năm qua, Đảng ta đã không ngừng chú trọng gia tăng sức mạnh từ gốc, đó là từ chi bộ, đảng bộ cơ sở.
Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), khi thảo luận về vấn đề tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Trung ương khẳng định, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy còn hạn chế, chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc ở cơ sở...
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất thông qua Nghị quyết về “Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Ngày 16-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết quan trọng này (Nghị quyết số 21-NQ/TƯ). Nghị quyết đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, một trong những giải pháp hàng đầu và đang được quan tâm nhất hiện nay là: Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”.
Về vấn đề này, tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã có nhiều giải pháp hay, mô hình hiệu quả nhằm kịp thời phát hiện điểm yếu, nơi yếu để củng cố, khắc phục. Tiêu biểu, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Qua hơn 5 năm thực hiện, toàn thành phố đã củng cố được 251/277 tổ chức cơ sở Đảng diện Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi và 90/102 tổ chức cơ sở Đảng diện Ban Chỉ đạo cấp huyện theo dõi. Đây là kết quả có ý nghĩa to lớn. Nhờ đó, tuy là đảng bộ cấp tỉnh lớn nhất cả nước, nhưng Đảng bộ Thủ đô luôn duy trì hệ thống tổ chức chặt chẽ, kỷ luật, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.
Tuy nhiên, thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục vận dụng những giải pháp mới, mô hình hay để không ngừng củng cố năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ở cơ sở. Vì ngay như Hà Nội, đến nay, vẫn còn gần 40 tổ chức cơ sở Đảng (đã được thống kê) cần củng cố; chưa kể không ít chi bộ, đảng bộ cơ sở tiềm ẩn vấn đề phát sinh như mất đoàn kết nội bộ...
2. Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, thay mặt Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy nghiên cứu tham mưu triển khai nhiệm vụ, giải pháp nêu trên. Đây là chỉ đạo kịp thời, đúng, trúng và rất cần thiết, đòi hỏi sự chủ động triển khai ngay của các cấp ủy, tổ chức Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Trên thực tế, một số cấp ủy, tổ chức Đảng đã chủ động triển khai mô hình này và ghi nhận hiệu quả rõ rệt, tiêu biểu như tại Đảng bộ quận Ba Đình. Đó là chưa kể mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” đã được khẳng định tính hiệu quả qua áp dụng tại Đảng bộ Khối các cơ quan trung ương và các tỉnh: Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc...
Điều này cho thấy, vận dụng mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” là giải pháp khả thi. Để vận dụng tốt mô hình này, các cấp ủy tổ chức Đảng trên địa bàn thành phố Hà Nội cần bám sát, cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Trung ương, Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, cùng các quy định, đề án liên quan đến công tác kết nạp đảng viên mới, sàng lọc, quản lý đảng viên vừa được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành. Đây là những cơ sở không thể thiếu trong quá trình vận dụng, thực hiện.
Đặc biệt, cần nhận thức sâu sắc đặc điểm “bốn tốt” gồm: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt”. Trên cơ sở đó, từng cấp ủy tổ chức Đảng cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, vận dụng đưa vào chương trình, kế hoạch công tác, nhất là các quy chế hoạt động; gắn với phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên.
Điều quan trọng là phải đưa việc thực hiện “bốn tốt” thành công việc thường xuyên, hằng tháng, hằng ngày của tập thể và mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ, đảng bộ cơ sở. Cần thiết phải gắn việc thực hiện “bốn tốt” với công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá cán bộ hằng tháng, hằng năm. Định kỳ, tổ chức Đảng và đảng viên phải tự kiểm tra, kiểm điểm tự phê bình và phê bình, vừa kịp thời rút kinh nghiệm khâu yếu, vừa tăng cường điểm mạnh, từ đó tạo chuyển biến thực sự về chất.
Muốn xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” thì phải bắt đầu từ đảng viên, như lời Bác Hồ dạy: “Đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Làm tốt điều này từ gốc sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Vận dụng mô hình “bốn tốt” thành công xét cho cùng cấp ủy tổ chức Đảng phải giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra ở cơ sở. Thước đo chính yếu là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy tổ chức Đảng và niềm tin trong nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.