(HNM) - Đến thời điểm này, công tác đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) năm 2010 của Hà Nội đã thu được trên 2.500 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch thu ngân sách. Trong tháng cuối cùng của năm 2010, một số dự án khác tiếp tục được đấu giá để hoàn thành mục tiêu kế hoạch.
Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Tuấn Khải
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến nay, đã có 18 đơn vị tổ chức đấu giá 11,7ha đất, thu được trên 2.519 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch thu ngân sách. Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì và Đông Anh là các quận, huyện đạt kết quả cao nhất. Nhiều đơn vị khác triển khai chậm, thậm chí một số nơi chưa tổ chức đấu giá như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Gia Lâm, Từ Liêm, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa… Từ nay đến cuối năm, TP sẽ phải tổ chức đấu giá để thu thêm khoảng 80 tỷ đồng nữa mới hoàn thành kế hoạch. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được và vượt mục tiêu kế hoạch năm bởi hiện tại, một số khu đất đã đủ điều kiện đấu giá ngay. Cụ thể: khu đấu giá thôn Thờn Bơn, khu Ngô Thì Nhậm, khu Đồng Dung (quận Hà Đông) dự kiến đấu giá tháng 12-2010, thu 70 tỷ đồng; khu đấu giá xã Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), dự kiến đấu giá 2ha đất trong quý IV-2010, thu 300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Giám đốc Sở TN&MT nhận định, công tác ĐGQSDĐ đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận, một số dự án đã được giao đất đấu giá vẫn chưa bảo đảm tiến độ về giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Thời gian lập hồ sơ xin sử dụng đất đấu giá còn kéo dài, nhất là các huyện mới hợp nhất. Bên cạnh đó, việc thu tiền trúng đấu giá tại một số dự án còn dây dưa, chưa dứt điểm (như ở dự án đấu giá đất khu Sài Đồng, quận Long Biên và xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm)…
Tại cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo UBND TP với các sở, ngành, quận, huyện về công tác ĐGQSDĐ năm 2010 mới đây, đại diện một số địa phương cho biết khá lúng túng xung quanh quy trình, quy định mới về đấu giá. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc có cần thiết phải có mặt đấu giá viên TP theo như quy định mới ban hành tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Luồng ý kiến này khẳng định nếu mời đấu giá viên TP sẽ không đạt kết quả cao. TP đã phân cấp cho quận, huyện triển khai đấu giá thì nên giao quyền chủ động, như vậy mới ràng buộc được trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Nếu có thêm đấu giá viên của TP điều hành thì quận, huyện sẽ mất đi tính chủ động. Trong khi đó, Nghị định 17/2010/NĐ-CP đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nên địa phương rất khó triển khai. Theo ông Trần Đức Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, vì vướng mắc này mà đến nay, huyện vẫn loay hoay nghiên cứu thành lập hội đồng đấu giá đất. Đã sắp hết năm nhưng chưa đấu giá được ô đất nào.
Nâng tiền đặt cọc để hạn chế thông thầu?
Liên quan đến vấn đề làm cách nào hạn chế thông thầu và lũng đoạn thị trường thông qua ĐGQSDĐ như đã xảy ra tại một số nơi, đại diện UBND huyện Quốc Oai kiến nghị TP sớm ban hành quy định nâng tiền đặt cọc bảo lãnh đấu giá đối với mỗi lô đất. Tại Khu đấu giá Phú Cát (huyện Quốc Oai), theo kết quả trúng đấu giá đã được phê duyệt, ngân sách ước thu được khoảng 46 tỷ đồng nhưng đến ngày hết hạn, chỉ có 1 người nộp với số tiền 1,2 tỷ đồng. Lô đất trị giá hàng tỷ đồng nhưng tiền đặt cọc bảo lãnh chỉ vài ba chục triệu đồng, các đối tượng sẵn sàng nộp tiền tham gia đấu giá rồi "hét" giá trúng thật cao, sau đó bỏ cuộc. Kết quả là đất nhà tổ chức đấu giá không bán được nhưng giá các khu đất liền kề của tư nhân cứ tăng vọt.
Theo ông Vũ Văn Nhàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Trì, tình trạng trên cũng xảy ra tại Thanh Trì khi có tới 800 hộ dân tham gia đấu giá nhưng mục tiêu là để lũng đoạn thị trường và bán đất nhà mình với giá cao. Trước ngày đấu giá, chính quyền còn nhận được thông tin hàng trăm người tham gia đấu giá gặp mặt tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai) để bàn chuyện thông thầu. Đây là vấn đề phức tạp và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trước những băn khoăn của các quận, huyện về Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết sẽ sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ. Với các dự án ĐGQSDĐ được giao đất trước ngày 1-7-2010, TP sẽ xin được áp dụng cơ chế chuyển tiếp và áp dụng theo quy định cũ cho đến hết ngày 31-12-2010. Các dự án đấu giá sau ngày 1-7-2010 thì thực hiện theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Về khâu đấu giá viên, trong lúc chưa có thông tư hướng dẫn, quan điểm của TP là quận, huyện vẫn thành lập hội đồng đấu giá và mời các tổ chức đấu giá chuyên trách của TP cử đấu giá viên tham gia ngay từ lúc mới xây dựng quy chế cho đến khi hoàn thành. Làm như vậy sẽ bảo đảm công khai, minh bạch. Về vấn nạn thông thầu, lũng đoạn thị trường, các quận, huyện có thể mời lực lượng công an, thanh tra vào cuộc điều tra làm rõ để có phương án xử lý cụ thể…
Bà Phan Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây: Quy định sau 3 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, khách hàng phải trả hết tiền là quá lâu mà chỉ nên quy định trả tiền trong vòng 10-15 ngày. Đối tượng nào không nộp tiền đúng hạn sẽ bị xử lý theo đúng quy chế đấu giá đã được công khai. Quận, huyện sẽ hủy kết quả trúng đấu giá để tổ chức đấu giá tiếp. Làm như vậy, đất (hàng hóa) sẽ tiếp tục được đưa ra thị trường, những người dân có nhu cầu thực sự sẽ có cơ hội trúng thầu, Nhà nước thu được tiền về cho ngân sách. Cách làm này cũng sẽ hạn chế được nạn lũng đoạn thị trường, tránh đầu cơ đất đai. |
Đăng ký tham gia đấu giá tài sản 1. Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản. 2. Người tham gia đấu giá tài sản có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá. 3. Trong trường hợp người tham gia đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước mua được tài sản bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 4. Trong trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. (Điều 29, Nghị định 17/2010/NĐ-CP) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.