Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam: Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

Thanh Hiền| 29/05/2019 07:10

(HNM) - Sau 10 năm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa, đi sâu vào cuộc sống, giúp người dân tin dùng hàng Việt.

Nhiều doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về phục vụ người dân ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Lê Tuấn


Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố về kết quả nổi bật và những giải pháp để triển khai cuộc vận động thời gian tới.

- Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được sau 10 năm thực hiện?

- Đây là cuộc vận động mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân. Thành phố đã chủ động triển khai và thu được kết quả toàn diện. Sau 10 năm triển khai cuộc vận động, đã có 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết, 29 tuần hàng Việt, 254 phiên chợ Việt, 3.200 chuyến bán hàng lưu động, gần 10.000 chương trình khuyến mãi… đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Trong giai đoạn 2009-2018, thành phố còn đẩy mạnh thực hiện các chương trình liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa. 80 cuộc giao thương kết nối, tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hơn 3.000 biên bản ghi nhớ, hỗ trợ hơn 800 sản phẩm của các địa phương tiêu thụ tại các kênh phân phối Hà Nội; hỗ trợ 105 doanh nghiệp của 24 tỉnh, thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 3.000 mã sản phẩm kết nối nông sản tại sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm an toàn, trang tin nông sản tại Hà Nội… Đặc biệt, sau 9 năm tổ chức cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích”, đến nay đã có 771 lượt sản phẩm của 588 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Ban Tổ chức, được người tiêu dùng bình chọn và ưu tiên sử dụng.

Theo kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện, sau 10 năm triển khai, nhiều ý kiến trong xã hội đã ghi nhận, đánh giá tích cực về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động. Các yếu tố như: Niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt Nam chất lượng cao; việc thực hiện ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách nhà nước; việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của các địa phương… là những nội dung được dư luận đánh giá có sự chuyển biến tích cực ở mức cao nhất.

- Để đạt được những kết quả trên, thành phố Hà Nội đã có những biện pháp, sáng tạo gì, thưa ông?


- 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp, sáng tạo để thực hiện cuộc vận động đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tiêu biểu phải kể đến sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”; tiếp tục hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; việc đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp… được tăng cường, duy trì thường xuyên và hiệu quả.

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, hỗ trợ kết nối cung - cầu hàng hóa; kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; tổ chức các hội chợ, hội nghị giao thương, chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã… giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường mới.

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hành trình đến với người tiêu dùng của hàng Việt còn gặp nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết rõ hơn nguyên nhân của vấn đề này?


- Qua quá trình thực hiện, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, gắn kết việc thực hiện cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, vẫn còn những đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động; một số quận, huyện chưa quan tâm đến việc triển khai cuộc vận động.

Công tác phối hợp của các lực lượng chức năng ở một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Vẫn còn những doanh nghiệp chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, sáng tạo cải tiến mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tình trạng hàng giả, hàng nhái còn tồn tại. Các doanh nghiệp tham gia bán hàng tại các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động tại khu vực xa trung tâm các huyện phải trang trải nhiều chi phí, trong khi doanh số thấp, nên doanh nghiệp tham gia chương trình gặp nhiều khó khăn…

- Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ triển khai những giải pháp gì?

- Trong thời gian tới, thành phố sẽ đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tập trung kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hội chợ.

Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để doanh nghiệp có điều kiện đưa hàng Việt về cả khu vực nội thành và vùng nông thôn phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động đồng hành cùng các chương trình của Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đưa hàng hóa vào các siêu thị, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng sạch tại Hà Nội…

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp của thành phố cần xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động ở cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; tránh tình trạng “khoán trắng” cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên... Các ngành chức năng cần chủ động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền đến mỗi người dân, doanh nghiệp... Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp để đưa cuộc vận động trở thành một cuộc vận động toàn dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam: Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.