Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề sống còn với người lao động

Linh Nhi| 12/03/2011 04:58

(HNM) - Với mục tiêu được xác định là xây dựng quan hệ lao động bền vững, bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ), nâng cao trách nhiệm xã hội và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN); bằng sự hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia Quỹ LĐ quốc tế Nhật Bản (JILAF), việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) đang được các cấp Công đoàn (CĐ) nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn.

Lắp đặt roto tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La - công trình hoàn thành vượt kế hoạch nhờ thực hiện tốt các phong trào thi đua sản xuất.  Ảnh: ngọc Hà


Đòi hỏi từ thực tiễn

Tại một hội thảo cấp TƯ do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với JILAF tổ chức mới đây về NSLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ năm 1998 đến nay, nước ta đã tiếp nhận hơn 12 nghìn dự án đầu tư nước ngoài với gần 200 tỷ USD. Cùng với đó là sự gia tăng về số lượng NLĐ trong các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, công nghiệp. Tuy vậy, NSLĐ của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Và chính vì vậy thu nhập của người lao động cũng ở mức thấp tương ứng.

Nhằm nâng cao NSLĐ, góp phần bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ (vì NSLĐ có liên hệ mật thiết với quyền lợi của NLĐ), thời gian qua, các cấp CĐ đã có nhiều giải pháp như: phát động, tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm phát huy trí tuệ và năng lực của NLĐ; xây dựng chính sách, ký kết thỏa ước lao động tập thể, để bảo vệ thành quả lao động và các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Thực tế cho thấy, qua các phong trào thi đua ở các DN, đơn vị, hàng vạn công trình sản phẩm, sáng kiến, đề tài được hoàn thành với giá trị làm lợi hàng ngàn tỷ đồng và mang lại hiệu quả cao. Qua đó đã xuất hiện hàng triệu lượt cá nhân, hàng chục ngàn lượt tập thể đạt danh hiệu lao động giỏi, chiến sỹ thi đua các cấp, tập thể lao động xuất sắc... Điển hình là tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hoàn thành, phát điện vượt trước kế hoạch đề ra 2 năm, làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, thực chất NSLĐ vẫn bị "bó hẹp" và chưa phát huy hiệu quả tốt nhất. Theo một chuyên gia đến từ JILAF, nâng cao NSLĐ cần được tính đến với một số vấn đề rộng mở hơn như: trách nhiệm xã hội của DN và vai trò của CĐ; các tiêu chuẩn lao động và trách nhiệm của DN; quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh mang tính xây dựng; các hoạt động nâng cao NSLĐ và cuộc vận động về nâng cao NSLĐ...

Hiện thực hóa các vấn đề về nâng cao NSLĐ

Theo các chuyên gia về lao động - việc làm, NSLĐ được coi là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc tạo ra giá trị thặng dư, tạo điều kiện cho tích lũy tái đầu tư và nâng cao thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán và cải thiện đời sống. Do vậy, nâng cao NSLĐ là vấn đề "sống còn" đối với NLĐ, trong đó CĐ đóng vai trò quan trọng.

Ông Lê Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng cho hay, các phong trào thi đua do tổ chức CĐ Công ty phối hợp chuyên môn thực hiện như năng suất chất lượng, phát huy tính sáng tạo... đều có tác động tốt đến thành tích sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đây cũng chính là nguồn động lực để hơn 1.400 CNLĐ của công ty phát huy tính sáng tạo, nâng cao NSLĐ.

Song, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý, quan hệ lao động hiện nay đang là một trong những vấn đề cốt yếu, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của DN; nhất là quan hệ lao động ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước luôn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc. Đây là những thách thức đặt ra đối với tổ chức CĐ và là rào cản cho việc thực hiện nâng cao NSLĐ theo hướng bảo vệ quyền lợi NLĐ và nâng cao trách nhiệm xã hội của DN, cũng như việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Tổng Liên đoàn đang đẩy mạnh thực hiện nghị quyết về thương lượng tập thể để thương lượng các lợi ích cho NLĐ và sẽ triển khai nâng cao NSLĐ gắn với xây dựng quan hệ lao động bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội của DN. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, thông qua việc tăng cường tham gia quản lý DN.

Có thể thấy, việc nâng cao NSLĐ để bảo đảm quyền và lợi ích NLĐ là một cách tiếp cận mới tại nước ta và đem lại những lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, theo ông Kiều Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP Hà Nội, lâu nay việc nâng cao NSLĐ vẫn chủ yếu được thực hiện qua các phong trào thi đua và cũng mới chỉ được thực hiện khá tốt ở khối DN nhà nước. Do đó, để thực hiện chủ trương nâng cao NSLĐ theo hướng mở rộng quyền lợi cả hai phía DN- NLĐ, rất cần bản lĩnh và năng lực thực sự của cán bộ CĐ ngay từ cấp cơ sở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề sống còn với người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.