(HNM) - Ngày mai, 11-7, Ngày Dân số thế giới. Đây là ngày sinh của công dân thứ 5 tỷ - Matej Gaspar, chào đời tại thành phố Zagreb (nay là Thủ đô của Croatia) được biểu quyết chọn là Ngày Dân số thế giới.
Mỗi năm, thông qua tổ chức sự kiện Ngày Dân số thế giới với một chủ đề riêng, các quốc gia và mỗi thành viên được nhắc nhở về tầm quan trọng của kiểm soát mức tăng dân số cũng như các vấn đề liên quan đối với việc thực hiện quyền cơ bản của con người. Đó là quyền được sống hạnh phúc, quyền được học hành, có đủ dinh dưỡng, nhà ở, được chăm sóc sức khỏe…
Năm nay, Ngày Dân số thế giới được tổ chức với thông điệp do UNFPA truyền đi là “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”. Đó là một chủ đề phù hợp với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam mà đặc biệt là Hà Nội - theo đánh giá của chuyên gia dân số là “đã đạt mức sinh thay thế và đang chuyển từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Có nghĩa, vấn đề không còn nằm ở việc tập trung kiểm soát mức tăng dân số đơn thuần, mà chuyển sang mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên, như thường nghe và nói, bối cảnh mang ý nghĩa tích cực nêu trên vẫn bao hàm thách thức phải vượt qua. Như đã thấy tại buổi mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm 2017 do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 6-7 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Lê Cảnh Nhạc lưu ý: Nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thanh niên còn cao...
Mất cân bằng giới tính khi sinh đúng là thách thức rất lớn mà Việt Nam phải tìm cách vượt qua, vì mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững chứ không chỉ vì tình trạng “hơn 4 triệu đàn ông Việt Nam có thể không lấy được vợ” mà chúng ta sẽ đối diện trong tương lai không xa nếu việc kiểm soát sự mất cân bằng không đem lại hiệu quả tích cực. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh trung bình của cả nước là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Đó là số liệu đáng báo động nếu được so với tỷ số giới tính khi sinh bình thường - theo quan điểm của UNFPA - nằm ở mức dao động 102-106 trẻ trai/100 trẻ gái.
Điều đáng lo hơn là số liệu trung bình về tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam, vốn đã ở mức cao, không phản ánh hết tính phức tạp của tình hình liên quan, bao gồm sự tăng không đồng đều giữa các địa phương, sự tăng - giảm “thất thường” hằng năm. Chẳng hạn, số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2016, ở Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh ở một số địa phương thậm chí đã lên tới 120/100 hoặc tiệm cận con số này. So với một năm trước đó, dù 18 địa phương có tỷ số này giảm nhưng lại có 46 tỉnh, thành phố xuất hiện sự tăng - “đứng” ở mức dao động 115-120 trẻ trai/100 trẻ gái.
Hơn nữa, sự tăng - giảm khá thất thường cho thấy chất lượng kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn có hạn chế nhất định: Năm 2013, tỷ số trung bình của cả nước là 113,8/100, đến năm 2014 giảm xuống 111,2/100, năm 2015 tăng lên 112,8/100 và giảm còn 112,2/100 vào năm 2016.
Sự gia tăng về tỷ số giới tính khi sinh diễn ra thuận lợi khi có các điều kiện cần và đủ. Có điều kiện cần là khi các gia đình vẫn muốn có bằng được con trai “nối dõi tông đường”. Điều kiện đủ là thành quả công nghệ cho phép các cặp vợ chồng thực hiện giải pháp lựa chọn giới tính thai nhi, can thiệp sớm... nếu không toại nguyện.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn tới nhiều hệ lụy đối với sự phát triển nói chung. Những phân tích chuyên môn cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh tăng cao tất yếu dẫn tới tình trạng “thừa nam, thiếu nữ”. Số lượng nam giới không tìm được bạn đời càng tăng thì tệ nạn xã hội càng có cơ hội bùng phát, đáng kể là nạn hiếp dâm, tảo hôn, buôn bán người, phá thai do có thai ngoài ý muốn... Bên cạnh đó là những hệ lụy khác như làm thay đổi cấu trúc gia đình, vị thành niên gái không có đủ điều kiện trưởng thành do phải kết hôn sớm, một số ngành nghề thích hợp hoặc cần tuyển nhân sự là nữ lâm vào tình trạng thiếu lao động, sự tăng giá bất động sản do có quá nhiều nam giới cần có nhà riêng để cưới vợ...
Hơn nữa, phải tính đến một khả năng khác, vốn không được nhắc tới nhiều khi bàn về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đó là việc chúng ta ở gần một quốc gia khác cũng đang lâm vào tình trạng “thiếu nữ, thừa nam” do đã thực hiện “chính sách một con” trong khoảng thời gian khá dài. Đó là mối lo đã hiện hữu, bằng chứng là nạn buôn bán phụ nữ Việt Nam qua biên giới ngày càng có diễn biến phức tạp.
Chỉ ra nguyên nhân và hiện tượng cũng có nghĩa xác định yêu cầu về giải pháp cho vấn đề. Cần nhắc lại là cách nay hơn một năm, ngày 23-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 486/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025" với mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là một đề án lớn, bao gồm hệ giải pháp đồng bộ để hướng tới mục tiêu kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua việc tăng cường hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái thực hiện quyền của mình, chấn chỉnh hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi, tảo hôn, tuyên truyền về bình đẳng giới... Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ có thể mang lại hiệu quả tối đa khi nhận thức của người dân về vấn đề này có sự thay đổi theo hướng tích cực, bình đẳng giới trở thành hiện thực trong mỗi nhà chứ không chỉ dừng lại ở phát ngôn của phái mạnh.
Như vậy, rõ ràng là chúng ta không thể tạo ra bước đột phá nhằm thay đổi hiện trạng nếu tâm lý trọng nam khinh nữ còn tồn tại, nếu xu hướng lựa chọn giới tính không bị chặn lại cũng như nữ giới vẫn cam chịu từ bỏ quyền được tham gia và quyền tự quyết chính đáng của mình.
Vấn đề nằm ở nhận thức!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.