(HNM) - Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của Hà Nội sử dụng nước sạch theo quy chuẩn mới đạt 35,5%; nhiều công trình cấp nước tập trung được thành phố đầu tư kém hiệu quả, quản lý, vận hành yếu kém nên thất thoát lớn; việc kêu gọi xã hội hóa khó khăn; phân cấp thực hiện xét nghiệm chất lượng nước chưa triệt để…
Người dân xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai lấy nước ao để sinh hoạt. |
Chất lượng cuộc sống của người dân ngoại thành Hà Nội còn thấp với số lượng hộ gia đình được dùng nước sạch còn khiêm tốn. Trong số 35,5% người dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, thì chỉ có 7,7% được dùng từ công trình cấp nước tập trung do thành phố đầu tư, còn lại là từ hệ thống cấp nước đô thị và dân tự lọc bằng các thiết bị lọc nước hộ gia đình. Thành phố đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các công trình cấp nước tập trung nhưng một số công trình không khai thác được, hoặc khai thác không hiệu quả; cơ chế vận hành, đơn giá nước không thống nhất. Mỹ Đức là đơn vị gặp nhiều khó khăn lĩnh vực này vì mới chỉ có 9,8% dân số được sử dụng nước sạch (trên địa bàn xã Hương Sơn với Trạm cấp nước sạch Thiên Trù và thôn Yến Vỹ).
Năm 2016, chỉ tiêu thành phố giao cho huyện Mỹ Đức đạt mức số dân được dùng nước sạch chiếm 26,2%, nhưng kể cả khi Nhà máy Nước sạch thị trấn Đại Nghĩa đi vào hoạt động thì mới nâng tổng số dân sử dụng nước sạch của huyện đạt 20%. Trong khi đó, khả năng Nhà máy Nước thị trấn Đại Nghĩa đi vào hoạt động là rất khó, bởi theo đề án thì nhà máy sẽ lấy nguồn từ nước mặt Sông Đáy mà nguồn này lại đang ô nhiễm nặng. Người dân địa phương cho biết, nếu lấy nguồn từ Sông Đáy thì họ sẽ không dùng. Giải pháp khắc phục được huyện và cơ quan chức năng đề xuất là lấy nguồn nước từ hồ Quan Sơn, nhưng đây là nguồn cung cho sản xuất nông nghiệp, lấy nước để phục vụ sinh hoạt thì nước sản xuất lại có thể gặp khó khăn; còn lấy nguồn nước ngầm thì không được phép vì gây sụt lún. Huyện Mỹ Đức hiện đang đề xuất với cơ quan chức năng của thành phố sớm hướng dẫn huyện phương án lấy nguồn nước để Nhà máy Nước của thị trấn Đại Nghĩa đi vào hoạt động.
Huyện Chương Mỹ có đỡ hơn huyện Mỹ Đức về nguồn nước vì Sông Bùi được coi là phương án khả thi, chất lượng nước vẫn bảo đảm. Nhưng Chương Mỹ lại có khó khăn khác khi 6/13 dự án trạm cấp nước tập trung với hơn 33 tỷ đồng Nhà nước đã đầu tư còn dở dang, chưa hoàn thiện. Những trạm còn lại đi vào hoạt động, nhưng mô hình quản lý không thống nhất, nơi thì giao cho thôn, nơi giao cho xã quản lý; việc thu tiền nước khó khăn, đường ống không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên lượng thất thoát lớn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, tại thôn Đồng Ké (xã Trần Phú), người dân kiến nghị được dùng nước sạch, nhưng khi trạm nước tập trung do Nhà nước đầu tư vận hành thì người dân lại không dùng vì không có tiền trả, nên trạm hoạt động 6 tháng thì dừng. Huyện Quốc Oai cũng có tỷ lệ người dân dùng nước sạch thấp (6,16% tổng số dân) cho dù tuyến ống nước sạch Sông Đà chạy dọc Đại lộ Thăng Long qua địa phận huyện 9km. Số hộ dân được sử dụng nước sạch từ 2 công trình cấp nước tập trung (Trạm cấp nước thị trấn Quốc Oai và Trạm cấp nước Yên Nội - Đồng Quang) đầu tư hỗ trợ theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Chương trình 134). Còn lại đa số các hộ dân trong huyện vẫn đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các giếng khoan, giếng khơi, nước mưa, nước sông.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, nước sạch là nhu cầu tất yếu, nhưng hiện tại khu vực nông thôn thiếu trầm trọng, nhiều nơi người dân phải mua nước qua lọc để dùng. Nguyên nhân những dự án nước sạch tập trung hoạt động không hiệu quả là do đánh giá khả thi dự án không sát thực tiễn; triển khai chưa đồng bộ, theo chủ quan mà không lấy ý kiến của người dân sở tại; máy móc công nghệ lạc hậu. Thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn rà soát, đánh giá lại hiệu quả, phân loại từng công trình, nơi nào khả thi thì đề xuất UBND thành phố tiếp tục đầu tư, hoặc kêu gọi xã hội hóa, nơi nào không hiệu quả thì đề xuất phương án dừng đầu tư và tất toán. Tuy nhiên, về lâu dài, thì nên đấu nối với hệ thống nước sạch đô thị, bởi khả năng vận hành của xã, thôn không bảo đảm, thất thoát rất lớn, có nơi khi bơm thất thoát đến 70% lượng nước.
Trong lúc vẫn chưa có giải pháp hiệu quả cho vấn đề nước sạch nông thôn, Đoàn giám sát của HĐND thành phố đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thực hiện phân cấp rõ ràng cho các huyện, thị xã chủ động về việc lấy mẫu nước trong nhân dân để xét nghiệm, cảnh báo người dân có biện pháp tự trang bị thiết bị lọc nước hộ gia đình cho bảo đảm. Các huyện có trạm cấp nước tập trung thành phố đã đầu tư phải tăng cường quản lý sử dụng, vận hành sao cho hiệu quả; thay đổi mô hình quản lý, giao cho cơ quan, cá nhân có chuyên môn vận hành, kịp thời duy tu đường ốc, sục xả bảo đảm nguồn cấp cho nhân dân. Sở NN&PTNT tham mưu công tác quy hoạch các trạm nước nông thôn cho UBND thành phố, cần thiết đề xuất điều chỉnh nếu có sự chồng lấn giữa quy hoạch cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.