(HNMO) - Sáng 27-9, phát biểu kết luận tại buổi đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Nông dân thành phố vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn...
Giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cách đây hơn 75 năm, ngày 11-4-1946, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) một lần nữa khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Đây là những chỉ dẫn và định hướng rất rõ ràng để cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng và càng quyết tâm thực hiện tốt chính sách “tam nông”.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội và thách thức đan xen sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết hiệu quả những đề xuất, kiến nghị của nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, đồng chí chỉ đạo các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao...
Bí thư Thành ủy đề nghị vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy yêu cầu xuất phát từ hoạt động thực tiễn phong trào, nắm bắt nguyện vọng của nông dân nói chung về phát triển nông nghiệp, nông thôn, những kiến nghị của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; các cấp Hội Nông dân thành phố cần nghiên cứu, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, các ngành, chính quyền thành phố hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2023 tới đây là năm diễn ra Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, đòi hỏi các cấp Hội Nông dân thành phố phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, phương thức hoạt động. Đồng chí chỉ đạo Hội Nông dân thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp của thành phố bảo đảm mục đích, yêu cầu, tiến độ quy định.
Tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
“Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi kêu gọi nông dân Thủ đô, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, để cùng nhau xây dựng nông thôn Thủ đô khang trang hơn, giàu đẹp hơn, văn minh hơn và hướng tới các tiêu chí đô thị. Qua các đại biểu dự hội nghị hôm nay, lan tỏa tinh thần này tới toàn thể nhân dân. Đồng thời, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương lớn của Trung ương và thành phố”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân, đồng chí Đinh Tiến Dũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị...
Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành phố rà soát các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương và thành phố; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để các cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã QR, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản sản phẩm (OCOP).
Cũng theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ngành tập hợp, trả lời bằng văn bản các kiến nghị của nông dân; đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền, có thời hạn cụ thể để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Văn phòng Thành ủy có nhiệm vụ ban hành thông báo kết luận hội nghị, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan trả lời và thực hiện các kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp; kiểm tra, đôn đốc việc trả lời, giải quyết của các sở, ngành, các cơ quan liên quan đối với kiến nghị, đề xuất.
Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu hội viên nông dân và trả lời, giải đáp của các đơn vị, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố, HĐND thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, quan tâm, tạo điều kiện tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.